'Bão giá' làm khó doanh nghiệp xây dựng
Nhìn nhận việc ban hành chỉ số giá của các địa phương không thể bù đắp được so với thực tế, theo ông Thọ, nguyên nhân là do công thức điều chỉnh giá hiện nay dùng theo chỉ số giá dạng tổng hợp và đưa ra chỉ số giá một số công trình chung trên địa bàn. Tuy nhiên, dự án cao tốc, tiêu chuẩn lại có nhiều nguồn vật liệu khác. Ví dụ đối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu tính toán trượt giá khoảng 23%, địa phương bù giá 11%, dự án Cam Lộ - Huế, bù giá chỉ tăng 0,3% nhưng nhà thầu tính toán thì trượt giá gần 10%, theo các công thức hiện nay.
Ông Nguyễn Lê Bách - Phó giám đốc Ban Kế hoạch - Kỹ thuật (Tập đoàn Đèo Cả) cho hay, tình hình bão giá vật liệu xây dựng bắt đầu khoảng từ quý I/2021. Thời điểm Tập đoàn Đèo Cả lập giá dự thầu của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, giá thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Đến cao điểm khoảng tháng 4/2022, giá thép đã lên tới 20.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thép đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn 18.000 đồng/kg. Không những thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18 - 30% so với hợp đồng gốc.
Trong khi đó ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, “nhãn tiền nhất” chính là việc nhà thầu triển khai công trình nhưng giá cả thay đổi chóng mặt. Ký hợp đồng vật liệu 10.000 đồng nhưng giá lên 15.000 đồng, chênh lệch lớn như vậy lấy đâu ra để bù lại?
“Ở đâu có ép giá thì chắc chắn sẽ dẫn đến ép về chất lượng. Vừa rồi có một số vụ vi phạm chất lượng, chúng ta đã rất vất vả để giám sát. Nhưng với công trình xây dựng, không chỉ mong chờ chuyện bắt lỗi công trình để tìm nguyên nhân mà quan trọng nhất là phải phòng ngừa. Một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất là kiểm soát chất lượng đầu vào” - ông Chủng nói.
Còn nhớ, vào tháng 3/2022, trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng nhiều biến động, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng. Trong đó Bộ Xây dựng lưu ý UBND các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Tiếp đến giữa tháng 6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã ký Quyết định ban hành kèm theo Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng tại một số địa phương. Tới nay đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu hàng quý.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay pháp luật xây dựng có 2 nhóm chỉ số giá xây dựng. Một là nhóm chỉ số giá do địa phương công bố, bao gồm nhóm theo từng loạt công trình dân dụng, giao thông, nông nghiệp... hay theo nhóm chi phí hoặc nhóm vật liệu. Hai là nhóm chỉ số giá được quy định rất kỹ trong pháp luật về chi phí và hợp đồng là chỉ số giá xây dựng công trình được xây dựng phù hợp cho công trình, gói thầu, cho hợp đồng để điều chỉnh hợp đồng.
Chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án công trình trọng điểm, ông Tuấn cho rằng các địa phương phải tiếp tục rà soát, công bố giá nguyên vật liệu kịp thời theo diễn biến thị trường; khảo sát kỹ thị trường để mức giá công bố phù hợp với biến động, đặc biệt cần phải để ý kỹ các vật tư, vật liệu phổ biến có tại địa phương để kịp thời rà soát, bổ sung danh mục.
Còn ông Đặng Hoài Nam - Trưởng phòng Định mức và Đơn giá (Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh/thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây; kiến nghị giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo cụ thể, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn từ đó chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền.