"Bão giá" đánh thẳng vào ví tiền chị em nội trợ và cách co kéo chi tiêu đảm bảo bữa cơm có thịt: Người thắt lưng buộc bụng kẻ quay cuồng làm thêm ngoài giờ

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 07:07:40

Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, mà thu nhập thì vẫn giữ nguyên nên không ít hộ gia đình phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu. Thậm chí, với thu nhập không cao, chị em phải tìm nhiều cách để có thể chi tiêu hợp lý trong thời kỳ bão giá.

Giá xăng dầu liên tục tăng "phi mã" qua các kỳ điều chỉnh kéo theo hàng loạt mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đồ tươi sống... tăng giá, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Đặc biệt là các chị em nội trợ - người hàng ngày phải đau đầu cân - đo - đong - đếm chi phí sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống gia đình và chèo chống qua cơn bão giá.

Giảm món, ăn thực phẩm gửi từ quê hay chuyển sang đi xe buýt để giảm bớt nỗi lo "nuôi xe"

Hai vợ chồng đều là người tỉnh lẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chị Thanh Lan (32 tuổi) cho biết, vài tháng trở lại đây vợ chồng chị khá lao đao khi thu nhập không cao nhưng hàng loạt hàng hoá đều đua nhau tăng giá.

"Do mới tích cóp và vay mượn thêm tiền để mua chung cư nên hàng tháng hai vợ chồng đều phải trả một khoản tiền lời cố định, số tiền dành cho xăng xe, sinh hoạt hầu như là cố định và không du di quá nhiều. Đều là dân văn phòng thu nhập trung bình, không có công việc làm thêm nên vài tháng trở lại đây mình đang phải tìm mọi cách để cân bằng chi tiêu trong gia đình.

Hiện nay mặt hàng nào cũng tăng, thậm chí có mặt hàng tăng mạnh. Chưa kể đến thịt, cá... mà riêng các loại rau xanh cũng tăng giá gấp đôi. Các loại gia vị như nước mắm, dầu ăn, đường, bột ngọt... cũng đồng loạt đội giá. Gia đình 3 người, vẫn mua rau củ, thịt cá như mọi ngày, bình thường chỉ hết khoảng 150.000 đồng/ngày nhưng bây giờ cứ ra chợ là phải tiêu từ 200.000 - 230.000 đồng/ngày".

Ảnh minh hoạ

"Chồng cũng động viên cố gắng qua giai đoạn này và không nên chi li quá nhưng thực tình mình cũng không thể không lo lắng được, vì tiền mình thì chỉ có một khoản cố định, không thêm thu nhập ngoài nên phải tìm mọi cách thắt lưng buộc bụng. Từ đầu tuần mình đã phải nhờ bố mẹ gửi rau xanh, thực phẩm tươi sống từ quê lên để giảm tiền chợ. Mình phải đi làm sớm hơn 1 tiếng để đi chung xe với chồng, hạn chế tối đa tiền xăng".

Tương tự, như gia đình chị Phương Hiền (Gia Lâm) cho biết, từ khi xăng tăng cao, vợ chồng chị đã quyết định thay đổi phương tiện đi làm để tiết kiệm chi phí. Chồng chị làm nhân viên kinh doanh phải di chuyển nhiều nơi nên chuyển từ xe ga sang đi xe số, còn chị Hiền thì dứt khoát bỏ hẳn xe máy để đi xe buýt, giảm bớt nỗi lo "xăng dầu".

Không những thế, bão giá còn ảnh hưởng đến chính bữa ăn hàng ngày của gia đình khi chị Hiền phải ghi lại từng khoản chi tiêu để đảm bảo không bị rơi vào tình cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền".

"Mọi khi rau xanh có tăng giá cũng chỉ một vài hôm là lại bình ổn nhưng hiện nay với lý do chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng mà món gì cũng tăng giá. Giờ mua 2.000 đồng hành lá các cô còn không bán cho, mấy quả ớt cũng phải cho lên cân tính tiền từng chút một vì cho thêm là hết lời. Cầm trăm nghìn đi chợ mà quay ngang quay ngửa đã hết veo.

Chi phí ăn uống hàng ngày đều phải cộng thêm 30.000 - 50.000 đồng. Lúc trước mỗi ngày trong thực đơn gia đình đều có thêm món xào nhưng giờ rau đắt đặc biệt là một số loại rau trái mùa như súp lơ, su hào,... thế là món này được loại ra khỏi thực đơn. Các loại cá biển cũng được thay bằng cá nước ngọt, hải sản thì hạn chế hơn rất nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Xăng tăng, giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng theo, nhưng mình không nghĩ là lại tăng chóng mặt như vậy"

Quay cuồng làm thêm


Vợ làm nhân viên văn phòng, chồng làm IT cho công ty nước ngoài lại có sẵn nhà ở Hà Nội nên hàng tháng hai vợ chồng chị Vũ Ly (Hà Đông) khá rủng rỉnh trong việc chi tiêu sinh hoạt. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây chị Ly cũng phải thốt lên khi mỗi lần đi chợ thấy tiền như bị đánh rơi, tiền triệu, tiền trăm đội nón đi quá nhanh vì giá tăng.

" Hiện tại mỗi tháng mình dành ra khoảng 25-30 triệu cho tiền sinh hoạt, bao gồm ăn uống, mua sắm, học hành của các con. Nói thật là mình không để ý chuyện giá cả lắm, lên vài chục nghìn cộng lại chắc cũng chỉ tiền trăm, cùng lắm là đội lên 1-2 triệu. Nhưng đợt này, giá cả hàng hoá tăng cao nên chi phí ăn uống, sinh hoạt, thậm chí xăng xe đi lại cũng tăng rõ rệt khiến mình không thể mua sẵm, chi tiêu phóng tay như trước".

"Hai vợ chồng hàng tháng cũng để ra được một khoản tiết kiệm nhỏ nhỏ. Nhưng hiện tại, vì muốn đảm bảo chất lượng cuộc sống, nhà có con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn nên tiết kiệm khoản gì chứ không thể tiết kiệm tiền ăn uống, sinh hoạt nên

mức thu chỉ vừa đủ chi, không để dành được đồng nào.

Ảnh minh hoạ

Đang dịp nghỉ hè nên mình quyết định rút một phần tiền tiết kiệm để đưa ông bà và cả gia đình đi du lịch, dù biết bão giá gây ảnh hưởng đến mọi nhà nhưng mình vẫn muốn gia đình được vui vẻ, thoải mái bởi sau thời gian dịch bệnh Covid-19 cả nhà đều đã lâu chưa đi đâu xa và đều cảm thấy mệt mỏi. Vì hai vợ chồng có thu nhập khá ổn định nên dù hơi lo lắng nhưng mình nghĩ vợ chồng mình có thể vượt qua bão giá.

Theo mình thì chuyện thắt chặt chi tiêu tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng nhà. Với những gia đình thu nhập tốt thì bão giá cũng không mấy ảnh hưởng, nhưng với nhiều cặp vợ chồng khác thì họ phải cắt giảm, thắt chặt hay quản lý lại chuyện tiền nong sao cho hợp lý".


Không thuộc hàng có của ăn của để, nhưng hàng tháng vợ chồng chị Minh Nga (quê Hải Dương) cũng có cuộc sống ổn định với mức lương 20 triệu/tháng của hai người. Dù có thêm một con nhỏ đang học mầm non nhưng hàng tháng hai vợ chồng vẫn cố gắng tiết kiệm vào triệu đồng để phòng khi ốm đau, bất trắc. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây hai vợ chồng khá lo lắng vì không để ra được đồng nào.

"Chưa ra chợ đã hết tiền là có thật, hầu như các mặt hàng đều tăng giá từ 10-30%, thậm chí dầu ăn còn tăng gấp đôi, khiến việc hạch toán chi tiêu bị xáo trộn hoàn toàn. Chồng mình làm tư vấn bất động sản, phải chạy liên tục giữa các địa điểm nên giá xăng tăng khiến kinh tế gia đình bị ảnh hưởng rõ rệt.

Từ tháng trước ông bà ngoại đã phải gửi thêm thực phẩm hỗ trợ con cái. T uy nhiên, chi phí ăn uống cho 4 người vẫn tăng từ 20.000-30.000 đồng/ngày". M ình cũng hạn chế việc mua sắm quần áo cho cả nhà, tính phương án tiết kiệm điện, gas...".


Thế nhưng, để vượt qua thời kì bão giá thay vì tìm phương án "thắt lưng buộc bụng", "cắt giảm chi tiêu" thì chị Nga lại chọn phương án làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập bổ sung vào khẩu phần ăn của gia đình hằng ngày.

"O ép chi tiêu quá cũng không ổn. Đ ể tiết kiệm thì các khoản đi chơi, ăn uống với bạn bè mình cắt đi gần hết, chỉ dịp nào thực sự quan trọng mới đi. Ngoài ra thì các khoản tiền học hành, ăn uống, nhu yếu phẩm vẫn buộc phải giữ nguyên vì khó mà thay đổi được. Nhìn chung là cũng gian nan. T

ừ tháng trước mình đã tập tành kinh doanh online và tranh thủ buổi chiều tối đi dạy thêm erobic cho nhóm chị em văn phòng để kiếm thêm thu nhập. Thật ra công việc hành chính của mình cũng rất mệt, nhưng giờ mà không tính kế làm thêm thì gay lắm",

Có thể thấy, "bão dịch vừa qua, bão giá đã tới" gây ảnh hưởng mạnh nhất tới những công nhân, nhân viên văn phòng thu nhập cố định ở thành thị. Đứng trước mức độ tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu cao và nhanh như hiện nay, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với các gia đình khá giả, dù không chịu tác động nhiều của bão giá nhưng cũng đang tìm cách điều chỉnh chi tiêu. Thậm chí, không ít chị em nội trợ bắt đầu lập danh sách các khoản chi tiêu, thậm chí 'họp gia đình' để 'đối phó' với tăng giá, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.

Chia sẻ Facebook