'Bão giá', bạn trẻ chật vật chi tiêu, nửa tháng đã 'cháy túi'

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 22:48:42

Đang xoay xở với nhịp sống sau cơn bão dịch, cơn bão giá lại ập tới, người trẻ sống cần kiệm, học cách cân đối chi tiêu để có thể tồn tại.

Phương Thảo (22 tuổi) dần học cách quản lý chi tiêu trong thời bão giá - Ảnh: NVCC


Tăng ca, săn mã khuyến mãi, nhận thêm việc, ăn ké công ty, chuyển trọ... là những gì các bạn trẻ đang cố gắng xoay xở để thích nghi với thời bão giá. Nhưng hy sinh quỹ thời gian nghỉ ngơi để kiếm thêm thu nhập, tiết kiệm chi tiêu khiến nhiều bạn kiệt sức.

Săn khuyến mãi, làm việc tại nhà, ở lại công ty càng lâu càng tốt

Hơn một tháng nay, cuộc sống của Thái Ngân (sinh viên năm 3, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) vất vả hơn nhiều.

"Ngày trước, em hoàn toàn có thể chi tiêu với khoản sinh hoạt phí tầm 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Nhưng từ hồi sau Tết, với số tiền đó chỉ có thể sống tới hơn nửa tháng", Ngân nói.

Công ty thực tập ở quận Phú Nhuận, trong khi nhà ở quận 5, phí đi lại của nữ sinh năm cuối tăng lên rất nhiều. Đi làm cũng phát sinh nhiều chi phí khác, cô chọn làm thêm tại nhà để tăng thêm thu nhập.

Ngân thường đặt đồ ăn khẩu phần lớn, để áp dụng được mã khuyến mãi. Ăn không hết, cô để tủ lạnh. Nhà thường gửi trái cây thêm - Ảnh: NVCC


Đều đặn, Ngân thực tập trong giờ hành chính và "cày" thêm vào buổi tối tới đêm muộn. Ngày nào phải xử lý thêm học phần trên trường, cô buộc phải thức tới rạng sáng để giải quyết.

"Cộng cả trợ cấp thực tập và làm thêm, em cũng được tầm 6 triệu, chi tiêu cho tất cả. Thật sự thì cũng không đủ. Đi làm, chạy xe nhiều, em buộc phải chi thêm vào phí bảo trì, bảo hiểm xe, quần áo phù hợp với chỗ làm và nhiều thứ phát sinh khác", Ngân nói.

Vì đi làm sớm tới đêm muộn, Ngân vẫn chọn ăn cơm ngoài và dành thời gian săn mã khuyến mãi. Bạn chi mỗi bữa ăn tầm 25.000 - 30.000 đồng. Hôm nào mưa, phí giao hàng tăng lên nhiều, Ngân chọn ăn đồ gói cho tiết kiệm.

"Có hôm ngồi lướt hơn 30 phút mới chọn được quán rẻ mà ăn ổn. Đặt càng nhiều càng giảm, nên mình thường đặt một lần 3 phần cho cả ngày ăn, tầm 60.000 - 70.000 đồng. Ăn không hết thì để tủ lạnh", Ngân nói.

"Ba mẹ vẫn thường gửi bánh trái, sữa tươi lên để mình có đủ dinh dưỡng, năng lượng vừa học vừa làm", Ngân cho hay - Ảnh: NVCC

Hai tháng gần đây, Minh Phượng (22 tuổi) xin công ty làm việc ở nhà để hạn chế chi phí đi lại. "Không còn cách nào khác, phí sinh hoạt dồn hết vào việc di chuyển quá nhiều. Nhà mình ở thành phố Thủ Đức, trong khi công ty lại ở quận 1. Mình lại mới chỉ là thực tập sinh", Phượng nói.

Bằng cách cắt giảm chi phí đi lại, Phượng vẫn có thể giữ chất lượng bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng dù giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Phương Thảo (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chọn cách ở lại công ty càng lâu càng tốt, để đỡ tiền điện nước. Thảo hiện làm cho một công ty Esports. Mỗi ngày công ty nấu cơm cho các tuyển thủ. "Vì thế, mình có thể ăn ké. Cơm ngon lại chất lượng", Thảo kể.

Thảo cũng cắt giảm hết nhu cầu cá nhân. "Ngày trước mình chơi bời, ăn uống bạn bè nhiều hơn. Giờ thì cắt hết. Nếu muốn tụ tập thì đến nhà nhau, hạn chế tối đa ăn ngoài", Thảo nói.

Không có khoản tiết kiệm, kiệt sức và thay đổi lối sống

Cắt giảm phí đi lại, Phượng cố gắng để bữa ăn đủ dinh dưỡng - Ảnh: NVCC

Người trẻ sống và làm việc tại thành phố lớn ngày càng khó cân đối chi tiêu khi mọi thứ đều đồng loạt tăng giá. Không ít người cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Nhưng cũng có bạn vì vậy mà thay đổi thói quen chi tiêu, học cách tiết kiệm.

"Khá nản và mệt mỏi" là cảm nhận của Thái Ngân. Dù chăm chỉ làm thêm và có trợ cấp thực tập, cô thừa nhận vẫn chỉ vừa đủ xài, không thể dư được. Nếu có sự cố phát sinh, vẫn phải nhờ gia đình phụ giúp. Trước đây, với nguồn thu như vậy, Ngân có thể thoải mái tụ tập bạn bè. "Giờ đi làm rồi mà vẫn không thể thoải mái vui chơi, ăn đồ ngon hơn, mặc áo đẹp hơn", bạn trăn trở.

Chi phí tăng nhưng thu nhập không đổi, Phượng chọn cắt giảm nhu cầu cá nhân và gần như không có khoản tiết kiệm. Dù vậy, sinh hoạt phí của bạn vẫn ngày một tăng vì ở nhà xài nhiều điện nước hơn. Cầm cự hơn một tháng, Phượng quyết định về quê Quảng Ngãi để tạm tránh cơn "bão giá", vì nếu xảy ra phát sinh còn có thể dựa vào gia đình vì không còn tiết kiệm.

Thừa nhận bản thân là người có lối sống khá thoáng, Thảo cho biết hiện tại đã bắt đầu nghiêm túc hơn với việc quản lý tài chính khi nhận ra không còn khoản dư nào. Thay vì đi xe ôm công nghệ, bạn chọn đi xe buýt để tiết kiệm. Thói quen "lướt" sàn thương mại điện tử cũng được hạn chế.

"Ngày trước, mỗi tháng, mình sẽ chi tầm 600.000 - 700.000 đồng cho ‘kinh đô thời trang Shopee’. Nhưng ba tháng rồi mình không mua gì thêm. Nguồn thu luôn cao hơn nguồn chi mà giờ chỉ vừa đủ khiến mình khá hoảng. Mình nhận ra phải nghiêm túc quản lý chi tiêu khi ‘vét sạch’ đồng cuối cùng để mua dầu gội, sữa tắm, dù mới 2/3 tháng", Thảo thành thật.

Từ tháng 3, bạn bắt đầu "buộc bụng" để có thể dư ra 1 triệu tiết kiệm mỗi tháng, phòng ngừa bất trắc, vì thuê nhà sống ở thành phố một mình. Thảo cũng hiện tìm chỗ thuê mới, và chọn ở ghép chung với người khác, dù trước đó từng khẳng định chỉ có thể sống một mình, vì quen thoải mái, không chung đụng.

"Đúng là mệt mỏi và hơi nản. Nhưng cũng vì vậy mà mình thay đổi được thói quen chi tiêu tùy hứng, không vạch kế hoạch", Thảo nói về tác động của thời bão giá.

Làm việc quên ăn, còn trẻ đã nhức xương, váng đầu, ngủ cũng bồn chồn N.N. (22 tuổi) bật dậy lúc 12h đêm, mở laptop làm việc đến sáng sau khi chợp mắt 30 phút.

Chia sẻ Facebook