Báo động tình trạng học sinh hút thuốc trong trường học
Hiện nay, tại một số trường THPT xuất hiện tình trạng nhiều học sinh hút thuốc "chui" trong trường học, bất chấp những cảnh báo về sức khỏe từ chính nhà sản xuất.
Hiện là học sinh của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nên phần lớn quỹ thời gian của T.Đ.P (17 tuổi, học sinh) là ở trường. Thời gian ở trường nhiều là một hạn chế cho tần suất hút thuốc của P. bởi các lệnh cấm và những hình thức kỷ luật được đưa ra từ phía nhà trường. Nhưng không, P. và hội "bạn nghiện" luôn có những chiêu trò để có thể sử dụng thuốc lá "chui" ngay trong khuôn viên nhà trường.
Quỹ thời gian eo hẹp nên P. và hội bạn thường tổ chức thành những đám đông, di chuyển ra khu vực trống trải, không có tầm nhìn của camera vào giờ giải lao giữa 2 tiết học để hút thuốc. Nhà vệ sinh học sinh là nơi được lựa chọn bởi giáo viên thường không xuất hiện ở khu vực này, camera cũng không thể lắp đặt trong nhà vệ sinh vì nhiều lý do. Bất chấp mùi chất thải luôn nồng nặc, nhiều "con nghiện" vẫn luôn lui tới tấp nập, bịt kín cả lối vào nhà vệ sinh.
P. chia sẻ: "Hút ở đây kín, thầy cô không biết. Với cả, hút vào rồi thì toàn mùi thuốc chứ còn thấy mùi gì nữa đâu…".
Do là tập hợp của học sinh từ nhiều lớp vì vậy các em thường có "lịch hút thuốc" cố định. Không ai bảo ai, nhưng hầu hết "con nghiện" đều có mặt tại cùng nhà vệ sinh vào thời gian giải lao giữa tiết 2 và tiết 3 để hút thuốc. Mỗi khi đám đông này xuất hiện, nhà vệ sinh luôn trong tình trạng không thể sử dụng vì "đông". Người đến trước hút trước, người đến sau đợi ngoài cửa chờ đến lượt và canh chừng giáo viên. Khi được hỏi tại sao lại bất chấp những mùi của nhà vệ sinh để hút thuốc, P. trả lời: "Thì mình đi cùng bạn, chúng nó hút chẳng lẽ em đứng nhìn…".
Nhiều em học sinh bông đùa nói rằng: "Giờ ra chơi tiết 2, nhà vệ sinh trường em không còn là cái nhà vệ sinh nữa mà nó là một cái ‘phòng xông hơi’ đúng nghĩa". Thật vậy, với từ 5 – 7 học sinh cùng "nhả khói" trong khu vực chỉ rộng 25m 2 thì nhà vệ sinh trong khoảng thời gian này luôn nghi ngút khói thuốc.
Em D.Đ.M (17 tuổi, học sinh) chia sẻ: "Em không bao giờ đi vệ sinh ở trường vì luôn có mùi khói thuốc trộn với mùi nước tiểu, rất khó chịu. Hơn nữa, em không ngửi được mùi khói thuốc nên dù có buồn vệ sinh đến mức nào em cũng sẽ nhịn tiểu về nhà đi chứ không đi ở trường". Trong thực tế, nhịn tiểu khá bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu trở thành một thói quen sẽ gây ra tác hại lâu dài như bí tiểu hoặc thậm chí tổn hại đến thận.
Đáng nói hơn, xuất hiện tình trạng nhiều em học sinh truyền tay nhau một điếu thuốc hút dở. Do tình hình "tài chính" không đủ đáp ứng nhu cầu và phải "để dành" cho "bữa sau" nên nhiều học sinh lựa chọn việc hút chung để "tiết kiệm". Điều này vô hình trung làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở học sinh. Khi đám đông này rời khỏi nhà vệ sinh cũng là lúc đã kết thúc giờ giải lao. Những gì mà những con nghiện này bỏ lại là đầu lọc thuốc lá vương vãi khắp sàn, khói thuốc và đôi khi là cả những chiếc bật lửa hết gas.
Khi được hỏi, mua thuốc lá ở đâu, mang vào bằng cách nào khi nhà trường luôn giám sát chặt chẽ công tác ra vào và công tác chuẩn bị đồ dùng học tập, câu trả lời khiến ai cũng bất ngờ: "Trong căng tin trường có bán mà". Trong khi nhà trường đang ra sức ngăn chặn hành vi hút thuốc thì căng tin lại là nơi tiếp tay cho nhiều "con nghiện". Được biết, bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên chị K.T.P. (37 tuổi, Phú Thọ) vẫn bất chấp bán thuốc cho những con nghiện trong trường. Chị nói: "Chúng nó có nhu cầu thì mình bán thôi chứ có lời lãi gì mấy".
Không những vậy, người dưới 18 tuổi cũng dễ dàng có thể mua được thuốc lá tại các cửa hàng tạp hoá. Hầu hết cửa hàng tạp hóa có bán thuốc lá đều không đề dòng thông báo "không bán thuốc cho người dưới 18 tuổi" hoặc "chỉ bán thuốc cho người dưới 18 tuổi. Đây là hành vi nguy hiểm, góp phần làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá ở trẻ vị thành niên.
Với nhiều em học sinh có điều kiện khá giả hơn thì pod hay còn gọi là thuốc lá điện tử lại là sự lựa chọn thay thế cho thuốc lá truyền thống. Bởi lẽ, khói từ pod được tạo ra từ tinh dầu nên lượng khói cho ra rất nhiều và thường có mùi hoa quả chứ không hôi như thuốc lá truyền thống. Nói là hút thuốc lá điện tử cho "sang" nhưng trên thực tế, tình trạng "1 pod, 10 người hút" vẫn là tình trạng phổ biến.
Pod dùng 1 lần vươn lên trở thành sản phẩm được sử dụng nhiều thứ 2 tại trường vì độ tiện dụng và giá rẻ. Chỉ với khoảng 200.000 đồng các em học sinh sẽ nhận được về khoảng 3.500 lần hút.
Thậm chí, nhiều học sinh còn coi việc hút được thuốc lá là một điều đáng tự hào và sẵn sàng khoe những tấm ảnh như vậy lên mạng xã hội. Thậm chí, trên mạng còn xuất hiện nhiều hình ảnh những em học sinh, dù vẫn đang mặc áo đồng phục trường nhưng miệng vẫn liên tục "nhả khói". Đáng nói, nhiều người dùng có bình luận cợt nhả, mang tính cổ vũ động viên cho hành động này như: "Nhìn các em nó mà học tập", "Đúng là tuổi trẻ tài cao", "Hay lắm các em"…
Trên mạng hiện nay xuất hiện nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ cũng như tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử. Thậm chí, không ít những tai nạn thương tâm đã xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc lá điện tử. Thế nhưng bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng nhiều học sinh vẫn đang đánh đổi sức khỏe của mình để thỏa mãn "cơn nghiện" tức thời.
Không chỉ thuốc lá, mà rượu bia cũng là một sản phẩm được các em trong độ tuổi tiêu thụ rất nhiều. Tại nhiều quán nhậu bình dân, không khó để bắt gặp những hình ảnh một hoặc nhiều nhóm học sinh ngồi tâm sự bên ly rượu. Khi được hỏi về lý do uống rượu sớm, rất nhiều câu trả lời được đưa ra: Uống chúc mừng sinh nhật bạn, uống vì buồn chuyện gia đình, uống vì áp lực học tập… thậm chí có em trả lời: "cần gì lý do hả anh, thích là uống thôi…". Nhiều vụ ẩu đả, xô xát đã xảy ra tại những quán rượu và để lại những hậu quả đáng tiếc.
Dù biết sử dụng rượu bia, thuốc lá ở tuổi này là không được phép nhưng nhiều học sinh vẫn sử dụng và không ngại chia sẻ những tấm hình có nội dung liên quan lên mạng xã hội.
Những người có hành vi kinh doanh thuốc lá, rượu bia cho người dưới 18 tuổi và những người dưới 18 tuổi khi sử dụng những chất trên đều có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Dương Lê Ước An (Công ty luật Hợp danh Đại An Phát): "Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng". Những người, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên đây là mức phạt đối với cá nhân còn tổ chức sẽ phạt gấp đôi (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP) Bên cạnh đó, người bán sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh trong thời hạn 1 - 3 tháng.
Thậm chí, hành vi kinh doanh rượu cho người dưới 18 tuổi và người dưới 18 tuổi sử dụng sẽ bị xử phạt cao hơn so với thuốc lá. Cá nhân có hành vi kinh doanh rượu mà bán rượu cho người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, cũng có những hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về uống rượu, bia, mức phạt đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo luật sư Ước An, cha mẹ những người dưới 18 tuổi có hành vi không giám sát, nhắc nhở để con mình sử dụng thuốc lá cha mẹ có thể phải đóng phạt hành chính thay con. Vì vậy đối với hành vi hút thuốc lá của người dưới 18 tuổi (Đủ từ 16 đến dưới 18 tuổi) bị xử phạt hành chính nếu không có khả năng nộp phạt thì cha mẹ, người giám hộ phải thực hiện thay. Theo đó, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.