Báo động tình hình giá trọ tăng cao, sinh viên thuê nhà còn bị lừa

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 15:01:42

Thời điểm sinh viên nhập học, không chỉ xảy ra tình trạng giá phòng trọ ồ ạt tăng cao, nhiều sinh viên còn bị chủ trọ lừa mất tiền cọc trọ lên đến hàng triệu đồng.

Đầu năm học mới cũng là thời điểm tân sinh viên đổ về các thành phố lớn để nhập học. Bên cạnh ký túc xá của trường, thuê phòng trọ bên ngoài là phương án đa phần các bạn sinh viên ưu tiên lựa chọn bởi giờ giấc thoải mái, rộng rãi và không phải ở ghép với quá nhiều người. Tuy nhiên, tại thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, đây cũng là vấn đề nan giải vô cùng. Tình trạng “cháy phòng”, hét giá xảy ra thường xuyên. Chưa kể, có kẻ gian còn lợi dụng nỗi khổ tìm phòng của sinh viên để đầu cơ trục lợi.

Sinh viên chật vật đi tìm phòng trọ vào mùa nhập học. (Ảnh: VietNamNet)


"Khóc ròng" vì giá phòng trọ tăng vọt

Tháng 9, tháng 10, khi các trường đại học bắt đầu đón sinh viên cũng là lúc nhu cầu tìm phòng, đổi phòng trọ cao hơn bao giờ hết. Tận dụng cơ hội này, không ít chủ nhà liên tục tăng giá phòng, điện, nước để kiếm lời. Theo Infonet đưa tin, hầu như xung quanh các khu gần các trường đại học như Trần Thái Tông, Dịch Vọng (quận cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng (quận Đống Đa),... đều đã kín khách thuê. Hiện tại, nếu có phòng, chỉ có những phòng với giá thuê “cao chót vót”.

Chung cư mini cũng được nhiều sinh viên lựa chọn. (Ảnh minh họa: SaiGon Times)

Anh V.T (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với Infonet, mấy ngày nay anh đi khắp các phố lớn ngõ nhỏ quanh trường Đại học Giao thông Vận tải để tìm nhà cho cháu trai nhưng vẫn không tìm được căn nào như ý. Các phòng trọ có giá đúng theo khả năng tài chính thì không thể ở được, các phòng giá cả hợp lý thì lại “cháy hàng” khiến anh lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.


Tương tự, dù đã rất cố gắng nhưng bạn Đ.P.K.L - tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn không tìm được phòng, phải ở nhờ nhà người quen cả tuần nay. “Lên mạng tìm phòng hay đi trực tiếp thì tất cả đều báo hết phòng. Một số phòng được trang bị nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo, bếp thì giá lại quá cao, lên tới 4-5 triệu đồng. Một số phòng khác rẻ hơn nhưng ẩm thấp, không sạch sẽ nên em không muốn thuê” , K.L chia sẻ với báo Lao động.

Các phòng được trang trí nội thất cơ bản giá đều rơi vào khoảng 4-5 triệu. (Ảnh: Foodi)


Thậm chí, bạn N.T.K - tân sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn phải đội mưa để đi tìm phòng suốt 3 ngày nhưng vẫn không tìm được. K. lo lắng tâm sự với báo Lao Động: Có những hôm trời mưa tầm tã hai bố con đội mưa đi tìm nhưng cũng không tìm được. Em xác định ở một mình nên chỉ muốn tìm một căn phòng đơn giá dưới 2 triệu. Tuy nhiên phòng phân khúc giá đó rất khó tìm, chủ yếu dao động từ 3- 4 triệu đồng/tháng. Với tình trạng này em phải tìm 2-3 bạn ở ghép để giảm bớt chi phí”.

Nhiều khu trọ ẩm thấp, xuống cấp nghiêm trọng nhưng giá thuê lại không hề rẻ. (Ảnh minh họa: Eva.vn)

Không chỉ giá phòng mà giá điện, nước cũng tăng mạnh. Theo khảo sát của Trí thức trẻ, tiền điện quanh các khu vực tại Đại La, Nguyễn Phong Sắc, Lê Thanh Nghị,... đều đang rục rịch lên 500 đồng mỗi kWh, tiền nước thì tăng từ 2 - 4.000 đồng/m3. Bạn T.T - sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ, cho biết, từ ngày bạn lên Hà Nội, giá điện tại khu trọ của bạn đã trải qua 3 đợt tăng giá. Đầu tiên là khoảng 2.500 đồng/kWh, sau đó tăng gấp rưỡi và bây giờ dừng ở mức 4.500 đồng/kWh.

Nhiều bạn sinh viên than thở vì bị "hét giá" thuê trọ. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Hàng loạt các chiêu thức lừa gạt, lợi dụng lòng tin của sinh viên


Chính vì tình trạng phòng trọ giá cả hợp lý khan hiếm nên nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý của các bạn sinh viên, lừa cọc tiền phòng trước khiến không ít người “sập bẫy”. Trường hợp ở đây là bạn L.T.T - sinh viên một trường đại học tại Hà Nội. Cũng như nhiều bạn sinh viên khác, T. gian nan mãi không tìm được phòng. Đến khoảng 12h ngày 19/09, T. tình cờ thấy một bài đăng trên một hội nhóm với giá rẻ bất ngờ, phòng lại đẹp, tiện nghi, có thể ở ghép. “Mình thấy đây là cơ hội không thể bỏ lỡ nên mình đã nhanh chóng nhắn tin cho người đăng bài để thuê” , cô bạn chia sẻ với Dân Trí.

Không ít đối tượng lợi dụng tâm lý các bạn sinh viên nhằm trục lợi. (Ảnh minh họa: Linkedin)


Lúc này, tài khoản tên P. - chủ bài đăng liên tục nhắc nhở T. rằng “Có nhiều bạn hỏi thuê phòng quá” khiến cô bạn lo không chốt nhanh sẽ hết phòng, mà tìm lại căn nào như vậy không phải là chuyện dễ. Bởi vậy, T. đã không suy nghĩ mà chuyển ngay 1.5 triệu tiền cọc mà chưa đến xem phòng. Đáng ngờ nữa là khi T. yêu cầu P. chụp CCCD để làm tin, anh ta lại gửi ảnh rồi xóa vội với lý do “lỡ tay”.

Các bạn sinh viên nên đến tận nơi để xem phòng, sau đó mới tính đến các bước thuê phòng tiếp theo. (Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô)


Sáng hôm sau, lòng nghi ngờ của T. với P. đã thành sự thật khi anh ta bất ngờ chặn trang cá nhân của cô bạn. "Em gọi lại cho P. thì không liên lạc được. Lúc đầu, để chắc chắn, em đã xem rất kỹ trang cá nhân của anh ta trên mạng xã hội. Tài khoản này có ảnh đại diện và ảnh bìa là ảnh cưới, những bài viết đăng cách đây không lâu nên em rất tin tưởng" , T. tâm sự với Dân Trí.


Biết mình bị lừa, T. lập tức đăng bài lên các hội nhóm để cảnh báo mọi người. Tuy nhiên, sau đó lại có 1 người yêu cầu cô gỡ ảnh của P. xuống vì người này cho rằng, P. đã lợi dụng hình ảnh của mình để lừa đảo. Không lấy lại được tiền cọc, T. vô cùng ấm ức: "1,5 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với em. Chuyển nhà xong, em còn phải lo mua sắm đồ đạc, đặt cọc nhà mới nữa. Hiện tại, em đang phải tằn tiện, cắt bớt một số nhu cầu cá nhân để bù lại số tiền đã mất". Về sau T. mới biết, có đến 10 người cũng bị P. lừa đảo với hình thức tương tự như vậy.

Bài đăng cảnh báo chiêu trò lừa đảo “cọc mới xem phòng”. (Ảnh: Dân Trí)


L.N.H.Y (Quảng Ninh) cũng gặp trường hợp tương tự. Đáng nói hơn, tiền triệu mà cô bạn cọc cho kẻ lừa đảo là đi vay. "Gọi điện mãi không được, em mới biết mình bị lừa. Em thấy anh ta tinh vi ở chỗ chuẩn bị sẵn kịch bản, chỉ trao đổi qua cuộc gọi thoại, tài khoản Facebook dùng để liên lạc không hề ảo. Em bị lừa 1 triệu đồng, đó là số tiền em vay người thân. Em vừa không tìm được nhà vừa gánh thêm một khoản nợ" , cô bạn lo lắng kể lại với Dân Trí.

Thuê nhà chưa xong, có người còn mang thêm nợ. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Bạn N.T.T - tân sinh viên trường Đại học Thương mại lại là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo khác. Người đăng tin cho thuê nhà lần này tự xưng là họ hàng của nhiều chủ trọ, đưa một danh sách gồm số điện thoại của chủ trọ, giá phòng, giá dịch vụ cho T. và bắt cậu bạn trả 300.000 đồng cho bảng danh sách trên. Tuy nhiên, khi gọi đến các số điện thoại trong danh sách, T. bàng hoàng nhận được thông tin là các chủ trọ không quen người đăng tin cho thuê, giá phòng cũng không đúng như trên danh sách.

Bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều chiêu trò lừa đảo khác. (Ảnh: Eva.vn)

Bạn suy nghĩ thế nào về nỗi khổ của sinh viên khi thuê trọ? Hãy để lại bình luận cho mọi người cùng biết nhé!


Và đừng quên, cùng YAN cập nhật những tin tức nóng hổi!

Lên thành phố lớn nhập học, nhiều bạn sinh viên gặp không ít khó khăn, thử thách. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của sinh viên xa nhà chính là tìm được một chỗ ở phù hợp để yên tâm học tập, làm việc. Tuy nhiên, dù tình trạng "hét giá" thuê trọ năm nào cũng bị phản ánh, nhưng cứ mỗi mùa sinh viên nhập học, vấn đề này lại bị lặp lại. Có nhiều bạn sinh viên hoàn cảnh gia đình không hề khá giả, cuộc sống từ quê lên thành phố để quyết tâm học tập cũng không dễ dàng. Do đó, thay vì lợi dụng, lừa gạt, hãy đồng cảm và hỗ trợ những "đứa trẻ mới lớn" này nhiều hơn.


Xem thêm thông tin tương tự TẠI ĐÂY.

Chia sẻ Facebook