Bảo Định hà, kênh đào đầu tiên ở đất phương Nam - Kỳ 3: Cha, con danh tướng đào kênh, đắp lũy
Ở TP Tân An (tỉnh Long An), phía bờ tây kênh Bảo Định có con đường dài hơn 4.000m mang tên Nguyễn Cửu Vân. Buổi chiều, tôi chạy xe máy chầm chậm trên con đường mang tên danh tướng năm xưa.
Phía bờ kênh Bảo Định, hàng quán lơ thơ, nhiều đoạn những cụm dừa nước, cây cỏ xanh um.
Năm Ất Dậu (1705), đời Hiển Tông, Chánh thống suất Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Cao Miên, cho đắp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú ở chỗ tận cùng hai đầu nguồn rạch Vũng Gù và Mỹ Tho, lấy nước làm hào vòng quanh lũy, để việc phòng thủ được vững vàng.
Đại Nam nhất thống chí
Đào kênh đắp lũy, khai khẩn đất đai...
Lần giở cổ thư, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đều đề cập Vân Trường hầu là người đầu tiên cho đào con hào dẫn nước nối liền hai ngọn rạch Vũng Gù (Tân An) và Mỹ Tho (Tiền Giang) ngày xưa. Con hào nước này chính là tiền thân của kênh Bảo Định.
Sách Gia Định thành thông chí ghi chép sau khi Chánh thống suất Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đánh dẹp giặc Cao Miên năm 1705, để ngăn giặc trở lại quấy nhiễu, ông cho đắp một chiến lũy dài từ Thị Cai, Tân An đến chợ Bến Tranh thuộc thôn Lương Phú, Mỹ Tho (nay là xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).
Chiến lũy đắp xong, tướng Nguyễn Cửu Vân cho người đào một con hào dài, sâu, rộng bên ngoài lũy, dẫn nước từ hai ngọn rạch Vũng Gù và Mỹ Tho, trở thành chướng ngại bảo vệ chiến lũy. Lâu ngày, hào nước có nhiệm vụ ban đầu là phòng thủ được người dân khai mở rộng và sâu hơn, trở thành tuyến đường giao thông thủy, ghe thuyền đi lại rất thuận lợi.
Sách Đại Nam nhất thống chí nói rõ hơn: "Năm Ất Dậu (1705), đời Hiển Tông, Chánh thống suất Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Cao Miên, cho đắp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú ở chỗ tận cùng hai đầu nguồn rạch Vũng Gù và Mỹ Tho, lấy nước làm hào vòng quanh lũy, để việc phòng thủ được vững vàng.
Sau đó, nhân đường nước lưu thông, đào sâu mãi xuống thành ra đường kinh thuận tiện cho thuyền bè". Thủy lộ do tướng Nguyễn Cửu Vân là người đầu tiên khai mở hoạt động đến hơn 100 năm sau mới bị bồi lắng, được vua Gia Long cho nạo vét mở rộng vào năm 1819 và đặt tên là Bảo Định hà tồn tại cho đến ngày nay.
Cùng với việc mở mang bờ cõi, tướng Nguyễn Cửu Vân còn là người tổ chức khẩn hoang, thành lập thôn xóm, ruộng vườn ở những vùng đất mới. Quốc sử triều Nguyễn chép như sau: "Nước Chân Lạp đã yên, Vân bèn khai khẩn ruộng ở Cầu Úc để cho quân và dân noi theo". Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì viết: "Vân Trường hầu lập đồn điền ở Vũng Gù làm người mở đầu việc khai khẩn cho quân dân".
Ở đây cần nói thêm một điều, địa danh Cầu Úc vừa nêu được Gia Định thành thông chí và sách Đại Nam liệt truyện xác định chính là đất Vũng Gù - Tân An xưa. Sách Đại Nam liệt truyện giải thích đất Cầu Úc như sau: "Tên Nôm là Vũng Gù, tức sông Hưng Hòa, thường gọi là sông Vàm Cỏ Tây...".
Do lập nhiều công trạng, năm 1711 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu phong tước Vân Trường hầu, thăng giữ chức Phó Tướng dinh Trấn Biên (đất Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) để bảo vệ bờ cõi phía Nam.
Nhiều tài liệu cũng cho biết Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân có nhiều con. Trong số các con của Vân Trường hầu, có 3 người rất nổi tiếng.
Thứ nhất là Thống lĩnh quân doanh Trấn Biên Nguyễn Cửu Triêm, người có công lớn trong trận đánh tan giặc trên sông Lật Giang (đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận Bến Lức, Long An ngày nay).
Thứ nhì là bà Nguyễn Thị Khánh (không rõ năm sinh, năm mất), dân gian quen gọi bà Nghè. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: "có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gian gọi cầu bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông bà Nghè". Con rạch này được xác định là rạch Thị Nghè ở TP.HCM ngày nay.
Nhưng nổi tiếng nhất là người con trai thứ năm của Vân Trường hầu: Hữu quân Phó Tiết chế Nguyễn Cửu Đàm, danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Cửu Đàm là người có công đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Hà Tiên (Kiên Giang ngày nay) vào năm 1722. Sau khi dẹp giặc ngoại xâm, Nguyễn Cửu Đàm lui về đất Gia Định và cho xây dựng hai công trình lưu danh đến ngày nay. Đó là lũy Bán Bích (Bán Bích Cổ Lũy, lũy Tân Hoa, xây dựng năm 1772) dài hơn 8km, nối hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè.
Công trình thứ nhì của ông là đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường). Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép: "Nguyên xưa từ Rạch Cát ra đến Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền đi lại không được. Nguyễn Cửu Đàm có đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên ấy".
Kênh được đào năm 1772, dài 3km. Sau khi kênh đào xong, thuyền bè qua lại thuận tiện, đi từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ dễ dàng, được xem là con kênh đào đầu tiên nối rạch Tàu Hủ và vùng Chợ Lớn với khu vực phía Tây Sài Gòn.
Dòng dõi danh gia vọng tộc
Các tài liệu xưa còn cho biết ngoài những đóng góp công sức về quân sự, kinh tế, Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân còn là người có công lớn trong việc phát triển văn hóa, tín ngưỡng trên vùng đất mới.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép, ông là người cho xây dựng đền thờ Long Vương ở thôn Long Sơn, huyện Long Thành xưa, nay thuộc đất Đồng Nai. Đền này thờ Nhất, Nhị, Tam lang Long Vương, được ông cho xây dựng trong thời gian ông đem quân đi đánh Cao Miên. Một ngôi chùa nổi tiếng khác do tướng Nguyễn Cửu Vân xây dựng là chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chính (nay thuộc Tân Vạn, Biên Hòa, Đồng Nai).
Trong nhiều tài liệu, tướng Nguyễn Cửu Vân được nhìn nhận là một danh tướng và là nhà doanh điền đời chúa Nguyễn Phúc Chu, có công rất lớn trong việc mở mang, giữ yên bờ cõi và khẩn hoang vùng Tây Nam Bộ. Những ghi chép về Nguyễn Cửu Vân chỉ bắt đầu từ năm 1705, khi ông vào Nam đánh dẹp Cao Miên và đắp chiến lũy, đào hào nước, khai khẩn đất hoang thành ruộng rẫy ở vùng Tân An, Mỹ Tho.
Lần theo các tài liệu lịch sử, tướng Nguyễn Cửu Vân là con của quan Chưởng doanh Nguyễn Cửu Dực, thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Dòng họ Nguyễn có nguồn gốc ở đất Thanh Hóa, do lập được nhiều công trạng với chúa Nguyễn nên nhiều người được nhà chúa gả công chúa... Do có nhiều công trạng, ông nội của tướng Nguyễn Cửu Vân được nhà chúa ban Quốc tính với tên Nguyễn Phúc Kiều, sau đổi thành hệ tính Nguyễn Cửu. Quan Chưởng doanh Nguyễn Cửu Dực, cha Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân, là con thứ hai của ông Nguyễn Cửu Kiều.
Theo các tài liệu ghi chép lịch sử triều Nguyễn còn lưu truyền, dòng họ Nguyễn Cửu được xem là đại công thần, gắn bó mật thiết với hoàng tộc thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Từ thế hệ Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân trở về sau, dòng họ Nguyễn Cửu có công rất lớn trong việc khai mở, giữ gìn vùng đất phương Nam...
Trải qua hơn 300 năm, vật đổi sao dời, hiện nay Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân còn lưu danh nhiều nơi như tên hai con đường ở quận Bình Thạnh, TP.HCM và TP Tân An, Long An.
Từng là thủy lộ quan trọng nhưng Bảo Định hà cũng "chìm, nổi" với thời gian khi kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình...
>> Kỳ tới: Chìm, nổi dòng kênh lịch sử
Bảo Định hà nối liền thành phố Mỹ Tho và Tân An được khởi đào từ hơn 300 năm trước và là con kênh đào bằng sức người đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ từ năm 1705.