Bảo Định hà, kênh đào đầu tiên ở đất phương Nam - Kỳ 2: Lai lịch dòng kênh lịch sử
Nhiều lần ngược xuôi tỉnh lộ 879 từ chợ Bến Tranh (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đến TP Tân An (Long An), tôi thấy một ngôi cổ miếu nằm khiêm tốn ven đường gần chợ Phú Kiết (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).
Ngôi miếu mái lợp tôn, nền ximăng, cột xây gạch, bên trong có một tấm bia cổ bằng đá, cao 80cm, rộng 45cm, dày 7cm, văn bia bằng chữ Hán.
Ngày rằm, mùng một, lễ tết, người dân mang hoa quả, nhang đèn cúng bái ở nhà bia, tưởng nhớ công ơn tiền nhân đào kênh. Riêng gia đình tui, những kỳ giỗ chạp, đám tiệc lớn nhỏ đều bày mâm cơm trước miếu để cúng kiếng anh linh người xưa.
Anh Phạm Nhựt Khánh
Con kênh đầu tiên hai lần đào bằng sức người
Lúc gặp ông Bảy Hòa, một người dân ở gần cổ miếu, tôi giật mình khi ông cho biết: "Tấm bia đá có tuổi đời hơn 200 năm, ghi lại việc tiền nhân đào kênh Bảo Định vào năm 1819, thời vua Gia Long". Còn anh Phạm Nhựt Khánh, chủ thửa đất nơi ngôi miếu tọa lạc, cho biết người dân gọi là "miếu bia đào kênh Bảo Định".
Đặc biệt, tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang) cho biết tên chính thức của tấm bia đá cổ này là "Phụng khai tân cảng ký", do vua Gia Long cho dựng vào năm 1819, ghi chép các việc trong quá trình đào kênh Bảo Định bằng sức người lần thứ hai.
Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí , trước khi có Bảo Định hà thì "phía đông bắc từ sông nhỏ Vũng Gù chảy đến quán Thị Cai (một địa danh thuộc TP Tân An, Long An ngày nay) là hết.
Phía tây từ sông nhỏ Mỹ Tho cũng xuống đông đến chợ Lương Phú (tức chợ Bến Tranh thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang hiện nay) là hết, khoảng giữa thì ruộng đất liên tiếp từ nam đến bắc. Năm Ất Dậu (1705), đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 15 (tức Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), sai Chính thống Vân Trường hầu (Nguyễn Cửu Vân) qua đánh Cao Miên.
Do quân địch thường ra chỗ này quấy nhiễu quân ta, Vân Trường hầu cho đắp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú, đào hai đầu tận của sông Vũng Gù và sông Mỹ Tho dẫn nước chảy đến làm hào mương ngoài lũy để củng cố cuộc phòng ngự. Sau nhân đường nước đã lưu thông, lại đào sâu thêm thành ra đường kinh đi ghe thuyền được".
Như vậy, Vân Trường hầu là người huy động dân phu đào đất liền, vườn ruộng thành hào nước nối ngọn rạch Vũng Gù ở Tân An và ngọn rạch Mỹ Tho ở Tiền Giang, tiền thân của kênh Bảo Định. Việc này được sử sách nhìn nhận là cuộc đào kênh đầu tiên trong lịch sử miền Tây Nam Bộ.
Hơn 100 năm sau, triều vua Gia Long, con kênh đào thời Vân Trường hầu bị bùn cỏ bồi lấp cạn dần. Nơi giao thủy (giáp nước) như Thang Trông (Phú Kiết), Tịnh Hà (Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang), dòng nước lình bình không chảy, nhiều chỗ quanh co, nhỏ hẹp, ghe thuyền đi lại rất khó khăn. Sự việc này được quan lại địa phương tâu lên vua Gia Long và nhà vua chấp thuận cho đào mở rộng, nạo vét.
Năm Kỷ Mão 1819, vua sai Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong (trấn thủ Định Tường) hợp lực với Gia Định thành Phó Tổng trấn - Thị Trung tả Thống chế Lý Văn hầu Huỳnh Công Lý; Hiệp Tổng trấn, Lại Bộ Thượng thư An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức; Tổng đốc Chưởng tiền quân, Bình Tây tướng quân - Đức Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, huy động dân phu đào kênh.
Quan Huỳnh Công Lý chỉ huy toàn bộ công trình, Nguyễn Văn Phong chịu trách nhiệm chỉ huy dân phu thi công. Công trình bắt đầu từ chợ Thang Trông (Phú Kiết) đến Húc Đồng (Hóc Đùng, Đạo Thạnh, Mỹ Tho ngày nay), dài khoảng 14 dặm (9.000m). Lượng nhân công tham gia đào kênh là hơn 9.000 người (3 phiên làm việc). Bia Phụng khai tân cảng ký ghi rõ mỗi dân phu được cấp "tiền một thỏi, gạo một phương".
Ngày 28 tháng giêng năm Kỷ Mão (23-2-1819) khởi công đào kênh. Sau hơn 3 tháng đào đắp theo phương pháp "chỗ nào quanh co thì đào cho thẳng, chỗ nào bùn cỏ cạn lấp thì nạo vét cho sâu", đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1819 công trình hoàn thành.
Sách Gia Định thành thông chí viết công trình hoàn thành ngày 4 tháng 4 nhuận năm Kỷ Mão (28-5-1819), trong khi bia Phụng khai tân cảng ký ghi công trình hoàn thành ngày 10 tháng 4 nhuận (3-6-1819). Sau khi hoàn thành, con kênh rộng 15 tầm (khoảng 32m), sâu 9 thước (khoảng 4m), hai bên bờ có đắp đường quan lộ bằng đất rộng 6 tầm (khoảng 13m).
Việc đào kênh hoàn thành, vua Gia Long hết lời khen ngợi và đặt tên cho công trình là Bảo Định hà, cho tạc bia đá ghi chép sự kiện này để lưu truyền mãi đến đời sau, dựng bia bên bờ kênh ở chợ Thang Trông. Sự việc này được ghi nhận là lần thứ nhì đào sông bằng sức người. Sau khi dòng sông từ Tân An về Mỹ Tho được đặt tên Bảo Định hà, hai con rạch Vũng Gù, Mỹ Tho xưa lùi vào dĩ vãng.
Kênh đầu tiên đào bằng xáng cạp
Trong nhiều năm, dòng Bảo Định là thủy lộ quan trọng bậc nhất vùng bắc sông Tiền. Nhưng nhiều lần tưởng chừng cái tên Bảo Định hà do vua Gia Long đặt phải biến mất. Năm Ất Tỵ (1835) dưới triều vua Minh Mạng, nhà vua cho đổi tên con sông thành Trí Tường giang. Đến đời vua Thiệu Trị, tên sông đổi thành An Định.
Thời Pháp thuộc, người Pháp gọi Bảo Định hà là Arroyo de la Poster (kênh Bưu điện). Tuy nhiên, người dân vẫn gọi con kênh là Bảo Định. Cũng có lúc, người dân gọi Bảo Định hà là kênh Trạm. Nguyên nhân do sau khi con sông hoàn thành, hai bên bờ được triều đình nhà Nguyễn đặt các trạm liên lạc để chuyển công văn, giấy tờ. Các trạm này đến thời thuộc Pháp vẫn còn hoạt động.
Năm 1867, khi Bảo Định hà bị bồi lắng, nhà cầm quyền Pháp tại Mỹ Tho đã sử dụng phương tiện xáng cạp để nạo vét, trở thành con kênh đầu tiên ở Nam Kỳ lục tỉnh được nạo vét bằng cơ giới. Theo các tài liệu xưa, chiếc xáng cạp lúc đó sử dụng động cơ hơi nước, có công suất khoảng vài trăm mã lực. Giàn cạp là những chiếc gàu lớn bằng sắt, đặt liền nhau theo hình vòng tròn như kiểu guồng đạp nước. Giàn xáng cạp này có khả năng đào sâu xuống lòng sông khoảng 5m-6m.
Trong tác phẩm biên khảo Đất Gia Định, Bến Nghé xưa và người Sài Gòn của cố nhà văn Sơn Nam, xáng cạp lúc đó được mô tả như sau: "Từ năm 1866, trước khi chiếm 3 tỉnh miền Tây, Pháp đã đem qua 2 chiếc xáng, chở bộ phận rời, ráp tại xưởng Ba Son, nhưng năng suất không cao. Rạch Bến Lức và kênh Bảo Định vét với loại xáng này, nhưng nhanh chóng bị phù sa bồi lắng. Xáng chạy máy hơi nước, dùng rất nhiều củi...
Xáng thời ấy còn thô sơ về kỹ thuật, to như chiếc chiến hạm, sức mạnh kiểu xáng to là 350 sức ngựa, xúc bằng những gàu sắt đặt liền nhau quanh vòng tròn như kiểu guồng đạp nước, mỗi gàu chứa 375 lít, gàu xúc liên tục, đất đánh loãng ra bùn, thổi vào ống máng, đưa xa đến 60m, đào sâu từ 5m đến 9m. Những chiếc to từng hoạt động ở đồng bằng, tên xáng Năng (Nance), xáng Loa (Loire), Mỹ Tho 1, Mỹ Tho 2...".
Bảo Định hà là con kênh đào bằng sức người đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ, sau đó là thủy lộ đầu tiên ở Nam Kỳ lục tỉnh được người Pháp dùng cơ giới để nạo vét.
Trước khi có kênh Chợ Gạo, người Pháp xem Bảo Định là thủy lộ rất quan trọng trong giao thương vận chuyển hàng hóa, phục vụ mục đích quân sự. Bằng chứng là vào tháng 3-1861, tàu chiến của quân Pháp đã theo kênh Bảo Định tiến đánh Mỹ Tho.
Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân đào kênh khởi thủy Bảo Định hà thì con trai ông cũng là một danh tướng, tác giả hai công trình đào kênh, đắp lũy lừng danh đất Gia Định xưa.
>> Kỳ tới: Cha, con danh tướng khai kênh, đắp lũy
Bảo Định hà nối liền thành phố Mỹ Tho và Tân An được khởi đào từ hơn 300 năm trước và là con kênh đào bằng sức người đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ từ năm 1705.