Bảo đảm thu nhập, an sinh - “Chìa khóa” phục hồi thị trường lao động sau đại dịch
Nếu cơ cấu lương hợp lý, tiền đóng BHXH cao, thụ hưởng lương hưu cao, người lao động sẽ gắn bó lâu dài với DN kéo theo tính bền vững của thị trường lao động.
Được coi như một trong những trụ cột tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, tuy nhiên thị trường lao động Việt Nam đã chứng kiến sự đứt gãy do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh - vấn đề phục hồi của thị trường quan trọng này đã được bàn luận sôi nổi.
Đề xuất giải pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại biểu có chung ý kiến cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, với sự điều tiết của Nhà nước, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, tập trung đào tạo nghề; sử dụng các gói hỗ trợ; nâng cao hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp đảm bảo tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội, điều kiện lao động…
"Về lâu dài, tôi nghĩ trong việc thu hút đầu tư phải thu hút các dự án lớn, công nghệ cao. Quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tín dụng cho các chủ thể xây dựng nhà công nhân. Cần đào tạo nghề đồng loạt, hướng lao động chọn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao. Các chính sách lương, thưởng cho người lao động cần thực hiện tốt", ông Ngọ Duy Hiếu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Đồng quan điểm, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ bài học kinh nghiệm trong và sau đại dịch là đặt người lao động trong sự phát triển của doanh nghiệp. Việc quan tâm, chăm lo vật chất, đời sống tinh thần người lao động trong đại dịch đã giúp người lao động yên tâm gắn bó. Đến nay, trên 98% doanh nghiệp của thành phố đã ổn định hoạt động nhờ ổn định lao động.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức phải là định hướng lâu dài để cải thiện nguồn cung. Trong đó, có chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mực, khuyến khích cơ sở kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại chế độ bảo hiểm xã hội theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian đóng. Nếu cơ cấu lương hợp lý, tiền đóng bảo hiểm xã hội cao, thụ hưởng lương hưu cao, người lao động sẽ gắn bó lâu dài, kéo theo tính bền vững của thị trường lao động.
Tại họp báo sáng nay (12/4) của Tổng cục Thống kê, nhiều chỉ số được đưa ra cho thấy thị trường lao động dần phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá.