Báo cáo năm 2021: Gần 2.000 học viên Pháp Luân Công cao tuổi bị đàn áp

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 07:10:58

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, vô số học viên đã bị bắt bớ, bỏ tù, tra tấn và qua đời. Chỉ riêng năm 2021, trang Minh Huệ Net đã nhận được hàng ngàn báo cáo về những trường hợp người cao tuổi học Pháp Luân Công bị bức hại.

Tái hiện cảnh tra tấn người học Pháp Luân Công trong nhà tù Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times)


Theo Minh Huệ Net , trong năm 2021, trang thông tin này đã nhận được báo cáo về 58 học viên Pháp Luân Công ngoài 60 tuổi qua đời do hậu quả của cuộc bức hại, 278 người bị kết án tù, 1.318 người bị bắt và sách nhiễu, 142 người bị đình chỉ lương hưu, 55 người bị cưỡng chế lấy mẫu máu, và 13 người buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị sách nhiễu. Những vụ đàn áp này xảy ra trong năm 2021 hoặc trước đó, được báo cáo trong năm 2021, phân bố rải rác trên 30 tỉnh thành, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương.

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp đã qua đời:

Ông cụ bị kết án khi vừa mãn hạn tù , 8 tháng sau qua đời


Ông Lưu Hy Vĩnh (80 tuổi) sống ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 9/4/2021, khi gia đình ông Lưu đến nhà tù đón ông vì mãn hạn tù 3 năm, họ đã vô cùng suy sụp khi biết ông đã bị đưa đến Nhà tù Số 3 Thành phố Đại Liên. Ông đã nhanh chóng bị kết án 4 năm tù giam nữa.

Trong khi bị giam giữ, ông Lưu mắc bệnh tiểu đường và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhà tù đã còng tay và cùm chân ông vào giường bệnh trong khi ông điều trị. Ông qua đời tại bệnh viện vào ngày 29/12. Nhà tù không cho phép con trai ông đưa xác ông đi. Họ tự ý đưa thi thể ông đến nhà tang lễ vì sợ gia đình ông sẽ kiện cáo họ. Công an canh giữ thi thể của ông cho đến khi đem nó đi hỏa thiêu vào ngày 1/1/2022.

Ông Lưu Hy Vĩnh. (Ảnh qua Minh Huệ)


Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra vào năm 1999, ông Lưu đã nhiều lần bị tống giam vì kiên định đức tin và nói sự thật về cuộc bức hại. Vào tháng 4/2002, ông đã bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt giữ. Sáu năm sau, ông lại bị kết án 3,5 năm tù sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 24/7/2008. Gần đây nhất, sau lần bị bắt cuối cùng ngày 9/4/2018, ông lại bị kết án 3 năm tù mà không qua xét xử. Khi vợ ông tuyệt vọng tìm kiếm tự do cho ông tại đồn công an địa phương, một công an nói với bà: “Lần này, chúng tôi sẽ để ông ta chết trong tù!”

Ông lão 89 tuổi đột quỵ sau khi bị công an bắt giữ, nhiều tháng sau thì qua đời

Ông Lưu Vĩnh Tồn, 89 tuổi, ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, đã bị báo công an vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công ở thị trấn Pháp Đặc vào mùa đông năm 2020. Công an sau đó đã bắt ông Lưu và lục soát nhà ông. Họ buộc ông phải ký vào các bản cam kết bất tu luyện. Ông Lưu sợ hãi đến mức bị đột quỵ và nằm liệt giường.

Đến ngày 12/5/2021, công an thị trấn Pháp Đặc lại lục soát nhà ông Lưu. Họ tịch thu tài sản cá nhân và cố gắng tống tiền ông 700 nhân dân tệ nhưng không thành. Lần lục soát này đã khiến ông Lưu vô cùng suy sụp, ông qua đời 4 tháng sau đó, vào ngày 10/9/2021.

Thượng tá về hưu qua đời trong tù vì kiên định đức tin

Ông Công Phi Khải, 66 tuổi, là một thượng tá đã nghỉ hưu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Năm 2018, ông bị kết án 7,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã thụ án trong Nhà tù Tỉnh Sơn Đông, nơi khét tiếng trong việc tra tấn và ngược đãi các học viên nhằm cưỡng bức họ từ bỏ đức tin của mình.

Ông Công Phi Khải. (Ảnh: Minhhui.org)

Vào ngày 12/4/2021, gia đình ông Công nhận được thông báo ông đã qua đời vì đột quỵ. Sang hôm sau khi gia đình đến bệnh viện, bác sĩ và cán bộ trại giam đã từ chối để họ được nhìn thấy thi thể ông. Trước sự phản đối gay gắt từ phía gia đình, cuối cùng, anh trai và cháu trai của ông Công đã được phép xem thi thể ông nhưng không được chụp ảnh hoặc quay video. Theo anh trai ông Công, phần đầu của ông Công bị thương, sưng lên và trong tai ông có máu.

Bà Trọng Thục Quyên qua đời trong tù sau nhiều năm bị bức hại


Bà Trọng Thục Quyên , 66 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị giam giữ và tra tấn trong thời gian dài vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Trong thời gian thụ án tù, bà cũng bị ung thư vú. Vào ngày 24/12/2021, ba năm sau khi yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế của bà bị từ chối, bà đã qua đời trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Thi thể của bà đã bị hỏa thiêu trước sự chứng kiến ​​của công an, công tố viên và thẩm phán, những người có liên quan đến việc kết án bà.

Con gái bà là cô Lý Tú Lệ đã bị rối loạn tâm thần vào năm 2007 ở tuổi 27 do bị chính quyền sách nhiễu trong thời gian dài. Trong một cuộc lục soát của công an, cô ở nhà một mình và đã bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, không thể hồi phục.

Sau một trong những lần mẹ bị bắt giữ, cô Lý và cha là ông Lý Khoan đã bị tổn thương tâm lý nặng nề, đến nỗi họ không dám ra khỏi nhà trong hơn 40 ngày và chỉ ăn cơm cháo qua ngày. Họ không dám trả lời điện thoại hay mở cửa khi ai đó gõ cửa. Nơi làm việc của chồng bà, Công ty Hoá chất Dầu khí Đại Liên, nghĩ rằng hai cha con đã chết tại nhà nên phá cửa xông vào nhà và phát hiện họ vẫn còn sống.

Sau lần bắt giữ cuối cùng của bà Trọng xảy ra vào năm 2016, chồng bà đã bị giam giữ nửa tháng và sau đó bị kết án 3,5 năm quản thúc tại gia. Tinh thần của con gái của họ lại càng suy sụp hơn nữa.

Những trường hợp bức hại khác

Đối với 278 học viên Pháp Luân Công ngoài 60 tuổi bị kết án năm 2021, có 165 người nhận án từ 3 đến 11 năm và 2 người bị kết án 10 năm tù.

Biểu đồ số học viên cao tuổi bị kết án tù được ghi nhận trong năm 2021.(Ảnh: Minh Huệ)

Trong số 687 học viên Pháp Luân Công trên 65 tuổi được xác nhận bị bắt trong năm 2021 hoặc trước đó, có 193 người từ 65 đến 70 tuổi, 360 người từ 70 đến 80 tuổi, 131 người từ 80 đến 90 tuổi và 3 người đã ngoài 90 tuổi.

Tổng cộng 631 học viên Pháp Luân Công từ 65 tuổi trở lên được xác nhận là đã bị chính quyền nhiễu trong năm 2021 hoặc trước đó. Trong số đó, có 90 người từ 65 đến 70 tuổi, 307 người từ 70 đến 80 tuổi, 219 người từ 80 đến 90 tuổi và 15 người ngoài 90 tuổi.

Ngoài việc không ngừng bắt giữ, sách nhiễu và tống giam người tập Pháp Luân Công, chính quyền Bắc Kinh còn gia tăng bức hại bằng cách tùy tiện xóa bỏ số năm đóng góp bảo hiểm và đình chỉ lương hưu của những người tập.

Ngoài ra Minghui.org còn thu thập được thông tin về 55 người tập Pháp Luân Công cao tuổi đã bị lấy mẫu máu trong năm 2021, trong đó nhiều nhất là những người ở Thượng Hải bị công an lừa hoặc cưỡng chế lấy mẫu máu.

Có thông tin rằng chính quyền Trung Quốc đang thiết lập cơ sở dữ liệu máu và DNA đối với tất cả người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các thông tin cá nhân khác được thu thập bao gồm ảnh, chữ viết tay, số điện thoại, dấu vân tay và chiều cao. Chỉ riêng tại Đồn Công an Cam Tuyền ở Thượng Hải, công an đã lấy mẫu máu của hơn 10 người tập Pháp Luân Công trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2021.


Theo Minghui.org

Chia sẻ Facebook