Báo cáo LHQ: Triều Tiên đang “dọn đường” cho nhiều vụ thử hạt nhân hơn
Triều Tiên đã chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân trong sáu tháng đầu năm nay, theo một đoạn trích của báo cáo mật của Liên Hợp Quốc được Reuters xem hôm thứ Năm (4/8).
“Công việc tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đang mở đường cho các vụ thử hạt nhân bổ sung để phát triển vũ khí hạt nhân” , các nhà giám sát trừng phạt độc lập báo cáo với Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển khả năng sản xuất vật liệu phân hạch tại địa điểm Yongbyon”, các giám sát viết. Yongbyon là cơ sở hạt nhân lớn của Triều Tiên, vận hành các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này.
Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo rằng Triều Tiên sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy và cho biết họ sẽ một lần nữa thúc đẩy việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng nếu điều này diễn ra.
Các cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc cũng cho biết các cuộc điều tra cho thấy Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về việc đánh cắp tài sản tiền điện tử trị giá hàng trăm triệu đô la trong ít nhất một vụ hack lớn. Các nhà giám sát trước đây đã cáo buộc Triều Tiên thực hiện các cuộc tấn công mạng để tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
“Các hoạt động mạng khác tập trung vào đánh cắp thông tin và tài liệu có giá trị cho các chương trình bị cấm của CHDCND Triều Tiên, bao gồm WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt),” các giám sát viết.
Trong nhiều năm, Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
Các nhà giám sát cho biết: “CHDCND Triều Tiên đã làm các công việc chuẩn bị tại bãi thử hạt nhân của mình, mặc dù nước này không thử thiết bị hạt nhân. Trong nửa đầu năm 2022, nước này tiếp tục tăng tốc (bắt đầu từ tháng 9 năm 2021) đối với các chương trình tên lửa”.
Họ cho biết Triều Tiên đã phóng 31 tên lửa kết hợp công nghệ dẫn đường và đạn đạo, trong đó có 6 vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa mà nước này mô tả là vũ khí đạn đạo.
Các nhà giám sát cho biết Triều Tiên tiếp tục nhập khẩu bất hợp pháp dầu và xuất khẩu than, trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Các cuộc đàm phán quốc tế nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo phần lớn đã bị đình trệ kể từ năm 2019.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo, và với hy vọng rằng có thể thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán.
Ngân Hà (theo Reuters)
Bắc Triều Tiên: Những vụ hành quyết đáng sợ từ công khai đến bí mật Các vụ hành quyết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn diễn ra thường xuyên kể từ khi ông nắm quyền vào tháng 12/2011.