Báo cáo của Safeguard Defenders về vấn đề cấm xuất cảnh của ĐCSTQ

Chia sẻ Facebook
03/05/2023 09:42:31

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng đẩy mạnh hơn chính sách cấm xuất cảnh, đồng thời vẫn tận dụng biện pháp này trong ứng phó ngoại giao quốc tế (ngoại giao con tin), theo một báo cáo mới được công bố ngày 2/5 bởi tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders.

(Nguồn: ChameleonsEye/ Shutterstock)


Tại Sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu ngày 2/6/2021, luật sư nhân quyền Trung Quốc Tang Jitian vội vã lên chuyến bay đến Nhật Bản để thăm con gái đang trong tình trạng hôn mê, nhưng khi giao hộ chiếu thì ông đã bị sốc khi thanh tra biên giới sân bay cho biết ông đã bị hạn chế rời khỏi Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Ông nói với giới truyền thông rằng tin này làm cả thể chất và tinh thần ông như kiệt quệ.


Tương tự, nhà hoạt động nhân quyền Xiang Li tại Trung Quốc nói: “Tôi cảm thấy như họ (ĐCSTQ) sẽ không bao giờ để tôi ra nước ngoài. Tôi chỉ muốn trốn khỏi Trung Quốc”.


Theo một báo cáo mới được công bố ngày 2/5 bởi tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders chỉ ra ĐCSTQ đang ngày càng mở rộng chính sách ngăn chặn xuất cảnh. Hạn chế xuất cảnh đã trở thành một trong nhiều công cụ mà ĐCSTQ sử dụng để tăng cường kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân, trong đó đáng chú ý là hạn chế người nước ngoài rời khỏi đất nước đã trở thành thủ đoạn “ ngoại giao con tin ” của ĐCSTQ.

Mở rộng phạm vi hạn chế xuất cảnh


Theo báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders, từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã mở rộng luật hạn chế xuất cảnh và thực thi luật này mạnh hơn, thậm chí trong nhiều trường hợp đã sử dụng luật này tùy tiện, bao gồm cả trong thủ đoạn thường thấy là việc đàn áp xuyên quốc gia và các kiểu cưỡng chế khác, mục tiêu từ các nhà hoạt động đến phóng viên nước ngoài.


Báo cáo cho biết, lý do hạn chế xuất cảnh có thể là an ninh quốc gia, liên quan vụ án hình sự hoặc dân sự, và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong những năm gần đây (hiện đã được nới lỏng). Các hạn chế xuất cảnh có thể được thi hành tại biên giới (như trường hợp của luật sư Tang Jitian), bằng cách tịch thu hộ chiếu, hoặc đơn giản là từ chối đơn xin hoặc gia hạn hộ chiếu. Nhiều người không biết bản thân đang bị hạn chế xuất cảnh cho đến khi họ chuẩn bị đi qua cửa khẩu thì mới phát hiện.


Báo cáo cũng chỉ rõ rằng mục đích cấm xuất cảnh của ĐCSTQ bao gồm:

Ngăn chặn tiếng nói của các nhà hoạt động; Ép buộc người liên quan về Trung Quốc điều tra bằng cách gây sức ép với người nhà họ; Đe dọa phóng viên nước ngoài; Là công cụ “ngoại giao con tin”; Kiểm soát các nhóm dân tộc và tôn giáo


Báo cáo cho biết, dưới thời ông Tập Cận Bình, kiểu thủ đoạn hạn chế xuất cảnh này đã trở thành vũ khí chống lại giới phóng viên nước ngoài. Kể từ năm 2018, đã có ít nhất 4 trường hợp phóng viên nước ngoài bị nhắm mục tiêu hoặc đe dọa cấm xuất cảnh, trong đó có phóng viên của BBC là John Sudworth và phóng viên của ABC (Úc) là Matthew Carney.

ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các nhà báo nước ngoài bằng cách hạn chế xuất cảnh

Nhiều lý do liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh


Người phụ trách Laura Harth của tổ chức Safeguard Defenders cho hay: “Từ năm 2018 đến tháng 7 năm nay, không dưới 5 luật mới hoặc sửa đổi của ĐCSTQ được áp dụng vào lệnh cấm xuất cảnh, qua đó cho đến nay có tổng số 15 luật liên quan”.


Theo báo cáo, tuần trước ĐCSTQ đã thông qua một sửa đổi mới đối với “Luật Chống gián điệp” , theo đó hạn chế xuất cảnh đối với bất kỳ người nào đang bị điều tra (gồm cả người Trung Quốc và người nước ngoài), người được coi là có khả năng gây tổn hại cho “an ninh quốc gia” sau khi rời khỏi Trung Quốc, hoặc đối với công dân Trung Quốc đã gây ra những tổn thất đáng kể cho “lợi ích quốc gia ”. Tuy nhiên, nhiều người bị ĐCSTQ hạn chế xuất cảnh mà không có chứng cứ về việc họ vi phạm pháp luật, đó là cách làm vi phạm trắng trợn quyền tự do đi lại được quy định trong luật nhân quyền quốc tế.


Theo một phân tích của Reuters về hồ sơ cấm xuất cảnh trong cơ sở dữ liệu của Tòa án Tối cao ĐCSTQ cho thấy, từ năm 2016 -2022 số trường hợp liên quan đến lệnh cấm đã tăng gấp 8 lần. Hầu hết các trường hợp trong cơ sở dữ liệu liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh là trường hợp dân sự chứ không phải hình sự. Báo cáo của Safeguard Defenders cho biết hàng chục người nước ngoài cũng đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc vì các tranh chấp dân sự liên quan đến công ty của họ.


Từ ngữ mơ hồ trong “ Luật Tố tụng Dân sự” của ĐCSTQ khiến không ít người không liên quan đến tranh chấp dân sự cũng có thể bị mắc kẹt ở Trung Quốc. Doanh nhân Richard O’Halloran người Ireland đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong 3 năm (2019-2022) vì người chủ ông làm cho có liên quan đến tranh chấp thương mại, cho dù khi tranh chấp phát sinh thì ông chưa tham gia công ty đó.


“Trong một số trường hợp, người nước ngoài bị ĐCSTQ lợi dụng trong thủ đoạn ‘ngoại giao con tin’ nhằm trả đũa chính phủ nước ngoài, hoặc được tận dụng trong chiến thuật để giành được nhượng bộ…” , báo cáo cho biết.


Ngược lại Mỹ và EU chỉ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với một số nghi phạm hình sự, nhìn chung không áp dụng lệnh cấm đối với các khiếu kiện dân sự.

Vấn đề chính trị Mỹ – Trung Quốc


Reuters dẫn nguồn tin cung cấp cho hay, trong năm nay có một người bị cấm rời khỏi Trung Quốc là một giám đốc điều hành người Singapore của công ty thẩm định Mintz Group của Mỹ.


Cả công ty, giám đốc điều hành và cơ quan chức năng ĐCSTQ đều không trả lời đề nghị phản hồi thông tin từ Reuters.


Mintz Group cho biết, vào cuối tháng 3 an ninh ĐCSTQ đã đột kích khám xét văn phòng của công ty tại Trung Quốc và bắt giữ 5 nhân viên người địa phương.


Tuần trước an ninh ĐCSTQ cũng đột kích vào văn phòng của công ty Bain & Co. của Mỹ ở Thượng Hải và thẩm vấn các nhân viên.

Trung Quốc sửa luật chống gián điệp, công ty Mỹ bị đột kích


Nói với Reuters , luật sư Lester Ross – người đã xử lý nhiều trường hợp cấm xuất cảnh – cho biết: “Nguy cơ của điều này (lệnh cấm xuất cảnh) đã tăng lên do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc”.


Chủ tịch Ross của Ủy ban Chính sách Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ cho biết: “ Tôi thấy ngày càng nhiều công ty và tổ chức bày tỏ lo ngại về điều này, họ tìm kiếm lời khuyên của chúng tôi về cách chuẩn bị và giảm thiểu rủi ro bị lệnh cấm xuất cảnh”.

Sự thất thường của Bắc Kinh khiến vốn nước ngoài lo sợ, đẩy nhanh tốc độ rút lui

“Tính bất định rất lớn”


Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lo ngại về tình trạng ngày càng tăng cường giám sát và vấn đề ngôn ngữ mơ hồ trong “ Luật Chống gián điệp ” của ĐCSTQ, luật đó quy định có thể áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với những người “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia”.


Chủ tịch Jorg Wuttke của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “ Tính bất định rất lớn”.


Phòng Thương mại Liên minh châu Âu nói với Reuters trong một tuyên bố: “Vào thời điểm ĐCSTQ đang tích cực khôi phục niềm tin kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài thì Lệnh cấm xuất cảnh gửi tín hiệu rất khó hiểu”.


Theo báo cáo của Safeguard Defenders, người bị cấm rời khỏi Trung Quốc bao gồm nhà hoạt động nhân quyền và luật sư cũng như người dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, tuy nhiên cũng có cả những người dân thường Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp tài chính.


Báo cáo trích dẫn dữ liệu từ một báo cáo tư pháp của ĐCSTQ cho biết, từ năm 2016 – 2018 có 34.000 người đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc do vấn đề nợ nần, tăng 55% so với cùng kỳ 3 năm trước.


Một số nhà hoạt động nói rằng việc mở rộng phạm vi áp dụng lệnh cấm xuất cảnh phản ánh các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn dưới thời ông Tập Cận Bình.

Trường hợp cấm xuất cảnh không rõ lý do cụ thể


Báo cáo của Safeguard Defenders cũng nêu ví dụ về các trường hợp cấm xuất cảnh vô cớ. Báo cáo viết: “Nhiều người không hề biết bản thân đang bị hạn chế xuất cảnh cho đến khi họ chuẩn bị đi qua biên giới mới biết. Nhiều người trong số những nạn nhân đó không được thông báo về lý do họ bị cấm xuất cảnh, còn các cách khắc phục để được xuất cảnh thường không hiệu quả hoặc không tồn tại cách nào”.


Báo cáo nêu ví dụ vào tháng 3/2023, cảnh sát ở thành phố Lữ Lương tỉnh Sơn Tây nói với nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Gao Xuqiang rằng, họ không thể tiết lộ lý do ông bị cấm xuất cảnh vì “đó là bí mật quốc gia!”


Trước đó ông Gao đã gửi “Yêu cầu Tự do Thông tin ”, qua đó đề nghị cảnh sát giải thích lý do tại sao vào năm ngoái ông bị cấm bay đến châu Âu để tham dự hội thảo, thậm chí hộ chiếu của ông thời điểm đó còn bị an ninh biên giới cắt góc.


Năm 2016, nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động Xiang Li sau khi bị ngăn cản lên một chuyến bay quốc tế đã gửi đơn tới Hải quan Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh xin xem xét lại lệnh hành chính. Theo “Luật rà soát hành chính” , sân bay phải trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn, nhưng cô Xiang Li không bao giờ nhận được hồi âm. Năm 2017, trong cảnh tuyệt vọng cô bỏ trốn qua biên giới và đến được Thái Lan. Năm 2018 nhà chức trách Mỹ đã cho cô tị nạn. Cô nói với Reuters qua điện thoại từ California: “Trung Quốc vô pháp, luật pháp để phục vụ cho ĐCSTQ”; “Họ (ĐCSTQ) có thể tìm mọi lý do để ngăn ai đó rời khỏi Trung Quốc”…


Theo Hạ Vũ, Epoch Times

Sự thất thường của Bắc Kinh khiến vốn nước ngoài lo sợ, đẩy nhanh tốc độ rút lui Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cùng với đó họ lại đàn áp các công ty nước ngoài

Chia sẻ Facebook