Báo Anh viết về sự nổi lên của một loạt quốc gia châu Á trên bản đồ thương mại toàn cầu, Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng
Ẩn sâu bên trong bức tranh thương mại toàn cầu, những biến đổi sâu sắc đang âm thầm diễn ra.
Từ dịch bệnh, suy thoái cho đến những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Trung, những năm gần đây hoạt động thương mại quốc tế đã liên tiếp phải chịu đựng những yếu tố bất lợi. Chỉ 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, các chủ hãng tàu lại một lần nữa cảnh báo về triển vọng u ám. Lần này, mối đe dọa mới nhất chính là nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tuy nhiên, những pha lên xuống của chu kỳ kinh tế chỉ là phần nổi của tảng băng. Ẩn sâu bên trong bức tranh thương mại toàn cầu, những biến đổi sâu sắc đang âm thầm diễn ra. Không chỉ các công ty phải cân nhắc lại quyết định đầu tư mà cả các chính phủ cũng phải tính toán lại chiến lược.
Những biến đổi này trở nên ồn ào và thu hút được nhiều sự chú ý trong năm 2018, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột tăng mạnh thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kích hoạt chiến tranh thương mại. Dù im ắng hơn nhưng chính quyền ông Biden vẫn đi theo con đường này, với lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ sản xuất chip tân tiến sang Trung Quốc và dự định trợ cấp hàng tỷ USD để khuyến khích đầu tư cho ngành chip nội địa.
Giờ đây, dòng chảy thương mại toàn cầu đang được sắp xếp lại là điều không thể tránh khỏi thay vì không thể tưởng tượng như trước. Và 1 bức tranh hoàn toàn mới đang dần lộ diện.
Sự trỗi dậy của châu Á - nhưng không phải là Trung Quốc
Thương mại toàn cầu đã hồi phục rất ấn tượng sau Covid. Tính theo tỷ trọng trên GDP toàn cầu, năm ngoái giá trị thương mại toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Nhưng không phải tất cả các tuyến đều nở rộ. Khi ông Trump quay sang chủ nghĩa bảo hộ, từng có những hi vọng rằng các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh sẽ thu hút được những doanh nghiệp vốn đang lựa chọn Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Bên hưởng lợi lớn nhất lại là các nước châu Á.
Theo số liệu được Chính phủ Mỹ công bố hôm 3/11, kim ngạch nhập khẩu của nước này đã tăng hơn 30% kể từ 2018 đến nay. Tuy nhiên, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn 6%, EU là 12%. Nhập khẩu từ Canada và Mexico tăng lần lượt 39% và 34%.
Trong 4 năm qua, con số của châu Á ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nhập khẩu từ Bangladesh và Thái Lan đã tăng hơn 80%, còn từ Việt Nam tăng trưởng tới 170%. Ấn Độ và Indonesia cũng có mức tăng ấn tượng hơn 60%. Kết quả là, tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc giảm từ mức 21% của năm 2018 xuống chỉ còn 17% ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc từng chiếm gần một nửa tổng lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Mỹ, nhưng giờ chỉ chiếm hơn 1/3.
Không chỉ Mỹ, Trung Quốc giờ đây cũng nhập khẩu từ châu Á nhiều hơn. 9 tháng đầu năm, tỷ trọng hàng Mỹ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng hàng châu Âu cũng giảm với mức độ tương tự. Ngược lại, tỷ trọng của nhóm các quốc gia Đông Nam Á ASEAN lại tăng 2 điểm phần trăm.
Để dòng chảy thương mại thay đổi cần rất nhiều thời gian và tiền đầu tư. Do đó, giờ đây chúng ta đang ghi nhận các số liệu đang thay đổi có nghĩa là các doanh nghiệp đã chọn lựa như vậy từ rất lâu, trước cả khi những sự kiện địa chính trị của năm nay diễn ra.
Một số xuất phát từ những thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô. Ví dụ, chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng khiến nhiều doanh nghiệp dệt may dịch chuyển sang những nơi như Bangladesh.
Tuy nhiên, có vẻ như thuế quan của cựu Tổng thống Trump đã đóng vai trò rất quan trọng. Theo một phân tích gần đây của Chad Bown, chuyên gia đang công tác tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, các hàng hóa mà Mỹ tăng nhập từ Trung Quốc đều là hàng không bị đánh thuế. Đối với những mặt hàng phải chịu thuế 7,5%, tỷ trọng của Trung Quốc sụt mạnh từ 24% xuống 18%.
Còn đối với nhóm bị đánh thuế 25% (bao gồm rất nhiều thiết bị công nghệ), con số sụt giảm từ 16% xuống còn 10%. Nhìn chung thì giờ đây Mỹ không còn phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, dù đó là đồ nội thất hay những con chip bán dẫn.
Sự thay đổi này sâu sắc hơn vẻ bề ngoài. Mặc dù cần quan sát thêm dữ liệu về chuỗi cung ứng để khẳng định điều này, số liệu xuất khẩu của Trung Quốc là một gợi ý. Trong giai đoạn 2018 – 2022, tỷ trọng hàng hóa đến Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 2 điểm phần trăm, trong khi tỷ trọng hàng hóa đến ASEAN lại tăng 2 điểm phần trăm.
Giấc mơ chuỗi cung ứng phủ khắp Mỹ Latinh và châu Phi sẽ định hình lại bức tranh địa kinh tế toàn cầu dường như khó có thể trở thành hiện thực. Thay vào đó các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang bùng nổ nhanh chóng trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thành 1 cánh cung trải dài từ Ấn Độ đến Philippines. Và trong chuỗi cung ứng châu Á, Trung Quốc sẽ không còn chiếm thế độc tôn.
Tham khảo The Economist