Bánh Trung thu có từ khi nào?
Chúng ta vốn quen thuộc với việc ăn bánh chưng vào Tết Nguyên đán đầu năm mới, ăn bánh trôi vào Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng… Mỗi loại bánh đều mang ý nghĩa sâu sắc liên quan đến những ngày lễ này. Vậy tại sao vào rằm tháng Tám lại ăn bánh Trung thu? Phong tục dân gian rất phổ biến và đặc trưng này bắt đầu từ khi nào?
Vào giữa năm Khai Nguyên, nhà Đường, các phong tục như thưởng nguyệt (ngắm trăng) và vui chơi đêm rằm trong dịp Tết Trung thu đã xuất hiện. Chẳng hạn, hoàng đế Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (685-762) đã tổ chức cho mọi người đêm vui chơi thưởng nguyệt trong cung điện. Tuy nhiên, trong cuốn sách ‘Thông Điển’ (766-801) thời nhà Đường lại không có ghi chép gì về Tết Trung thu.
Tương truyền, Tết Trung thu được coi là một lễ hội chính thức, sẽ có lễ thưởng nguyệt và vui chơi đêm rằm, điều này có liên quan đến truyền thuyết về chuyến du ngoạn thăm cung trăng của Hoàng đế Đường Huyền Tông.
Chuyện kể rằng, vào đêm rằm tháng Tám năm nọ, khi Hoàng đế Đường Huyền Tông đang dâng lễ tế nguyệt trong cung điện, thì đạo sĩ Diệp Pháp Thiện, người vốn tinh thông về các đạo thuật hô phong hoán vũ, hàng yêu diệt ma, cũng có mặt. Lúc này, hoàng đế đã hỏi rằng liệu đạo sĩ có thể sử dụng phép thuật trong Đạo giáo để đưa mình lên thăm cung trăng được hay không.
Tất nhiên, chuyện nhỏ này không làm khó được đạo sĩ, hoàng đế Đường Huyền Tông cuối cùng cũng bước chân lên cây cầu bạc trông giống như dây xích trắng tuyết do đạo sĩ biến hóa, và đi thẳng tới cung trăng. Việc ông đến thăm cung trăng lần này đã để lại rất nhiều câu chuyện truyền đời.
Chẳng hạn như khi hoàng đến lên tới cung trăng, nhìn thấy tiên nữ múa mặc xiêm y theo tiên nhạc, vốn là người thông hiểu âm luật nên sau khi trở lại nhân gian, ông đã dựa vào trí nhớ và viết ra tuyệt tác “Nghê thường vũ y khúc” .
Trên thực tế, nếu thực sự muốn biết về nguồn gốc lịch sử của bánh Trung thu, chúng ta có thể bắt đầu từ thời kỳ nhà Chu, là thời kỳ mà các loại bánh truyền thống bắt đầu xuất hiện trong dân gian. Đến thời nhà Hán, thì bánh chưng, bánh hồ lần lượt xuất hiện.
Trước thời nhà Đường, đã xuất hiện món bánh bao nhân, món bánh chỉ xuất hiện trong cung đình, còn ở bên ngoài thì chưa phổ biến. Trong cuốn “Lạc Trung Ký Văn” có ghi lại rằng, khi hoàng đế Đường Hy Tông ăn chiếc bánh này vào dịp Tết Trung thu, ông đã đã rất hài lòng vì vị ngon của nhân bánh. Sau đó, ông ra lệnh cho đầu bếp bọc những chiếc bánh này lại bằng vải lụa đỏ và trao cho tiến sĩ tân khoa trong yến tiệc ở Khúc Giang (Quảng Đông).
Tuy nhiên, lúc ấy cái tên “bánh Trung thu” chưa thực sự xuất hiện chính thức. Lúc bấy giờ, bánh được bày lên chỉ tượng trưng cho lễ hội, mà không có tên gọi.
Trong tác phẩm ‘Thanh Di Lục’ của Đào Cốc vào đầu thời nhà Tống, xuất hiện một món ăn rất kỳ lạ có tên là “canh ngoạn nguyệt” . Trong tác phẩm ‘Thiên Phu Lục’ của Trịnh Vọng Chi, cái tên “canh ngoạn nguyệt” cũng xuất hiện: “Biện trung tiết thực, trung thu ngoạn nguyệt canh”.
Tiếc rằng ngày nay chúng ta không thể biết chính xác món canh ngoạn nguyệt này là gì. Các nghiên cứu trước đây đã suy đoán rằng nó có thể là một món ăn như canh trứng gà hoặc có hình dạng giống như mặt trăng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà sử học về món ăn, “canh ngoạn nguyệt” là món ăn được nấu từ long nhãn, hạt sen, tinh bột củ sen và một số nguyên liệu khác.
Có tư liệu nói rằng khoảng một trăm năm trước, ở vùng Lĩnh Nam đã thấy xuất hiện món canh này.
Còn về bánh Trung thu?
Nếu suy từ các tài liệu lịch sử, thì cái tên “bánh Trung thu” phải mãi đến thời nhà Tống mới xuất hiện. Chu Mật vào cuối triều đại Nam Tống, cũng từng nhắc tên “bánh Trung thu” (Nguyệt bính) cùng một loạt tên bánh khác trong cuốn sách ‘Võ lâm chuyện xưa – cuốn sáu ’.
Bánh Trung thu tuy rằng cũng nằm trong số đó nhưng lại không được coi là lễ vật tượng trưng trong dịp Tết Trung thu, và điều này cũng không chắc chắn rằng việc ăn bánh Trung thu vào ngày Tết Trung thu đã bắt đầu vào thời nhà Tống.
Trong tác phẩm ‘Mộng Lương Lục’ của Ngô Tự Mục thời Nam Tống cũng có ghi chép rằng “trong quán ăn chay” đã xuất hiện tên gọi “bánh Trung thu”, nhưng sau khi nghiên cứu và suy luận, kết luận rằng bánh Trung thu ở giai đoạn này có thể chỉ được sử dụng như một món ăn nhẹ, và không có trong ngày Tết Trung thu.
Tuy nhiên, quả thực là chỉ có ở thời nhà Tống, từ “trăng” (nguyệt) và “bánh” (bính) mới được ghép thành từ “nguyệt bính”, nghĩa là bánh Trung thu. Người ta thậm chí còn ghi chép lại tên và hương vị hấp dẫn, thơm ngon của các loại bánh đặc biệt khác cùng bánh
Trung thu. Đại thi hào Tô Đông Pha để lại cho hậu nhân câu nói: “Tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô dữ di”, để người ta hiểu rằng bánh trung thu bọc bơ sữa béo ngậy và vị đường ngọt ngào như thế nào.
Thật ra, nói về bánh Trung thu, rất nhiều người sẽ liên tưởng đến một truyền thuyết: Vào những năm cuối cùng của triều đại nhà Nguyên, những người dân căm phẫn sự áp bức tàn ác của người Mông Cổ, đã nổi dậy lật đổ bạo quyền, đặc biệt ở trong bánh Trung thu kẹp vào dòng chữ “ám sát thái tử và đêm 15 tháng 8”.
Nhưng truyền thuyết dân gian này không nói về nguồn gốc của bánh Trung thu, mà chỉ nhắc đến “nhiệm vụ” truyền đạt mật báo này của bánh trong cuộc nổi dậy.
Vào thời nhà Minh “Trung thu tiết” lại được gọi là “đoàn viên tiết” , người dân trăm họ thường làm ra những chiếc bánh lớn và tròn để cúng trăng sáng, thông qua hình dạng chiếc bánh để gửi những lời cầu nguyện tới Thần Mặt trăng, “bánh tròn, trăng tròn, người người đoàn viên” .
‘Đế kinh cảnh vật lược’
“Vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, bánh và trái cúng tế là hình tròn và xòe múi như bông hoa sen, sau khi cúng tế xong người dân sẽ thưởng thức bánh, bánh có đường kính bằng 2 bàn tay.”
Như vậy, từ đây chúng ta thấy rằng, vào thời ấy chiếc bánh Trung thu có kích thước to lớn kinh ngạc. Và cũng có thể khẳng định đây thật sự là chiếc bánh Trung thu trong truyền thuyết. Bởi lẽ, sau lễ cúng trăng, mọi người sẽ được thưởng thức hương vị của bánh, và gặp những điều may mắn như “đoàn viên”, sum họp.
Vào thời Minh, thông qua tác phẩm ‘Trung thu nhật cung thuật’ của một thi nhân, chúng ta có thể tìm thấy một câu thơ miêu tả “ bánh Trung thu như vàng kim “. Dựa vào câu thơ này, nhiều người suy đoán rằng bánh Trung thu vào thời điểm đó đã được làm bằng cách nướng vàng.
Tuy nhiên, thông qua một số mô tả về bánh Trung thu xuất hiện vào thời nhà Minh khiến các nhà nghiên cứu tin rằng phong tục ăn bánh Trung thu trong Tết Trung thu có thể thực sự đã xuất hiện từ cuối thời nhà Nguyên và đầu thời nhà Minh.
Trong cuốn sổ tay lịch sử “Chước Trung Chí” do thái giám Lưu Đức Hoa của nhà Minh viết, ngoài các ghi chép lịch sử về Ngụy Trung Hiền và bè đảng vào thời Thiên Khải, còn có mô tả chi tiết về lễ tiết triều đình nhà Minh, bao gồm cả Tết Trung thu.
Trong đó viết rằng:
“Vào ngày rằm (tháng Tám), nhà nào cũng cúng bánh Trung thu, dưa kiệu và hoa quả, mọi người thắp hương cúng trăng xong thì uống rượu linh đình, và phá lễ vào ban đêm. Nếu còn thừa bánh Trung thu thì gom cất ở nơi khô ráo, thoáng mát, cuối năm cùng gia đình chia nhau, gọi là bánh đoàn viên.”
Điền Nhữ Thành, một nhân vật chính trị thời nhà Minh, cũng đã đề cập đến phong tục ăn bánh Trung thu vào Tết Trung thu trong cuốn sách ‘Hi triêu nhạc sự’ : “Ngày mười lăm tháng Tám được gọi là Tết Trung thu. Người ta dùng bánh Trung thu để chia sẻ cho nhau và mang ý nghĩa đoàn tụ”.
Tác phẩm ‘Nguyệt Lệnh Nghiễm Nghĩa’ , do Phùng Ứng Kinh biên soạn vào đời nhà Minh và sau đó được viết tiếp bởi Đái Nhâm, cũng ghi lại phong tục ăn bánh Trung thu trong Tết Trung thu: “ Yến đô sĩ thứ, trung thu quỹ di nguyệt bính, tây qua chi chúc, danh ‘Khán nguyệt hội’”, ý nghĩa là nhấn mạnh việc biếu tặng bánh Trung thu và dưa hấu trong các tầng lớp nhân dân được gọi là lễ hội Trung thu.
Trên thực tế, theo ghi chép của thời nhà Minh, người dân thời đó không chỉ ngắm trăng và ăn bánh Trung thu mà còn tặng bánh cho nhau. Chuyện các gia đình đều bắt đầu làm bánh Trung thu cũng là từ thời kỳ này.
Vào thời nhà Thanh, người ta thỉnh thoảng làm bánh Trung thu thành hình mặt trăng, đương nhiên trọng lượng không hề nhỏ.
Phú Sát Đôn Sùng viết trong
‘Yến kinh tuế thì ký – nguyệt bính’
“Bánh Trung thu trước kia được mệnh danh là kinh đô đệ nhất và có sẵn ở mọi nơi. Loại lớn cũng phải cả thước, trên bánh vẽ hình thỏ ngọc. Có những người ăn sau khi làm lễ cúng, có những người để lại đến đêm giao thừa mới ăn, và họ gọi chúng là bánh đoàn viên.”
Còn có một ghi chép của Phú Sát Đôn Sùng về chiếc bánh Trung thu khiến hậu nhân phải ngạc nhiên: Mặc dù đã làm ra những chiếc bánh Trung thu rất lớn như vậy, nhưng nó còn tiếp tục được cất giữ cho đến đêm giao thừa mới thưởng thức, được xem là tượng trưng của sự đoàn tụ.
Đối với các hoạt động ngày Tết Trung thu từ thời nhà Thanh, hầu hết đều được thực hiện trong gia đình, để tăng thêm mối quan hệ với các dòng tộc thân thiết nhất, và cũng rút ngắn khoảng cách tình bạn và tình hàng xóm thông qua việc tặng quà.
Trên thực tế, đây không chỉ có trong dân chúng mà ngay cả hoàng đế Càn Long nhà Thanh cũng làm điều này.
Theo những ghi chép không chính thức của nhà Thanh, cứ vào mùa hè, hoàng đế Càn Long lại đến Nhiệt Hà để nghỉ dưỡng. Khi Tết Trung thu đang đến gần, hoàng thất ở Bắc Kinh sẽ gửi bánh Trung thu cho hoàng đế. Sau khi cúng trăng xong xuôi, hoàng đế sẽ chia bánh Trung thu và tặng lại cho các quan đại thần.
Nhìn vào tư liệu liên quan đến bánh Trung thu ở các triều đại xưa, người ta không khỏi thán phục, chẳng trách các bậc tiền nhân đã nói: “dân dĩ thực vi thiên”, không chỉ người hiện đại hết sức coi trọng Tết Trung thu và ăn bánh Trung thu mà từ xa xưa cổ nhân cũng đã vô cùng xem trọng. Cho đến sau này truyền thống Tết Trung thu và món bánh đặc biệt này cũng sẽ còn lưu truyền mãi.
Ất Hân/ Vision Times
Bí quyết thưởng thức bánh trung thu trọn vẹn mà vẫn có thể “giữ dáng”
Thưởng thức bánh trung thu như thế nào để tránh hấp thụ quá nhiều các chất dinh dưỡng đa lượng trong bánh, nhằm bảo đảm sức khỏe và cân nặng?