Bánh khọt '60 phút', muốn ăn phải đặt lịch hẹn và đến đúng giờ!
Thoạt nghe, tưởng quán bánh khọt này sang chảnh, nhưng hóa ra chỉ là hàng bánh bé tí góc ngã ba con hẻm nhỏ quận Phú Nhuận. Thế mà cứ mỗi 2h chiều thứ 5 và chủ nhật hằng tuần, hàng bánh khọt cô Gái (cô Thu) vừa dọn hàng sau 1 tiếng là hết sạch.
Hàng ăn vặt của cô Gái tồn tại gần 40 năm ở đất Sài Gòn, mỗi ngày một món khác nhau, chỉ duy nhất thứ năm và chủ nhật là bán bánh khọt.
Bánh khọt cô Gái có bột bánh dày, chiên ít dầu mỡ nên không bị ngấy, gồm ba loại nhân khác nhau gồm tôm, thịt xay và đậu xanh.
Giá mỗi chiếc bánh chỉ 3.000 đồng, khách đến ăn thường mua... cả ký bánh khọt để ăn cho đã.
Chỉ cần đến trễ 30 phút (tức là khoảng 2h30 chiều), hàng bánh khọt có thể hết sớm. Chẳng hạn như hôm tôi đến, dù trời đang mưa rất to, nhưng cô Gái cười bảo khách tới sớm mua gần hết rồi con!
Cũng may, vẫn còn một ít bánh nhân tôm và đậu xanh để bán trong vài phút! Không chỉ giá thành rẻ, bánh khọt thơm ngon, mềm, chứ không chiên giòn nên dễ ăn, thấm nước mắm mặn ngọt.
Rau xanh được cô Gái rửa sạch, cắt vừa, trộn với nước mắm ngon tuyệt. Ai thích ăn kiểu cuốn có thể dặn cô cho rau chưa cắt để cuốn bánh chấm nước mắm.
Bánh khọt là loại bánh thuần Việt đặc trưng miền Nam, được làm bằng bột gạo hoặc bột sắn, bột làm bánh được nướng với các loại nhân khác nhau.
Mặc dù là món ăn được đánh giá có nhiều chất béo, nhưng hương vị thơm ngon và dễ ăn của món bánh này, khiến nó nổi tiếng và trở thành một phần văn hóa ẩm thực trong Nam.
Bánh khọt cô Gái dùng tôm lớp, loại tôm có vỏ mỏng, khi chế biến vẫn giữ được độ giòn nhưng không quá cứng và dày, khi ăn với lớp bánh mềm mịn lại cân bằng.
Cô Gái (tên thật là cô Thu) chia sẻ gần 60 năm sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn, từ một tiểu thương buôn bán trong chợ trời Cây Quéo, quận Bình Thạnh nhưng do sức khỏe không còn được như trước, cô Thu mở hàng ăn vặt trong hẻm gần nhà, vẫn bán với giá rất bình dân, để giữ chân thực khách thân quen.
Giữa lòng thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình thuận) có một quán bún bò đã thu hút thực khách suốt mấy chục năm nay, không chỉ vì hương vị đặc biệt, mà còn nhờ cái tên rất lạ, là “bún bò…dơ”.