Bánh đúc nóng 'hẻm cụt': Món quê giờ thành 'street-food Sài Gòn'

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 23:36:42

Được xem là món ăn tinh bột nhưng tinh tế có từ thế kỷ 18 tại miền Bắc. Đây là món bánh dễ ăn với những người yêu thích hương vị nước mắm mặn ngọt. Chủ yếu làm từ bột gạo, bột nếp với phần nhân thường là từ thịt nạc băm, củ cải trắng...

Chén bánh đúc thay đổi theo thời giá, từ 17.000, đến 22.000 và bây giờ giá đã là 28.000 đồng - Ảnh: MINH ĐỨC


Không chỉ dễ ăn, ấm bụng, món bánh này có giá thành phù hợp với mọi lứa. Trong túi chỉ vài chục ngàn cũng ăn được một chén bánh đúc nóng đầy đủ hương vị!

Sài Gòn ngoài cụm từ "cà phê chung cư" còn có những "quán ăn hẻm" gia truyền tồn tại hàng chục năm, với lượng thực khách ổn định.

Đi tìm quán bán bánh đúc nóng mang tiếng "chảnh" nhất Sài Gòn 40 năm nay, trong con hẻm nhỏ Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận thực khách có thể bị nhầm sang quán bánh khác, bởi chủ nhà nơi cho bà Hồng thuê bán trước đây đã lấy mặt bằng tự mở "chi nhánh" bán bánh đúc nóng riêng.

Tiệm bánh đúc nóng bà Hồng vẫn ở hẻm nhỏ 116 nhưng nằm bên phải.

Tiệm bánh nằm trong con hẻm cụt nhỏ xíu, được cái ôn hòa và mát mẻ - Ảnh: MINH ĐỨC


Trước đây quán bánh đúc nóng bà Hồng nổi tiếng vì phong cách bán hàng "mặt nặng mặt nhẹ" khiến nhiều thực khách tới ăn phải khép nép ngồi ăn xong thì mau rời chỗ đi cho khách khác đến.


Từ hồi quán dời về bán trước nhà riêng, không còn rộng rãi sáng sủa như mặt bằng cũ, bà chủ đã bớt cau có với khách hàng đến ăn hơn dù rất ít khi nở nụ cười tươi.


Bánh đúc nóng ở đây gây thương nhớ bởi vị nước mắm được pha chế vừa ăn, thơm mùi nước mắm nguyên chất kèm vị ngọt ngọt dễ chịu, ăn kèm với ớt tươi xay thì còn gì bằng.


Món bánh đúc trở nên thơm ngon khi cho thêm một ít hành phi "nhà làm" giòn rụm, vàng ươm, chín tới, không bị cháy khô, không bị đắng...


Một chén bánh đúc nóng đầy đủ có mỡ hành, cho thêm đậu xanh làm tăng vị béo bùi, vừa để át bớt vị nước mắm có thể hơi đậm cho những thực khách chuộng ăn nhạt.

Màu sắc vàng ươm của đậu xanh đánh sệt, màu trắng ngà của bột bánh cùng những sắc đỏ của ớt xay - Ảnh: MINH ĐỨC


Quán không có bàn, chỉ vài chiếc ghế nhỏ nhưng khách thì ngồi khắp con hẻm nhỏ trước quầy bánh. Hẻm được cái yên tĩnh, sạch sẽ nên ngồi ăn rất thích.


Vừa được nghe những mẩu chuyện tiếu lâm, chuyện đời thường của khách gần xa, vừa được "sống chậm" một chút khi thưởng thức từng muỗng bánh đúc.


Mặc dù ghi dấu ấn với bánh đúc nóng, nhưng khách cũng nên thử bánh ít trần của bà chủ bởi có lẽ đây là nơi bán bánh ít trần ngon nhất Sài Gòn.


Vì không "nổi tiếng", nên bánh ít trần chỉ có giá 17.000, 18.000 đồng một chén nhưng chất lượng bánh phải gọi là xuất sắc.


Bột nếp dẻo quẹo, cho vào miệng nhai là ghiền, chỉ muốn ăn mãi... Khác với bánh đúc nóng, bánh ít trần có thêm ít đồ chua "nhà làm" được ngâm vừa đủ, giữ được vị giòn nhưng không quá chua, ăn đỡ ngán.

Đừng quên thưởng thức một chén bánh ít trần - món bánh "thần sầu" của bà Hồng nhưng ít được quảng cáo bởi khách đến đây phần lớn đều ăn từ hai chén bánh đúc - Ảnh: MINH ĐỨC


Không còn để khách ngồi chờ đợi mỏi mòn như trước đây, từ khi bùng nổ mạng xã hội, bà Hồng bảo cũng nhờ thế khách đã đông lại càng tìm đến nhiều hơn, bà cũng vì thế thay đổi cách buôn bán để không trở thành đề tài bàn tán tiêu cực trên mặt báo.


Hiện tại, trải qua hai cơn dịch, khách đến tiệm bánh đã đông đúc trở lại, nhưng nhờ có thêm người nhà phụ bán, khách chỉ còn đợi vài phút đã có chén bánh thơm ngon cầm trên tay.

Bánh đúc vốn là món ăn vặt, ăn điểm tâm rất dễ tìm mua ở bất kỳ vùng quê, thành thị xứ Quảng. Những ngày giãn cách, bạn Thanh Ly chia sẻ món bánh đúc giản dị này mà sau một cuộc điện thoại cho má, bạn được "chỉ điểm' ra tay...

Chia sẻ Facebook