Bánh canh dì Tư suốt 20 năm giữ chân thực khách nhờ topping đặc biệt

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 23:51:11

Suốt 20 năm, trên góc phố nhỏ quán bánh canh dì Tư luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo thực khách. Cái ngon của bánh canh dì Tư không những nằm ở phần nước dùng mà cả loại topping đặc biệt.

Sài Gòn, một mảnh đất tấp nập bởi xe cộ, hàng quán chen chúc, san sát nhau. Nói về những quán ăn của Sài Gòn, chúng ta thường liên tưởng tới hương vị của phố xá, của vỉa hè lộng gió, nồng hậu. Hay những quán nhỏ bên đường, được kê vài bộ bàn ghế đơn giản với tiếng cười nói vui vẻ của thực khách. Nằm trong số đó, quán bánh canh dì Tư chính là điểm đến của đông đảo người dân nơi đây suốt 20 năm ròng rã.

Quán bánh canh dì Tư - một điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Niên)

Nằm ở một góc nhỏ trên con đường Trần Văn Cẩn (TP HCM), quán bánh canh dì Tư khiến đông đảo người đi đường chú ý bởi sự nhộn nhịp, tấp nập của kẻ bán người mua. Dì Tư vốn là cách những người khách quen thường dùng để gọi chủ quán - bà Huỳnh Kim Thu, 62 tuổi, một người đã dành hơn 20 năm cuộc đời để bắt đầu và nuôi dưỡng sự nghiệp với món bánh canh đặc biệt.


Góc quán nhỏ không biển hiệu

Báo Thanh Niên đưa tin, gọi là quán nhưng thực chất hàng bán của dì Tư khá đơn giản với vài ba bộ bàn ghế nhựa, một nồi bánh canh lớn và một nồi nước lớn. Thậm chí, đến tấm biển hiệu người chủ ngoài 60 cũng không trang bị cho quán. Thế nhưng, suốt mấy năm qua quán chẳng bao giờ thiếu đi tiếng gọi món, nói cười của thực khách. Thật không ngoa khi nói, quán bánh canh đã trở thành một điểm đến quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn.

Dì Tư - chủ quán bánh canh 20 năm. (Ảnh: Thanh Niên)


Được bán từ 12 giờ đến 19 giờ tối, quán bánh canh dì Tư thu hút thực khách bởi hương vị đặc trưng, không thể lẫn lộn ở bất kỳ nơi nào khác. “Buổi sáng cũng có nhiều người ăn bánh canh nhưng vì không có chỗ nên tôi bán từ buổi trưa. Tôi quê ở An Giang, hồi xưa lên thành phố được người ta thương, chỉ cho cách bán bánh canh. Ở đây công nhân nhiều, bán dần dần đến tận giờ cũng 21 năm rồi” , dì Tư chia sẻ cùng báo Thanh Niên.

Một phần bánh canh tôm với giá cả vừa phải. (Ảnh: Thanh Niên)

Đối tượng thực khách đến quán dì Tư để thưởng thức bánh canh khá đa dạng. Có khi là một bạn sinh viên, khi thì bác xe ôm, anh shipper hay một chị nhân viên văn phòng. Với mức giá trung bình 30 nghìn đồng/ 1 tô, đây có thể được xem là con số phải chăng, phù hợp với nhiều người lao động tại Sài Gòn.

Một phần bánh canh bình dân - sự lựa chọn của đông đảo thực khách. (Ảnh: Thanh Niên)

Để có được tô bánh canh thơm ngon, tròn vị tới tay thực khách, mỗi sáng dì Tư phải thức dậy lúc 6 giờ để chuẩn bị nguyên liệu. Bắt đầu công việc vốn vì đói khổ, dần rồi nồi bánh canh trở thành cơ nghiệp cả đời của người phụ nữ ngoài 60. Từ bàn tay trắng, lam lũ đủ nghề, giờ đây dì Tư đã được mọi người biết đến là chủ một quán bánh canh nổi tiếng và sở hữu một căn nhà cấp 4 do chính tay mình làm ra.

Nhờ quán bánh canh, từ tay trắng dì Tư đã có thể mua được một căn nhà nhỏ. (Ảnh: Thanh Niên)


Tô bánh canh mang đậm hương vị phố phường Sài Gòn

Đó chính là cách người dân nơi đây dùng để gọi tên quán nhỏ của dì Tư. Độ tan tầm, dừng xe tại góc quán quen, thưởng thức tô bánh canh thơm phức với từng dư vị kích thích vị giác, cảm tưởng như mọi khó khăn của một ngày làm việc bỗng nhiên tan biến, nhường đường cho từng trải nghiệm tuyệt vời nơi cuống họng.

Những loại topping thường thấy trong phần bánh canh thập cẩm. (Ảnh: Thanh Niên)

Đầu gà và chân gà chính là 2 loại topping đặc biệt, làm nên tên tuổi cho quán. (Ảnh: Thanh Niên)


Ăn tô bánh canh của dì Tư với đầy đủ thịt nạc, da heo, chả cá, cá viên, huyết, quẩy tôm giòn rụm… mỗi nguyên liệu được hoà quyện một cách tinh tế, tạo nên vị ngon chẳng thể diễn đạt hết bằng lời. Bên cạnh đó, quán còn nổi tiếng với hai loại topping đặc biệt là đầu gà và chân gà. Nói về sự kết hợp độc lạ này, dì Tư tâm sự cùng báo Thanh Niên: "Mọi người vừa ăn vừa gặm chân gà cho vui. Chân gà giòn ăn sần sật, ăn với nước lèo rất vừa miệng. Có người mua riêng chân gà, đầu gà tôi cũng sẵn sàng bán cho họ” .

Góc quán nhỏ của dì Tư. (Ảnh: Thanh Niên)

Trao đổi với báo Thanh Niên, dì Tư cho biết có những ngày đông khách quán bán được lên đến 300 tô. Một con số không nhỏ so với một quán vỉa hè. Suốt 20 năm tồn tại trên vỉa hè Sài Gòn, có thể nói quán bánh canh dì Tư đã phục vụ cho nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây.

Bánh canh dì Tư là sự lựa chọn của đa dạng đối tượng thực khách. (Ảnh: Thanh Niên)


Là một khách quen của quán, Anh Phước Đến (26 tuổi, ở Q.Tân Phú) nói cùng báo Thanh Niên: “Bà chủ bán ở đây lâu rồi. Cứ chiều chiều thèm tôi đến đây ăn vì nhà ở gần đây. Vị bánh canh ngon, dễ ăn, thấy đông khách vậy chứ đợi một chút là có người đem đến tận bàn à, không phải đợi lâu” .

Hình ảnh quen thuộc của người chủ quán bánh canh nhỏ. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong lòng Sài Gòn luôn tồn tại những quán nhỏ như vậy, không chỉ đem lại bữa no cho người lao động mà quán nhỏ ấy còn góp phần bồi tụ, làm cho nền văn hoá của mảnh đất phương Nam thêm đặc sắc, đa dạng hơn.


Liên tục cập nhật những tin tức mới nhất cùng YAN !

Mỗi quán ăn là một câu chuyện riêng về cách gây dựng, duy trì thương hiệu của chủ quán. Không phải là những hàng quán xa hoa, sang chảnh, chính những quán nhỏ ven đường đã tạo nên dấu ấn riêng cho thành phố trẻ - Sài Gòn. Chính sự dung dị, phóng khoáng đã viết nên những câu chuyện thú vị về quán ăn vỉa hè. Từ đó, góp phần bồi tự cho sự đa dạng trong văn hoá của con người và vùng đất phương Nam: Một sự nồng hậu, mộc mạc đặc trưng không lẫn vào đâu được.


Cùng xem thêm TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook