Bảng đen ở phía Tây, hành lang ở phía Bắc: Cách bố trí trường học ở Nhật đơn giản nhưng đầy tính toán ảo diệu
Cách bố trí trường học theo một khuôn mẫu chung kỳ bí ở Nhật Bản đang khơi nên một cuộc thảo luận trực tuyến xung quanh vấn đề này.
Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước có nhiều quy chuẩn và khuôn mẫu. Các trường học cho trẻ em cũng như vậy, khi chúng có những đặc điểm chung mà bạn có thể thấy ở bất kỳ thành phố hay vùng nông thôn nào, ở cả bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Ví dụ rõ ràng nhất là đồng phục, với mũ vàng và ba lô randoseru cho học sinh tiểu học, áo cánh kiểu thủy thủ cho học sinh trung học cơ sở và áo khoác cho học sinh trung học phổ thông.
Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn ngầm khác ít được chú ý tới, ngay cả đối với bản thân học sinh. Đó là cách thiết kế trường học, cụ thể hơn là hướng sắp xếp các lớp học. Và chủ đề này đang là nguồn cơn gây tranh luận trên Twitter, bởi sự khởi xướng của một người dùng có nickname @kotatuyukkuri.
Dòng tweet nhận được hơn 86.000 lượt thích, viết:
"Tôi chợt nhớ lại rằng khi tôi học năm thứ ba tiểu học và học về các phương hướng trong lớp học xã hội, tôi đã không thể nhớ được phương hướng nào cả. Đúng lúc đó hiệu phó đến thăm lớp và nói với chúng tôi rằng: 'Trường nào cũng có bảng đen ở phía tây, hiên ở phía nam, tủ đựng đồ ở phía đông và hành lang ở phía bắc'. Lời khuyên đó đã khai sáng tất cả mọi người như một cuộc cách mạng."
Ngay sau khi dòng tweet được chia sẻ, nó đã tạo ra một cuộc cách mạng khác, khi mọi người trên khắp Nhật Bản bắt đầu nhớ về những ngôi trường cũ của họ và cách chúng được xây dựng. Để mọi thứ dễ hình dung hơn một chút, hình ảnh dưới đây là kiểu bố trí phòng do vị phó hiệu trưởng ở trên mô tả.
Nhiều người dùng Twitter đã nhanh chóng khẳng định rằng lớp học ngày xưa của họ cũng đã được bố trí theo cách này, và một số thậm chí còn đưa ra các lý do thú vị để giải thích cho điều đó.
“Tôi nghe nói cách thiết lập này cho phép ánh sáng mặt trời chiếu vào từ phía nam để nó không tạo ra bóng khi học sinh thuận tay phải ghi chép.”
“Nếu bảng đen ở phía tây, nó sẽ được bảo vệ khỏi ánh nắng chói chang của buổi chiều, để học sinh luôn có thể nhìn thấy chữ viết trên đó một cách dễ dàng.”
“Nếu hàng hiên (hoặc cửa sổ) ở phía bắc, ánh sáng sẽ chiếu vào lớp học từ phía hành lang, đổ bóng lên vở của những học sinh thuận tay phải. Vì hầu hết học sinh thuận tay phải nên hàng hiên được thiết kế ở phía nam."
“Các thư viện hay tủ sách thường đặt quay mặt về hướng Bắc (hoặc ít nhất là ở vị trí tránh mặt trời lặn ở hướng Tây) để bảo vệ sách khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.”
Trong khi phần lớn mọi người đều đồng ý rằng trường học của họ phù hợp với thiết lập trên, một số người nói rằng trường học ngày nay của họ hoặc con cái họ đã được thiết kế theo cách khác:
"Trường tiểu học của con trai tôi là một hình dạng không bình thường, do địa hình."
“Trường chúng tôi có cửa sổ quay mặt về hướng bắc, nhưng đó là vì bạn có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ và hoa anh đào từ hướng đó.”
“Tôi nghĩ các trường cũ thường áp dụng quy tắc đề cập ở trên. Ngày nay, không phải lúc nào cũng có thể xây dựng theo quy chuẩn bởi còn tùy thuộc nhiều vào khu đất”.
Dẫu vậy, hầu hết các nhận xét về những ngôi trường cũ đều xác nhận sự tồn tại của cách bài trí giống như ngôi trường mà vị phó hiệu trưởng đã đề cập. Thậm chí, một người dùng còn bình luận rằng:
“Cha tôi nói với tôi rằng trước chiến tranh, nếu phi công mất lái trong không trung, họ sẽ nhìn xuống các trường học để lấy lại phương hướng. Ngày nay, cách bố trí không còn ổn định nên điều đó sẽ không thể xảy ra nữa."
Mặc dù cách bố trí trường học ngày nay có thể đã thay đổi nhiều hơn do quá trình đô thị hóa và quy mô đất đai ngày càng giảm, nhưng đa số ý kiến cho rằng nhiều phòng học vẫn được bố trí theo lối cũ.
Và rõ ràng, đây không phải là sự trùng hợp thuần túy mà là một nguyên tắc thiết kế được suy nghĩ tính toán kỹ lưỡng, khiến nhiều người ngạc nhiên. Không ít người đã bày tỏ cảm giác biết ơn nồng nhiệt đối với những người đứng đằng sau tiêu chuẩn thiết lập này. Một số cho rằng chính cách thiết lập đó đã mang lại cho họ những ngày tháng tươi đẹp khi đến trường, cũng như vì sao lớp học vẫn là bối cảnh phổ biến cho các cốt truyện trong manga và anime.
Tham khảo Soranews