Bằng chứng du hành xuyên thời gian hay sự ô nhiễm của tư duy hiện đại?
Liệu hình ảnh cô gái cầm một thứ phát sáng trong tay, trông giống iPhone, trong bức tranh này có phải là bằng chứng du hành xuyên thời gian?
Vài năm trước, một bức tranh có tựa đề “The Expected One” (Tạm dịch: Người được mong chờ) của họa sĩ người Áo Ferdinand Georg Waldmüller vẽ năm 1860 đã tạo ra một cơn sốt trên mạng. Số là một viên chức về hưu ở Munich, Đức, đưa hình ảnh bức tranh lên Twitter với lời nhận xét rằng có thể cô gái trong tranh đang chăm chú dùng smartphone. Ông đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là bằng chứng du hành xuyên thời gian?
Bức “The Expected One” miêu tả một cô gái đang chăm chú cầm một thứ gì đó phát sáng trên tay, đi giữa cảnh đồng quê. Và một người cầu hôn đang nấp ở bên đường, chờ cô đi qua.
Sau khi nhận xét được đăng tải, rất nhiều cư dân mạng đã hùa theo: 150 năm trước khi iPhone bắt đầu xuất hiện, có người đã dùng điện thoại di động? Liệu đây có phải là du hành xuyên thời gian không? Và họ đưa ra rất nhiều hình ảnh tương tự trong các bức tranh khác:
Đặt vào thời nay, hẳn là nhiều người sẽ nghĩ cô gái trong tranh đang dùng iPhone. Nhưng thực chất, bức “The Expected One” miêu tả một cô gái ngoan đạo, đang cầm một cuốn sách nhỏ, rất có thể là một cuốn kinh cầu nguyện. Bức tranh vẽ một đề tài khá kinh điển thời xưa, khai thác chủ đề về đức hạnh, sự trinh khiết, và cám dỗ.
Về mặt cảm thụ mà nói, người hiểu tranh hẳn sẽ nghĩ về những khả năng có thể xảy ra tiếp theo: Liệu người cầu hôn đó có làm xiêu lòng cô gái? Dù cô đang dồn hết tâm tưởng vào cuốn kinh cầu nguyện trên tay, nhưng liệu cô gái ngoan đạo có bị cám dỗ bởi tình yêu trần tục không? Đề tài cám dỗ là một đề tài phổ biến trong tranh thời xưa, tranh tôn giáo cũng có nhiều bức nói về vấn đề này. (Xem thêm: Ước muốn vượt qua dục vọng, kiếm tìm chân lý trong hội họa phương Tây )
Ông Russell, người đã đưa ra nhận xét thú vị của mình trên Twitter, cho hay:
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là thấy được công nghệ đã thay đổi cách nhìn nhận bức tranh như thế nào, nó đã khiến điều bức tranh muốn truyền tải hoàn toàn thay đổi. Thời những năm 1850, 1860, bất cứ ai đều có thể hiểu rằng điều thu hút tâm trí cô gái là một cuốn thánh ca hoặc một cuốn kinh cầu nguyện. Ngày nay, ai cũng nhận ra hình ảnh của một cô gái tuổi teen đang chăm chú vào mạng xã hội trên điện thoại di động.
Quả là công nghệ đã thay đổi nhân loại đến mức chúng ta tôn thờ nó như một thứ tín ngưỡng. Chẳng hạn như thay vì nói “Đi chơi đi!”, thì rất nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ nói rằng: “Đi offline đi!”. Thế giới online đã trở thành hệ quy chiếu cho thế giới chân thực.
Nhưng điều đáng buồn hơn là chúng ta còn không hiểu được một tác phẩm nghệ thuật như “The Expected One” . Có thể nói, con người đang mất dần khả năng cảm thụ và yêu thích cái đẹp. Năng lực thẩm mỹ của chúng ta đã biến đổi quá nhanh. Những tác phẩm vẽ loạn, sắp xếp loạn đến mức vớ vẩn của nghệ thuật hiện đại đường hoàng bước vào cung điện trang nhã của nghệ thuật truyền thống. Có rất nhiều ví dụ về điều này.
Tác phẩm tranh trừu tượng Số 5 năm 1948 của Jackson Pollock (1912-1956) dùng màu rắc lộn xộn, nhìn vào là thấy đau đầu, vậy mà 10 năm trước được bán giá trên trời 140 triệu USD. Người thường rất khó lý giải được thứ mà Pollock làm dựa vào đâu để bán nhiều tiền như vậy. “Người được đào tạo” thì sẽ bắt đầu nói về mức độ “trừu tượng” của nó. Người buôn tranh thì hiểu rất rõ rằng tất cả chỉ là “bong bóng ảo của giới nghệ thuật”, một thứ trò chơi kinh tế mà những nhà bình tranh đã bỏ công sức để tô vẽ nên.
Piero Manzoni (1933-1963) vào năm 1961 đã lấy thứ ông ta đại tiện ra bỏ vào 90 cái hộp nhỏ làm tác phẩm nghệ thuật để bán, đặt tên là “Phân nghệ sỹ” (Merda d’Artista). Năm 2015, một trong các hộp đó được bán ở Luân Đôn với giá 182.500 bảng Anh, tương đương với 203.000 Euro, gấp mấy trăm lần giá vàng trọng lượng tương đương vào thời điểm đó. Tất nhiên, những người “được đào tạo” sẽ bảo vệ Manzoni bằng cách nói về những thứ người ta có thể liên tưởng tới khi ngắm “Phân nghệ sỹ” , như sự phát triển chóng mặt của cuộc sống vật chất thời bấy giờ… Tuy nhiên ý tưởng những cục phân có thể đường hoàng bước lên điện đài nghệ thuật rõ ràng đã cho chúng ta thấy sự mê loạn và tự huyễn hoặc của giới nghệ sĩ.
Và rồi có nữ giáo sư cởi hết quần áo ra, lấy phân chó bôi khắp người rồi đi triển lãm, có họa sỹ dùng phân động vật vẽ nhăng cuội, có người còn biểu diễn ăn xác thai nhi, vậy mà lại trở nên nổi tiếng…
Nhưng sự tàn phá của tư duy hiện đại không dừng lại trong ngành nghệ thuật. Sự hạ lưu của nó len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Rất nhiều bạn trẻ mặc áo có in hình đầu lâu, những chiếc quần bò tuy là mới mua nhưng màu sắc còn bẩn hơn giẻ lau, chỗ nào cũng lỗ thủng to nhỏ, còn có những bạn trẻ cả kiểu tóc cũng chạy theo “cá tính” kỳ quái. Đồ dùng học tập của trẻ con, trên túi xách, hộp bút, nắp bút lại có in xác ướp, đầu lâu hoặc ác quỷ. Các siêu anh hùng trong các tác phẩm phim ảnh được mọi người ngưỡng mộ đều lấy những loài có độc hoặc không tốt như nhện, dơi, người ngoài hành tinh… lại trở thành tiêu chí của sức mạnh chính nghĩa.
Con người hiện đại đã bị ô nhiễm đến mức nào? Liệu chúng ta còn có thể quay trở về với cái đẹp chân chính hay không? Đó đã là những câu hỏi lớn mà ít ai để ý tới.
Quang Minh biên tập
Mời nghe radio :