Bancassurance – làm sao ngăn chặn hiện tượng 'vết dầu loang'?
Bancassurance là một loại hình phân phối sản phẩm bảo hiểm hiệu quả thông qua kênh bán hàng của hệ thống ngân hàng. Qua đó, về mặt lý thuyết, khách hàng có thể hưởng thụ được sự tiện ích và những trải nghiệm dễ chịu từ mô hình “trạm tài chính một cửa” do ngân hàng cung cấp. Thế nhưng, những gì diễn ra trên thực tế thì không hẳn như vậy…
Bancassurance – làm sao ngăn chặn hiện tượng 'vết dầu loang'?
Từ trạm tài chính “một cửa” thành hiện tượng “vết dầu loang”
Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhờ bancassurance, một số ngân hàng có thêm nguồn thu mỗi năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Quy mô thị trường bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể thể hiện rất rõ qua sự gia tăng doanh thu từ nguồn phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, đi kèm với những khoản lợi nhuận khổng lồ là những lời ca thán, phàn nàn, phản ứng tiêu cực từ những trải nghiệm không mấy tốt đẹp của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi nhắc về bancassurance.
Đơn cử như tiêu đề bài viết “Ép” khách hàng mua bảo hiểm, ngân hàng thu ngàn tỉ được đăng trên báo Thanh Niên điện tử vào ngày 17-8-2022. Đây không phải là bài viết cá biệt của một nhà báo hay một trang báo mà đã trở thành một chủ đề thời sự nhiều năm qua trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Vấn đề quan trọng cần bổ sung và làm rõ trong khung pháp lý mới là trường hợp nào được xem là cưỡng ép khách hàng hay những yếu tố nào giúp nhận diện tính tự nguyện. Đồng thời, pháp luật cũng cần bổ sung quy định về những hành vi cấm ngân hàng thực hiện trong vai trò đại lý bảo hiểm. |
Trên diễn đàn Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, các hiện tượng tiêu cực liên quan đến bancassurance tiếp tục làm nóng hội trường qua lời phản ánh, chất vấn của một số đại biểu dân cử. Hay gần đây nhất, Hội Doanh nghiệp TPHCM và hội doanh nghiệp ngành nghề tại TPHCM đã phản ánh tình trạng doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua kèm sản phẩm bảo hiểm thì mới có thể tiếp cận được khoản vay. Điều này đã làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi.
Tựu trung lại, các vấn đề tiêu cực liên quan đến bancassurance xoay quanh hai vấn đề chính: (i) không đảm bảo nguyên tắc khách hàng được tự do lựa chọn, tự nguyện tham gia quan hệ bảo hiểm; (ii) không đảm bảo minh bạch thông tin trong hoạt động tư vấn, giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Biểu hiện của hiện tượng này là một số ngân hàng đã bán sản phẩm bảo hiểm nhưng không hề quan tâm tới nhu cầu thực sự của khách hàng, thay vào đó chỉ hướng đến việc tối đa hóa nguồn thu của ngân hàng.
Minh họa điển hình nhất trong số đó là hành vi “ép buộc”, gợi ý mang tính “gượng ép” khách hàng mua bảo hiểm kèm theo khoản vay dưới nhiều hình thức. Thậm chí có trường hợp, khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm nhưng lại nhận về hợp đồng bảo hiểm sau một quá trình tư vấn mù mờ của nhân viên ngân hàng.
Như vậy, vốn dĩ từ một mô hình đáng lẽ ra phải mang lại những trải nghiệm dễ chịu cho khách hàng thì những gì đang diễn ra với bancassurance đang tạo ra phản ứng tâm lý ngược lại. Với nhiều người, bancassurance đang tạo nên một gánh nặng về tài chính mỗi khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Trong số những người đó, có cả những nhân viên của ngân hàng đang phải gồng mình chạy chỉ tiêu bán bảo hiểm theo giao phó của cấp trên.
Qua quan sát của người viết, dư luận tiêu cực về bancassurance hiện tại như “vết dầu loang”, từ những phản ánh nhỏ lẻ, phi chính thức đã lan truyền đến dư luận báo chí chính thống rồi lên đến cả diễn đàn Quốc hội. Từ sự bức xúc của một vài cá nhân hiện tại đã lan đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và trở thành vấn đề được thảo luận chính thức trên bàn nghị sự của các cơ quan quản lý.
Nỗ lực ngăn chặn “vết dầu loang”
Nỗ lực làm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nói chung và hoạt động bancassurance nói riêng được thể hiện khá rõ nét trong xuyên suốt quá trình soạn thảo và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Theo đó, chế định về đại lý bảo hiểm nói chung được quan tâm và được bổ sung nhóm quy định liên quan đến: (i) trách nhiệm cung cấp thông tin cho bên mua bảo hiểm; (ii) việc quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong tổ chức đại lý để tăng cường trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn sản phẩm; (iii) trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm.
Để giải quyết được hiệu quả thực trạng này, cơ chế giám sát và xử lý vi phạm cần được thiết kế theo hướng thực chất hơn. Trong đó, cơ chế giám sát và tiếp nhận tố giác từ các chủ thể trên thị trường là vô cùng cần thiết. |
Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và nghị định hướng dẫn luật cũng đã tiếp tục chi tiết hóa các quy định của luật.
Đáng chú ý là quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của ngân hàng trong quá trình tư vấn, phân phối sản phẩm bảo hiểm, cụ thể như: quy định chi tiết về nội dung tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng, bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng phải đảm bảo sáu nguyên tắc như: (i) yêu cầu ngân hàng ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm và lưu trữ trong thời hạn năm năm; (ii) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng và xem xét tính tự nguyện của khách hàng khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư…
Theo người viết, việc bổ sung nhóm các quy định chi tiết trong dự thảo là cần thiết, sẽ góp phần giảm thiểu các vấn đề tiêu cực về sự mù mờ, không minh bạch thông tin trong hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Đồng thời, hướng đến mục tiêu khách hàng được tiếp cận những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, mang tính tự nguyện chứ không phải miễn cưỡng mua những sản phẩm ngân hàng muốn bán.
Tuy nhiên, người viết cũng chia sẻ với quan điểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) về ý kiến góp ý dự thảo này. Trong đó, nhấn mạnh đến các nội dung còn chưa rõ ràng trong dự thảo và cho rằng cần chi tiết hóa các quy định về yêu cầu ghi âm nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm và nghĩa vụ kiểm tra độc lập nội dung tư vấn trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng cần bổ sung và làm rõ trong khung pháp lý mới là trường hợp nào được xem là cưỡng ép khách hàng hay những yếu tố nào giúp nhận diện tính tự nguyện. Đồng thời, pháp luật cũng cần bổ sung quy định về những hành vi cấm ngân hàng thực hiện trong vai trò đại lý bảo hiểm xoay quanh hai khía cạnh/vấn đề tiêu cực mà người viết đề cập ở trên. Nếu vi phạm điều cấm, chế tài tương ứng phải đánh trực tiếp vào doanh thu, lợi nhuận hoặc giấy phép hoạt động bancassurance của chính ngân hàng đó. Khi chi phí cơ hội đủ cao, tự khắc các ngân hàng sẽ thận trọng trong hành vi của mình.
Vấn đề không chỉ ở khung pháp lý
Nhìn chung, nỗ lực xây dựng khung pháp lý của Bộ Tài chính là đáng ghi nhận và khung pháp lý về bancassurance chắc chắn sẽ được hoàn thiện hơn sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực vào ngày 1-1-2023.
Tuy vậy, tác động của các quy định mới đã ban hành hoặc dự định ban hành có thể làm lành mạnh hoạt động bancassurance hay không thì vẫn là một ẩn số. Bởi lẽ, qua quan sát, người viết cho rằng, những hiện tượng tiêu cực đang xảy ra đến từ nhiều nguyên nhân mà những khoảng trống trong khung pháp lý chỉ là một trong số đó.
Vì suy cho cùng, bancassurance vẫn phải hoạt động dựa trên khung pháp lý về đại lý bảo hiểm và chúng ta đã có không ít quy định về hoạt động này trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Từ năm 2014, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN và kế đến là Thông tư 37/2019/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động bancassurance.
Đồng nghĩa, hoạt động này có khung pháp lý điều chỉnh hẳn hoi. Các vấn đề nguyên tắc cơ bản cũng đã được quy định. Thế nhưng, một số ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đã cố tình “phớt lờ” các nguyên tắc pháp lý này vì lợi ích trước mắt.
Tất nhiên, trong bối cảnh pháp luật chưa được quy định chi tiết, thiếu rõ ràng cũng như chế tài không đáng kể, việc thực hiện các hành vi tiêu cực có thể mang lại cho các doanh nghiệp “nồi cơm” quá lớn nên đã xảy ra tâm lý tranh thủ được lúc nào thì hay lúc ấy.
Trong bối cảnh như vậy, lẽ ra vai trò của cơ quan quản lý cần phải được thể hiện rõ ràng và quyết liệt hơn trong việc giám sát, xử lý các hành vi tiêu cực để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. Nhưng rất tiếc, điều này dường như không được thể hiện rõ nét trong suốt thời gian qua.
Động thái chủ yếu có thể nhìn thấy được là ra công văn nhắc nhở và chấn chỉnh mà chưa thật sự có biện pháp pháp lý nào đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này. Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời ít nhất bốn văn bản về việc này nhưng người viết không tìm thấy bất kỳ quyết định xử phạt nào. Hoặc nếu có, thì có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ “ném đá ao bèo”, đá chìm thì bèo lại tụ họp như cũ.
Do đó, để giải quyết được hiệu quả thực trạng này, cơ chế giám sát và xử lý vi phạm cần được thiết kế theo hướng thực chất hơn. Trong đó, cơ chế giám sát và tiếp nhận tố giác từ các chủ thể trên thị trường là vô cùng cần thiết.
VCCI đề nghị làm rõ một số quy định
Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, liên quan vấn đề cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng:
“Thời gian qua, việc các doanh nghiệp bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng phát triển tương đối mạnh. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân rất chính đáng như hiệu quả của hình thức tư vấn tài chính toàn diện giúp chi phí bán hàng rẻ hơn. Tuy nhiên, tình trạng này cũng nảy sinh một số vấn đề tiêu cực được báo chí phản ánh như: (1) ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm như là một điều kiện để được cấp tín dụng; và (2) một số nhân viên ngân hàng tư vấn gây hiểu nhầm cho khách hàng về việc mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm. Việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung tại điều 26 của dự thảo chưa thực sự rõ ràng và rất khó để áp dụng trên thực tế. Cụ thể như sau:
– Điều 26.1 quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất năm năm: các doanh nghiệp không rõ sẽ phải thực hiện ghi âm khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email được thực hiện như thế nào.
– Điều 26.2 về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư: việc kiểm tra độc lập sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn…); các nội dung kiểm tra là gì (các câu hỏi nào); việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không?
Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các nội dung trên để tạo thuận tiện cho quá trình thực hiện”.
Lưu Minh Sang - Trường Đại học Kinh tế, Luật
TBKTSG