Bán vé điện tử tại bến xe: Những khó khăn đang được khắc phục

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 01:06:46

Sau gần 2 tuần triển khai áp dụng vé điện tử, các đơn vị vận tải tại bến xe Miền Đông và Miền Tây (TP.HCM) đã dần quen, các khó khăn trong hoạt động in hóa đơn điện tử đang dần được cải thiện.

Quầy vé tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) không còn tình trạng khách xếp hàng đợi lấy vé điện tử trong ngày đầu - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế, từ 1-7, tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử (hóa đơn có mã, hóa đơn có kết nối với dữ liệu ngành thuế).

Những ngày đầu, nhiều đơn vị vận tải còn lúng túng, gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện cách thức bán vé mới bằng hóa đơn điện tử khiến hành khách phải chờ đợi lâu. Đến hiện tại, cách thức bán vé kiểu mới này đang được các nhà xe áp dụng nhuần nhuyễn hơn. Những bất cập trước đó đang dần được cải thiện.

Đại diện nhà xe Hồng Hải cho biết, nếu không gặp các vấn đề về đường truyền thì việc bán vé bằng hóa đơn điện tử rất tiện và nhanh hơn cách bán vé bằng giấy. "Khi khách đặt vé thì nhà xe nhập dữ liệu thu tiền, tiếp đó bấm xuất vé. Lúc đầu còn bỡ ngỡ thì thấy rắc rối, nhưng khi sử dụng qua rồi thì mọi việc đơn giản hẳn".

Đại diện bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết, mỗi đơn vị có quy mô, năng lực khác nhau nên vẫn còn tình trạng có đơn vị vận tải chưa kịp triển khai. Nhưng đến ngày 12-7, có 114/147 (hơn 3/4) đơn vị vận tải tại bến xe đã thực hiện thông báo hóa đơn điện tử, bán vé điện tử. Trong đó, 66 đơn vị tự bán vé, 42 đơn vị ủy thác cho bến bán vé, 6 đơn vị vừa tự bán vừa ủy thác cho bến bán vé.

Trong quá trình triển khai, có trường hợp không thể xuất vé do đường truyền nghẽn... Đồng thời, các đơn vị vận tải còn gặp khó khăn khi xuất vé trên đường và tại các bến xe địa phương không có hỗ trợ về hạ tầng, phần mềm xuất vé điện tử.

Ngoài ra, quy định về thông tin trên vé điện tử chưa thống nhất, có đơn vị sử dụng những thông tin bắt buộc trên hóa đơn điện tử, nhiều đơn vị thiếu thông tin số chỗ ngồi, giường nằm, ngày giờ xuất bến,… nên khó khăn cho hành khách trong việc tìm kiếm xe, cũng như khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại bến.

Để giải quyết vấn đề này, bến xe Miền Đông đã chuẩn bị hạ tầng, hỗ trợ các đơn vị vận tải lắp đặt hệ thống mạng, thiết bị để bán vé điện tử. Ngoài ra, bến xe còn chuẩn bị phương án kết nối giữa phần mềm bán vé của bến xe Miền Đông với phần mềm của các đơn vị để việc bán ủy thác được thuận lợi.


Bến xe Miền Đông phối hợp với các đơn vị in vé trung gian có thông tin (tuyến đường, ngày, giờ xuất bến, giá vé, mã tra cứu hóa đơn, biển số xe…) để thống nhất về hình thức, thuận lợi cho hành khách sử dụng vé.

Cùng các đơn vị đưa ra phương án, giải pháp tạm thời để bán vé trong trường hợp mất kết nối mạng. Đối với tuyến đường, khu vực chưa kịp thời triển khai vé điện tử, bến xe có kế hoạch tăng cường qua tuyến đường của các đơn vị khác đủ điều kiện về vé điện tử.

Một số nhà xe cho biết các bất cập của việc áp dụng vé điện tử đang được cải thiện tích cực - Ảnh: CHÂU TUẤN

Còn tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), tính đến ngày 5-7 đã có 77/131 đơn vị triển khai thực hiện bán vé xe khách điện tử.

Đại diện bến xe này cho hay: "Những ngày đầu khi cả nước đều áp dụng bán vé điện tử, bến xe Miền Tây cũng gặp khó khăn nhất định do đường truyền quá tải, dẫn đến việc in vé chậm hoặc không được. Đến hiện tại, mọi việc đã dần được ổn định".


Anh Nguyễn Hữu Nguyên (hành khách đi tuyến TP.HCM - Đắk Lắk) chia sẻ: "Trước kia, nếu muốn mua vé tôi phải đến tận bến xếp hàng đưa tiền chờ nhận vé. Nay áp dụng việc bán vé điện tử tôi có thể liên hệ đặt online, khi các nhân viên xác nhận thông tin xong tôi có thể thanh toán tiền trước như đặt vé máy bay. Đến ngày đi chỉ cần ra bến lấy vé rồi lên xe".

Do còn lúng túng trong quá trình triển khai áp dụng vé điện tử, Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM đề nghị cho gia hạn thêm ít nhất 6 tháng đối với xe khách liên tỉnh và 1 năm đối với xe buýt.

Chia sẻ Facebook