“Bàn tay thép dựng tường lửa” ngăn chặn điểm nóng ma túy giáp “tam giác vàng”

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 08:02:46

Các tỉnh miền núi phía Bắc có một số địa bàn trọng điểm về ma túy giáp biên giới với Lào và Trung Quốc, khu vực “Tam giác vàng” nên bị ảnh hưởng rất lớn về hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều này khiến tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn trở nên phức tạp với các băng nhóm tội phạm có quy mô lớn, có vũ trang ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.


Địa bàn “nóng”, thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy

Theo báo cáo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2021, tại ĐBTĐ các tỉnh miền núi phía Bắc tình hình tội phạm về ma túy (TPVMT) diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ: 18.544 vụ/ 41.371 vụ, (chiếm 44,82% tổng số vụ TPVMT xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc) và 21.351 đối tượng/ 45.045 đối tượng (chiếm 47,4% tổng số đối tượng phạm tội về ma túy trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc), thu giữ 4.432kg Heroine; 3.562 kg thuốc phiện; trên 8,3 triệu viên MTTH; 16,78 kg cần sa; 64,5 kg ma túy đá; 876 súng các loại, 44.786 viên đạn, 87 lựu đạn; triệt xóa 38.294 điểm, tụ điểm ma túy.

Tội phạm về ma túy tại địa bàn trọng điểm có tính chất vũ trang, khá phức tạp. Chúng lợi dụng yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở ít có sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nên các đối tượng chú ý lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ta sang Lào, Trung Quốc và ngược lại. Tội phạm ma túy biến khu vực này thành nơi hoạt động giao dịch, trú ẩn nhằm thuận lợi cho việc trốn chạy sang bên kia biên giới khi bị phát hiện, truy bắt. Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, đánh dấu đường đi, sử dụng chó săn sục sạo để phát hiện lực lượng chức năng mật phục; khi đi thường có đối tượng “hoa tiêu” dẫn đường và dùng tiếng lóng, tiếng dân tộc để thông tin liên lạc; khi phát hiện có động hoặc có biểu hiện bất thường thì chúng tổ chức tấn công trực diện bằng súng quân dụng và rút về bên kia biên giới của Lào.

Một góc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La- nơi từng là “điểm nóng” ma túy.


Trong đó, số đối tượng bị phát hiện và bắt giữ trong 10 năm gần đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết pháp luật . Đặc biệt nguy hiểm hơn ở loại tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới này là tư tưởng cực đoan, bảo thủ. Lúc đầu các băng nhóm dùng vũ khí thô sơ, tự chế nhưng đến nay là tự trang bị, mua sắm các loại vũ khí hỏa lực mạnh, độ sát thương cao. Chúng tự hình thành các tốp, toán, nhóm trang bị vũ trang, áp tải ma túy công khai xâm nhập biên giới để vận chuyển ma túy vào sâu nội địa. Khi bị phát hiện vây bắt sẵn sàng tử thủ hoặc chống trả quyết liệt gây thương vong cho lực lượng chức năng.


Việc giao, nhận các chất ma túy của các băng nhóm tội phạm được tiến hành bằng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, chặt chẽ, tổ chức cảnh giác, theo dõi động thái của lực lượng công an. Khi bị bắt, các đối tượng luôn ngoan cố không nhận tội hoặc chỉ nhận tội về mình, không khai đồng bọn trong đường dây vì sợ bị trả thù hoặc hy vọng sự cứu giúp. Không còn xé lẻ ma túy để vận chuyển như trước đây, hiện nay tội phạm ma túy đã chuyển sang vận chuyển số lượng lớn có vũ trang để bảo vệ hoặc chống trả việc bắt giữ quyết liệt. Nhiều đối tượng vừa hoạt động phạm tội ma túy nhưng kết hợp với các hoạt động “rửa tiền” như: Kinh doanh bất động sản, góp vốn đầu tư vào các dự án, thành lập công ty, làm từ thiện điển hình như vụ án Tráng A Tàng cùng đồng bọn mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại xã Loóng Luông (Sơn La)… Mặt khác, một số đối tượng tại địa bàn trọng điểm thường tìm mọi cách để tạo quan hệ, lôi kéo, mua chuộc những cán bộ bị thoái hóa, biến chất trong các cơ quan bảo vệ pháp luật để hoạt động bảo kê, chê giấu, thậm chí tiếp tay hoặc tham gia hoạt động đã đặt ra rất nhiều thách thức cho lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy.

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh (Ảnh/ Nguồn: Internet)

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại dùng tiếng lóng trong vận chuyển buôn bán ma túy các băng nhóm ma túy ngày càng liều lĩnh, manh động gây không ít khó khăn cho lực lượng công an trong các hoạt động truy quét, triệt phá hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tại địa bàn các tỉnh phía Bắc.


Xây dựng “phòng tuyến” lòng dân

Với phương châm mỗi người dân là một chiến sĩ, bản làng là pháo đài chống tội phạm ma túy, lực lượng công an các tỉnh phía Bắc đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm về ma túy tại địa bàn trọng điểm. Xây dựng nhân rộng điển hình tiên tiến tập trung cao vào những người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm kích thích phong trào tự quản tại địa bàn. Xây dựng một đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là người dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, có trình độ, trong sáng, nhiệt huyết trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy; dám đảm nhận trọng trách khó khăn nhất, góp phần nâng cao hiệu quả ngăn chặn loại tội phạm này.

Số vũ khí thu giữ tại đại bản doanh của hai trùm ma túy ở Lóng Luông.

Bám sát địa hình, nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm, lực lượng Cảnh sát tội phạm ma túy các tỉnh phía Bắc đã và đang triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp trinh sát, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, dựng sơ đồ các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn để đấu tranh. Chủ động xác lập và tiến hành chuyên án trinh sát triệt phá, bóc gỡ các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy; sử dụng những biện pháp nghiệp vụ phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động phòng ngừa nhằm chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy.

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động bổ sung, hoàn tiện cơ chế, đẩy mạnh quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế với Công an một số tỉnh biên giới thuộc Lào, Trung Quốc trong phòng ngừa tội phạm ma túy tại địa bàn trọng điểm. Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này tại địa bàn trọng điểm.

Trước nhu cầu từ thực tế, các đơn vị phòng chống ma túy các tỉnh phía Bắc mong muốn được Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ hiện đại tạo sức mạnh để các chiến sĩ làm tốt hơn công tác phòng chống tội phạm ma túy. Về lâu dài cần đầu tư, bổ sung trang cấp những thiết bị cần thiết, hiện đại cho lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, đặc biệt là những trang thiết bị cơ động chiến đấu, thông tin liên lạc, đảm bảo hiệu lực và an toàn cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm.


TS.NGÔ THỊ HUỆ


Học viện Cảnh sát nhân dân

Chia sẻ Facebook