"Bản sao" sói Bắc Cực đầu tiên trên thế giới được sinh ra, mở đường cho việc đưa các loài có nguy cơ tuyệt chủng trở lại!

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 19:43:29

(Tổ Quốc) - Một bước tiến quan trọng đã được thực hiện trong việc tiên phong bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng thông qua công nghệ nhân bản.

Công ty nhân bản vật nuôi Trung Quốc Sinogene Biotechnology vừa công bố sự ra đời của con sói Bắc Cực nhân bản đầu tiên trên thế giới (Canis lupus arctos), Live Science đưa tin. Theo các chuyên gia, sự ra đời của nó là một bước tiến nhảy vọt trong việc sinh sản nhân tạo nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Maya, con sói cái được nhân bản và mẹ là con chó săn thay thế của nó đã được công bố với thế giới trong một đoạn video ngắn tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 19 tháng 9, theo trang tin Global Times của Trung Quốc. Con vật được sinh ra vào ngày 10 tháng 6 trong một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, 100 ngày trước khi video được phát hành.


Để nhân bản Maya, các nhà khoa học đã sử dụng DNA thu thập được từ một con sói Bắc Cực (cũng tên là Maya) đã chết trong điều kiện nuôi nhốt tại công viên động vật hoang dã Harbin Polarland ở đông bắc Trung Quốc. Maya ban đầu sinh ra ở Canada nhưng sau đó được chuyển đến Trung Quốc vào năm 2006 và qua đời vì tuổi già vào đầu năm 2021.

“Để cứu loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, chúng tôi bắt đầu hợp tác nghiên cứu với Harbin Polarland về nhân bản sói Bắc Cực vào năm 2020. Sau hai năm nỗ lực miệt mài, sói Bắc Cực đã được nhân bản thành công. "Đây là trường hợp đầu tiên thuộc loại này trên thế giới được nhân bản thành công”, Mi Jidong, tổng giám đốc công ty công nghệ sinh học Sinogene có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện chuyển nhân tế bào soma (SCNT) để tạo ra 137 phôi chó sói Bắc Cực bằng cách kết hợp các tế bào da từ Maya bản gốc với các tế bào trứng chưa trưởng thành của chó nhà. 85 phôi trong số đó sau đó đã được cấy ghép thành công vào bảy con chó mẹ thay thế thuộc giống beagle. Tuy nhiên, từ những phôi được cấy ghép đó, chỉ có một phôi phát triển đầy đủ trong quá trình mang thai.

Lý do tại sao những con chó mẹ thuộc giống beagle được sử dụng cho thí nghiệm chỉ đơn giản là không có đủ những con sói cái được nuôi nhốt để các nhà khoa học sử dụng cho thí nghiệm. Nhưng vì chó chia sẻ phần lớn DNA với chó sói, nên phôi thai có thể phát triển ổn định trong cơ thể của những con chó mẹ beagle.

Hiện tại Maya bản sao đang ở với người mẹ thay thế của mình, nhưng trong tương lai nó sẽ được chuyển đến Cáp Nhĩ Tân Polarland để sống với những con sói Bắc Cực khác. Ban quản lý của công viên tin rằng Maya bản sao sẽ phải từ từ được giới thiệu và sống hòa nhập với những cá thể sói Bắc Cực còn lại trong đàn để được nuôi dạy giống như những con chó sói bên ngoài tự nhiên.

Sinogene gần đây cũng tiết lộ rằng một bản sao sói Bắc Cực thứ hai, đã được tạo ra bằng cách sử dụng DNA của một con đực chưa xác định, được sinh ra vào ngày 22 tháng 9.

Thông thường, Sinogene chuyên nhân bản vật nuôi đã chết, chẳng hạn như mèo, chó và ngựa, cho các khách hàng tư nhân. Nhưng công ty hiện có ý định sử dụng chuyên môn của mình để giúp nhân bản các loài có nguy cơ tuyệt chủng cho mục đích bảo tồn. Thử nghiệm hiện tại là bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này.

Đây không phải là lần đầu tiên một loài có nguy cơ tuyệt chủng được nhân bản bởi các nhà khoa học - ví dụ như vào năm 2020, tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Revive & Restore có trụ sở tại Hoa Kỳ đã nhân bản thành công một cá thể chồn chân đen có nguy cơ tuyệt chủng (Mustela nigripes). Đây là một bước đột phá trong việc phục hồi các loài có nguy cơ tuyệt chủng, có thể giúp giải quyết các rào cản di truyền mà nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp phải đối mặt.

Các nhà khoa học thậm chí đã thực hiện những bước đầu tiên để đưa các loài đã tuyệt chủng trở lại môi trường sống tự nhiên: gần đây, Dự án Lazarus của Đại học New South Wales thông báo họ đã tái tạo bộ gen của một loài ếch Úc đã tuyệt chủng. Mặc dù không có phôi nào sống sót sau vài ngày, các xét nghiệm di truyền xác nhận rằng các tế bào phân chia thực sự chứa vật liệu di truyền từ loài ếch đã tuyệt chủng.

Quay trở lại năm 2003, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nhân bản thành công loài dê núi Pyrenean ibex loài đã tuyệt chủng từ năm 2000. Tuy nhiên, con vật sơ sinh chỉ sống được khoảng 10 phút, khiến nó trở thành động vật duy nhất tuyệt chủng hai lần.

Trong một thí nghiệm được biết đến nhiều hơn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kindai ở Nhật Bản đã tìm cách chiết xuất hạt nhân từ tế bào của voi ma mút lông cừu 28.000 năm tuổi và cấy chúng vào tế bào chuột, sau đó chúng bắt đầu có “dấu hiệu của các hoạt động sinh học”.

Theo những người ủng hộ nhân bản, lợi ích chính của việc nhân bản vô tính các loài có nguy cơ tuyệt chủng là bằng cách này là cung cấp sự đa dạng di truyền có thể được duy trì trong một loài - như đã được chứng minh qua việc nhân bản các loài chồn có nguy cơ tuyệt chủng. Sự ra đời của Maya là một bước đi khác theo hướng này.

Tham khảo: Live Science; Global Times; Earthlymission

Chia sẻ Facebook