Bận rộn đến mấy cũng có thể tập thể dục nếu bạn biết những điều này!
Tập thể dục là rất cần thiết cho sức khỏe cũng như tốt cho tâm trạng và ngoại hình. Nhất là đối với những người làm việc văn phòng phải ngồi lâu một chỗ, hay căng thẳng.
Chúng ta đều biết rằng tập thể dục tốt cho sức khỏe. Nhưng hiện nay, tình trạng lười vận động đang ở mức báo động. Nhất là đối với những người làm việc công sở, hay phải ngồi lâu một chỗ mỗi ngày.
Những người bận rộn hơn bạn vẫn đang tập thể dục chăm chỉ!
Không có thời gian hoặc không gian không phù hợp là những lý do phổ biến mà những người ít hoặc không tập thể dục đưa ra. Tuy nhiên, cũng có thể xem đó chỉ là cái cớ cho việc lười vận động, chưa chú trọng đến sức khỏe.
Bởi vì trên thực tế, chúng ta không mất quá nhiều thời gian hay công sức, dụng cụ để tập luyện. Có rất nhiều người bận rộn vẫn sắp xếp tập luyện trong thời gian ngắn, thậm chí tranh thủ vận động ngay trong giờ nghỉ trưa tại văn phòng, nơi làm việc.
Ví dụ như đối với các y bác sĩ, chúng ta thường cho rằng họ quá bận rộn và mệt mỏi để tập thể dục. Nhưng sự thật thì ngược lại, vì hơn ai hết họ hiểu được tầm quan trọng của việc tập luyện đối với sức khỏe cũng như đáp ứng cường độ làm việc của mình. Để làm rõ hơn, hãy đến gặp các bác sĩ tại Bệnh viện Ung thư Hà Nam (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Bác sĩ Lý Hiện tại khoa Phẫu thuật tổng quát nói: "Một số người nghĩ rằng không có thời gian để tập thể dục. Thực tế, đây là một kiểu tự lừa dối bản thân". Anh cho biết mình làm việc lâm sàng 12 tiếng mỗi ngày, chưa kể các ca cấp cứu ngoài giờ, nghiên cứu và học tập thêm. Tuy nhiên, anh vẫn đều đặn chạy bộ từ 3 - 5 lần mỗi tuần, mỗi lần chạy khoảng 5 - 8km.
Không chỉ có mỗi quyết tâm, bác sĩ Lý còn học cách sắp xếp thời gian khoa học để tập luyện. Nếu không phải trực đêm, anh sẽ không thức khuya, luôn ngủ trước 12 giờ đêm. Sáng anh thức dậy vào 6h, sau đó chạy bộ 40 phút, đi bộ và vươn vai 20 phút rồi mới ăn sáng và tới bệnh viện vào 7h30 mà không lãng phí một phút nào.
Nếu bận vào buổi sáng, anh sẽ dời thời gian chạy bộ sang buổi tối. Anh cũng tham gia nhiều hội nhóm chạy bộ, các cuộc đua marathon nghiệp dư để nâng cao và lan tỏa tinh thần tập luyện. Nhờ vậy mà anh luôn khỏe mạnh, làm việc tốt và thấy tâm trạng tích cực hơn.
Hay như Trương Dũng - Phó trưởng khoa điều trị miễn dịch của Bệnh viện ung thư Hà Nam cũng là một người đam mê chạy bộ. Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm chạy bộ, 3 năm trở lại đây anh đam mê nâng tạ.
Trương Dũng nói: "Khi bạn kiên trì tập thể dục trong nhiều năm, ý thức kiểm soát và thành tích do kỷ luật bản thân mang lại có thể giúp bạn vượt qua khó khăn, nâng cao sự tự tin và hoàn thành tốt hơn mọi mặt trong công việc và học tập". Khoảng 2009 anh bắt đầu tập luyện, thường dậy từ 5h40 phút sáng, chạy 2,5km mỗi ngày trong tuần, cuối tuần thì nâng lên 5km, dù mưa hay nắng cũng không bị gián đoạn.
Do rất bận rộn với công việc nên anh chọn cách tranh thủ thời gian ngay tại nơi làm việc. Phòng trực được trang bị tạ, dây kháng lực và các thiết bị nhỏ gọn khác. Khi nào rảnh rỗi anh sẽ tranh thủ tập luyện, nhất là vào giờ nghỉ trưa. Nhờ đó anh có hệ miễn dịch tốt, ít ốm đau và nhanh hồi phục hơn. Cơ thể cũng săn chắc và có vóc dáng được nhiều người ngưỡng mộ.
Nói đến nam giới có thân hình đẹp thì ai cũng lấy cơ bụng làm tiêu chuẩn. Ở Bệnh viện ung thư Hà Nam, Phó trưởng khoa Ung thư vú Mao Quý Hân được mệnh danh là "nam thần cơ bụng".
Bác sĩ Mao cho biết, thể dục thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Suốt những năm đi học, anh luôn là chủ lực trong đội bóng của trường. Sau khi làm bác sĩ, công việc quá bận rộn và căng thẳng nhưng anh vẫn luôn tranh thủ thời gian vận động.
Anh đi lại nhiều hơn trong khi làm việc, nghỉ trưa hoặc khi trực ca đêm sẽ tập thể dục nhịp điệu, chống đẩy hoặc các bài tập ngắn cho toàn thân. Anh cũng cố gắng tập các bài rèn luyện cơ bắp tại phòng tập 2 lần mỗi tuần, cuối tuần hay vào ngày nghỉ sẽ chạy bộ hoặc đạp xe.
Đồng thời, bác sĩ Mao cũng rất chú ý đến ăn uống lành mạnh. Anh ăn ít ăn đồ béo, nhiều đường, nhiều calo mà thay vào đó là đồ ăn giàu protein, ít carb, bổ sung rau xanh và ngủ đủ giấc. Đó là lý do giúp anh trông chỉ như ngoài 20 tuổi dù đã ở tuổi 38. Anh chia sẻ: "Tập thể dục không chỉ giúp tôi có thể hình, vóc dáng đẹp mà còn mang lại cho tôi nguồn năng lượng tốt để hoàn thành công việc khám chữa bệnh bận rộn và phục vụ bệnh nhân tốt hơn".
Tập thể dục không chỉ giúp bạn khỏe đẹp mà còn chống lại ung thư
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế vào tháng 2 năm 2022 cho thấy, những người tập thể dục vài lần mỗi tuần có tỷ lệ mắc ít nhất 13 loại ung thư thấp hơn đáng kể. Ví dụ như chỉ cần tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng hay đạp xe trong nhà cũng giúp cơ thể giải phóng nhiều phân tử chống ung thư hơn. Phổ biến như interleukins-6 (IL- 6) - phân tử hoạt động trên các tế bào bất thường, thúc đẩy quá trình sửa chữa DNA và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Vào năm 2016, một nghiên cứu liên quan đến 1,44 triệu người ở Châu Âu và Hoa Kỳ được công bố trên Tạp chí Nội khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã tính toán mối quan hệ giữa tập thể dục và nguy cơ mắc 26 loại ung thư khác nhau. Kết luận rằng những người tập thể dục trong một thời gian dài có thể giảm từ 7 - 42% nguy cơ mắc 13 loại ung thư tùy cường độ tập luyện. Đến 2019, các nhà khoa học bổ sung báo cáo cho thấy con số này với một số bệnh ung thư khác lên đến 69%.
Bác sĩ Trần Tiểu Bình, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Ung thư tổng của Bệnh viện ung thư Hà Nam cho biết, tập thể dục không chỉ ngăn ngừa mà còn hỗ trợ điều trị ung thư. Tuy nhiên, cần phải xây dựng chế độ tập luyện vừa phải, phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng khuyến cáo bệnh nhân sau điều trị ung thư nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. Bao gồm ít nhất hai ngày tập luyện sức mạnh.
Bác sĩ Trần nhắc nhở thêm, bất cứ ai cũng có thể tập thể dục nếu như không suy nghĩ quá nặng nề về nó. Ví dụ như bạn có thể tập luyện 10 phút mỗi ngày trong thời gian đầu, sau đó nâng dần lên trên 30 phút. Nếu quá bận rộn, bạn có thể chia đôi thời gian tập làm 2 lần mỗi ngày. Cũng có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa ngay tại văn phòng, nơi làm việc hoặc đi lại, giãn cơ thường xuyên khi làm việc.
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline, Cancer123