Ban quản lý, các nhà thầu dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất bị phê bình
Trong công văn gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phê bình nghiêm khắc đơn vị này cùng các nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất.
Cụ thể: Bộ Giao thông vận tải phê bình:
- Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thay mặt Bộ Giao thông vận tải làm đại diện chủ đầu tư dự án) đã không quyết liệt tổ chức, đôn đốc các nhà thầu, thường xuyên để công trình bị chậm tiến độ.
- Nhà thầu xây lắp - Cienco 4 - do thường xuyên chậm tiến độ, không bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc để thực hiện công việc theo đúng hợp đồng.
- Nhà thầu tư vấn thiết kế - Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) - vì không chủ động phối hợp với nhà khai thác trong việc hoàn chỉnh quy trình bảo trì, không cử cán bộ có trình độ có mặt thường xuyên trên công trường để phối hợp với các bên trong việc chỉnh sửa hồ sơ thiết kế, đặc biệt là hồ sơ thiết kế phần điện, hồ sơ thiết kế có nhiều sai sót, dẫn đến phải chỉnh sửa rất nhiều lần, chậm trễ trong việc có ý kiến về đài chỉ góc hạ cánh đầu đường băng 07R và chỉnh sửa hồ sơ thiết kế phần điện, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
- Nhà thầu tư vấn thiết kế - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - do không cử lãnh đạo tham gia cuộc họp do Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chủ trì.
Để khai thác trở lại 2 đường băng Tân Sơn Nhất trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chủ động chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị để đảm bảo hoàn thành công tác xây dựng, kéo rải cáp, đấu nối thiết bị, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại trong quá trình kiểm tra hiện trường của các bên liên quan; tổ chức nghiệm thu các hạng mục công trình có liên quan, đưa 2 đường băng vào khai thác trước ngày 25-4-2022.
Với các đường lăn, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát để hoàn thiện cao độ tiếp giáp giữa lề vật liệu và dải bảo hiểm; độ bằng phẳng và độ chặt của dải bảo hiểm; hoàn thiện hệ thống sơn kẻ tín hiệu; cao độ địa thế tại các vị trí bụng đường lăn và tại các điểm đổi hướng để đảm bảo thoát nước trong quá trình khai thác.
Tư vấn thiết kế khẩn trương làm việc với nhà thầu cung cấp thiết bị, có ý kiến chính thức đối với ảnh hưởng của đường lăn S7-S9 đối với đài chỉ góc hạ cánh đầu đường băng 07, đảm bảo khai thác hiệu quả đường băng 25L/07R trong trường hợp máy bay hạ cánh đầu 07R; khẩn trương rà soát hồ sơ thiết kế điện của dự án, tránh phát sinh, điều chỉnh trong quá trình triển khai…
Yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu cung cấp thiết bị, rà soát cụ thể quá trình triển khai; tính an toàn, hiệu quả phương án sử dụng phần mềm cũ để đưa dự án vào khai thác khi chưa có phần mềm điều khiển mới, nhà thầu Khánh Thiện chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với sân bay Tân Sơn Nhất đối với nội dung cung cấp thiết bị dự phòng trong thời gian bảo hành công trình…
Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và pháp luật đối với chất lượng và tiến độ của dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất khởi công từ ngày 1-7-2020, có tiến độ hoàn thành trước ngày 30-4-2022. Hạng mục đường băng đã thi công xong, đưa vào khai thác.
Từ ngày 16-3 đến ngày 29-4-2022 dự án tiếp tục thi công lề, khu vực hạn chế khai thác của 6 đường lăn nên phải sử dụng đường băng 25L/07R làm đường lăn tạm thời. Vì vậy, từ ngày 16-3 đến 29-4-2022 sân bay Tân Sơn Nhất chỉ khai thác 1 đường băng.
Nếu lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất tăng lên 60.000 người, cần khoảng 9.000 lượt taxi. Với số lượng taxi đang đăng ký hoạt động hiện tại, sân bay này dự kiến thiếu khoảng 1.100 lượt xe phục vụ hành khách.