Bán phân lãi đỉnh cao như Đạm Phú Mỹ: Quý 1/2022 lãi gấp 12 lần cùng kỳ, dự báo quý 2, quý 3 lãi tăng 60-70%
Về tăng trưởng so với cùng kỳ, SSI dự báo doanh nghiệp chiếm 35% thị phần ure trong nước có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 60-70% trong quý 2 và quý 3, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể là con số âm trong quý 4/2022.
Đạm Phú Mỹ đã có một năm 2021 ấm no với những kết quả kinh doanh ấn tượng. Doanh thu thuần năm 2021 đạt 12.786 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng cán mốc 3.171 tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm 2020.
Không chỉ dừng lại ở đó, quý 1 năm 2022 lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ tiếp tục lập kỷ lục lịch sử ở mức 2.126 tỷ đồng, gấp 12 so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty lãi bộn luôn luôn là tin vui cho các cổ đông.
Nguyên nhân chính mang lại kết quả kinh doanh ấn tượng của Đạm Phú Mỹ trong năm 2021 đến từ diễn biến giá phân bón thế giới lên cao, kéo theo giá trong nước cũng tăng mạnh.
Báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán SSI nêu ra 4 nguyên nhân khiên giá ure tăng mạnh bao gồm:
Thứ nhất, giá chi phí đầu vào tăng lên (khí đốt tự nhiên và than đá).
Thứ hai, do các biện pháp giảm thiểu cacbon của Trung Quốc buộc các công ty sản xuất urê ở Trung Quốc cắt giảm sản lượng.
Thứ 3 là lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 trong khi quốc gia này chiếm 54% tổng sản lượng phân bón được sản xuất ra tại châu Á.
Cuối cùng là những động thái hạn chế xuất khẩu của Nga thông qua việc áp mức hạn ngạch 5,9 triệu tấn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022). Hơn nữa, hoạt động vận chuyển và thanh toán quốc tế liên quan đến Nga đã bị dừng lại, buộc chính phủ Nga phải thông báo cho các nhà sản xuất urê của Nga ngừng hoạt động xuất khẩu từ đầu tháng 3/2022. Điều này đã đẩy giá urê đạt đỉnh trong tháng 3. Do hoạt động vận tải và thanh toán quốc tế liên quan đến Nga được nối lại, cùng với việc giá nguyên liệu urê điều chỉnh, nên giá urê đã giảm từ tháng 4/2022.
SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 của DPM đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) và năm 2023 đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ).
Sau khi giá cổ phiếu lập đỉnh hồi tháng 4 lên gần 70.000 đồng, DPM cùng DCM và BFC liên tục giảm sâu. Một yếu tố được đánh giá có thể tác động đến diễn biến cổ phiếu ngành phân bón đến từ thông tin Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Tuy nhiên, phản hồi về thông tin dự thảo thuế xuất khẩu, đại diện phía DPM cho biết: "Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty".
Mộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế