Bạn nhận lại gì sau khi “chịu thiệt”?
Nhìn theo một hướng khác, "chịu thiệt" lại chính là tích lũy lợi ích bền vững, lâu dài. Vì sao vậy?
Mọi người đều hi vọng cuộc sống của họ trọn vẹn, thành công ngay lập tức, nhưng thực tế thì sao? Nơi làm việc không phải là nơi để vui chơi, cũng sẽ có rất nhiều chuyện không vừa ý, cuộc sống sẽ không thể màu hồng như mơ ước của tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhìn theo một hướng khác, “chịu thiệt” lại chính là tích lũy “kho báu” về lâu dài. Vì sao vậy?
Có một câu nói của người xưa: “Chịu thiệt là phúc” . Bởi vì chịu thiệt không nhất thiết là mất mát, mà có khi ngược lại là một loại đạt được, chính là trưởng thành và kinh nghiệm. Ví như nói, nếu cho bạn cả núi bạc núi vàng thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ tiêu xài hết, nhưng kinh nghiệm và năng lực lại là thứ ở trong con người bạn, ai cũng không thể lấy đi được, phải không?
Những bạn trẻ mới đặt chân vào xã hội sẽ chịu 3 loại “thiệt”, chẳng những không phải là chuyện xấu, thậm chí có thể trở thành vốn liếng để bạn có được hạnh phúc và thành công trong tương lai.
Có được kinh nghiệm từ sự bắt nạt
Có nhiều bạn trẻ tại nơi làm việc, sẽ luôn được nhắc nhở “có năng lực thì cần làm nhiều hơn”, “người trẻ nên rèn luyện mài giũa nhiều hơn”. Những bạn trẻ này chẳng những phải hoàn thành tốt công việc của bản thân, có lúc còn phải tăng ca để làm làm nhiều việc cho đồng nghiệp. Đây là tình huống thường xuyên xảy ra tại nơi công sở.
Có một số quy tắc bất thành văn khiến người mới trở thành người bị bắt nạt và chèn ép. Một số “tiền bối” thích đẩy nhiều việc cho người mới làm, từ sao chép, thiết kế đến in tài liệu, thậm chí là dọn dẹp văn phòng, còn bản thân thì làm những chuyện linh tinh. Họ thường nói với người mới: “Bạn là người nhanh nhẹn, có năng lực, có triển vọng, nên làm đi”.
Trước những bất công như vậy, có người ủy khuất oán hận, có người lựa chọn “cuốn gói” ra đi, từ chức không làm.
Nhưng có người lại không như vậy, thay vào đó, họ sẽ dụng tâm hoàn thành tất cả công việc nằm ngoài bổn phận và trách nhiệm của mình. Có phải những người này là “kẻ ngốc” không? Tại sao họ lại cam tâm tình nguyện “chịu thiệt” như vậy?
Kết quả là, ban đầu họ chỉ là những nhân viên nhỏ bé trong công ty, nhưng họ không ngừng tích lũy kinh nghiệm và năng lực của bản thân trong quá trình này, và chúng trở thành nền tảng của sự nghiệp tương lai của họ.
Có nhiều người bỗng nhiên thành công trong sự nghiệp chính là kiểu người này. Họ khiến những người xung quanh kinh ngạc, không hiểu tại sao họ lại thăng tiến nhanh như vậy? Nhưng ai có thể thực sự thấy được những ủy khuất mà họ nhẫn chịu và những nỗ lực âm thầm phía sau của họ? Cho nên, những người này không phải ngốc, họ mới là người có tầm nhìn.
Có được tình yêu chân tính từ tình cảm tan vỡ
Trong thời đại tự do yêu đương, những người đồng nghiệp chung chỗ làm có cơ hội trở thành người yêu. Tình yêu ở nơi công sở khá nhạy cảm, khi hai người làm chung sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhau, sớm chiều bên nhau, cả hai sẽ trở nên thân thiết, ngưỡng mộ lẫn nhau là điều tự nhiên.
Chỉ là, lòng người vốn phức tạp, nơi làm việc cũng gặp nhiều sóng gió, áp lực căng thẳng, nhiều bạn trẻ sẽ không giữ được cân bằng giữa công việc và cá nhân. Do đó trong chuyện tình cảm sẽ gặp những va vấp, thất bại. Nhiều mối quan hệ ở nơi công sở vì vậy mà không thể tiến đến hôn nhân.
Khi chuyện tình cảm thất bại, đặc biệt là nơi công sở, thì bởi vì vẫn còn có rất nhiều mối liên hệ trong công việc giữa hai người, nên sẽ không thể tránh được việc tiếp xúc hằng ngày, có khi còn bị người khác chỉ trỏ bàn tán sau lưng. Điều này quả thực rất khó chịu, có những người sẽ buông xuôi bản thân, phát tiết cảm xúc, bao nhiêu cảm xúc biểu lộ hết ra ngoài, hiệu quả công việc vì thế mà chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cũng có người có thể buông bỏ được chuyện tình cảm, sau khi trải qua nỗi đau, họ trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn. Họ thông qua những mất mát về tình cảm mà đúc kết được kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời không ngừng hoàn thiện và làm bản thân trở nên tốt hơn.
Chính động lực từ những trải nghiệm thất bại này khiến họ trưởng thành, vững vàng, biết trân trọng tình cảm hơn, từ đó có thể tìm được người bạn đời đích thực của mình.
Có được sự kiên cường từ sự ủy khuất
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp những chuyện vô cớ bị người khác hãm hại và phải chịu oan uổng. Đây là sự ủy khuất khó thổ lộ nhất, có nỗi khổ mà không thể nói nên lời.
Đặc biệt là những nhân viên mới tại nơi làm việc, có lúc không biết chuyện gì mà bỗng nhiên bị chụp mũ, trở thành bia đỡ đạn cho người khác. Phổ biến nhất là có công thì người khác giành mất, có vấn đề thì đổ hết trách nhiệm cho mình. Đôi khi, điều đau đớn nhất là họ bị hãm hại bởi những người mà họ tin tưởng nhất.
Mặc dù những điều này thật đau thương, nhưng chúng không hoàn toàn xấu. Có nhiều người một khi đã trải qua chuyện như vậy, họ sẽ thấy rõ rằng rất khó để mang theo tình cảm cá nhân ở nơi làm việc. Điều này sẽ nhắc nhở họ đối xử với người khác sau này, có sự phân biệt rõ ràng giữa công và tư, nội tâm của họ sẽ thường xuyên được tôi luyện ngày càng mạnh mẽ hơn. Và đối với một số người có ý định xấu, họ cũng có thể chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ứng phó.
Trong cuộc sống không thể thiếu sự tương tác qua lại giữa người với người. Trong quá trình này, dù bạn là ai thì cũng sẽ gặp phải những thiệt thòi và ủy khuất. Nhưng chúng có thể là kho báu vô giá để bạn thăng tiến trong tương lai, những tài sản vô hình này còn quý hơn cả núi vàng biển bạc.
Hãy nhớ rằng: “Điều gì người khác nợ bạn, Ông Trời sẽ trả lại cho bạn”. Tất cả những thứ đã mất vì chịu thiệt thòi cuối cùng sẽ quay trở lại theo một cách khác.
Thư Hòa, Vision Times
Trí tuệ của cổ nhân: Chịu thiệt là phúc
Trong lý niệm của cổ nhân có khái niệm “tích đức”, “tích phúc”. Để tích được đức thì ngoài hành thiện ra còn có chịu thiệt, nhún nhường.