Bán nhà "tháo chạy" khỏi những cung đường bị kẹt cứng
Cảnh tắc đường đến “ngột thở”, đặc biệt khi trời mưa tại một số cung đường khiến người dân tỏ ra ngán ngẩm. Do đó, nhiều người sở hữu nhà tại những khu vực này đang “tháo chạy” tới những nơi thông thoáng hơn.
Hiện nay, nhiều căn nhà tại Hà Nội trên tuyến đường Lê Văn Lương, Ngã Tư Sở, Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân), Tố Hữu (Hà Đông),... đang được rao bán nhằm “tháo chạy” khỏi các tuyến đường “kẹt cứng” ở trung tâm.
Mới đây, anh Nguyễn Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bán thành công căn hộ mua cách đây gần 3 năm với mức giá hơn 3 tỷ đồng. Theo anh Tâm chia sẻ, khi mua căn hộ này anh chỉ tính vì gần chỗ làm của hai vợ chồng, lại là khu trung tâm, giao thông thuận tiện,...
Tuy nhiên, sau đó vợ chồng anh lại cảm thấy mệt mỏi với quyết định mua nhà tại khu vực này. “Thời điểm xuống tiền mua là cách đây khoảng 4 năm, vợ chồng tôi mới chuyển về đây ở được gần 3 năm khi được bàn giao căn hộ. Thời điểm xuống tiền mua các tuyến đường ở khu vực này vẫn khá dễ thở, đông người đi lại nhưng vẫn có thể di chuyển được. Sau này, người dân đổ về đây ở và các văn phòng hoạt động ở khu vực này ngày càng nhiều”, anh Tâm nói.
Theo anh Tâm, gia đình anh di chuyển chủ yếu bằng ô tô, mỗi sáng khi đi làm mới chỉ ra đến đường đã gặp cảnh tắc đứng. Đặc biệt là những ngày trời mưa, dù đã đến cửa tòa nhà chung cư nhưng cũng không thể rẽ sang đường đi vào trong vì đường tắc đến “ngột thở”.
Không thể chịu thêm cảnh sống chen chúc ở khu vực này, đến đầu năm 2022, anh Tâm bắt đầu tìm kiếm mua nhà ra xa khu vực trung tâm. Đồng thời, anh cũng rao bán căn nhà đang ở, nhưng chật vật mãi tới tháng 5 vừa qua mới có khách mua.
“Thời điểm mua là hơn 3 tỷ đồng, sau đó tôi cũng chỉ bán lại được bằng giá trước đó, còn tiền làm nội thất coi như lỗ. Giờ tôi cũng đã mua nhà được ở vùng ven và đã chuyển vào ở, tôi thấy ở đây bớt đông đúc và thoải mái hơn. Cùng đó, nơi tôi ở cũng có khuân viên để đi dạo và cho các con chơi”, người này nói.
Đồng cảnh ngộ, gia đình anh Dương Văn Cường cũng đang rao bán căn hộ tại đường Tố Hữu. Theo anh cho biết, cách đây khoảng 4 năm, cung đường này rất thông thoáng, dù giờ tan sở có đông đúc hơn nhưng vẫn có thể di chuyển được.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây cung đường này càng trở nên đông đúc, lượng ô tô di chuyển nhiều. Do đó, mỗi khi tắc đường gần như kẹt cứng. “Trước kia tôi di chuyển bằng ô tô từ nhà tới công ty tại khu vực đường Dương Đình Nghệ chỉ mất khoảng 15 phút. Tuy nhiên, về sau đường càng tắc thời gian di chuyển có những ngày lên tới 30 - 45 phút, trời mưa thì coi như đứng chân. Đặc biệt, từ thời điểm hầm chui từ Tố Hữu sang Lê Văn Lương bắt đầu xây dựng thì cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên hơn. Vợ chồng quyết định rao bán chung cư để mua ở những khu vực bớt tắc đường lại vì đã quá mệt mỏi”, anh Cường than thở.
Theo anh Vũ Thanh Tùng - Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, mấy năm gần đây, số lượng người bán căn hộ tại trung tâm, đặc biệt những nơi thường xuyên xảy ra tắc đường như Lê Văn Lương, Ngã Tư Sở, Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân), Tố Hữu (Hà Đông), Cầu Giấy,... để chuyển nhà ra vùng lân cận càng nhiều.
“Sau khoảng thời gian làm việc mệt mỏi, thường người ta muốn về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, gặp cảnh tắc đường khiến nhiều người đang sở hữu nhà trong trung tâm càng ngán ngẩm, cá biệt một số nơi còn xảy ra hiện tượng cứ mưa là ngập”, anh Tùng nói.
Theo người môi giới này, người mua chung cư thường muốn được sử dụng các tiện ích công cộng đi kèm, nhưng trung tâm quỹ đất hạn hẹp các tiện ích càng ngày bị cắt bớt đi nhiều. Trong khi đó, giá nhà trung tâm có những nơi cao gấp 2 lần vùng ven, với số tiền bán nhà đó họ có thể lựa chọn một căn hộ có diện tích rộng hơn.
Bên cạnh đó, các khu đô thị xa trung tâm ngày càng được quy hoạch, đầu tư bài bản, nhiều tiện ích đi kèm khiến người sở hữu cảm thấy “đáng sống” hơn ở những nơi đông đúc hít khói bụi và ngửi mùi xăng xe.