Bán mạng trên cung đường tắc nhất hành tinh vì thứ hàng hoá mang tới 'tương lai xanh' cho nhân loại

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 19:44:59

Để đến được tay khách hàng, thứ hàng hoá quý giá này phải trải qua một hành trình dài và đầy rẫy nguy hiểm trên những con đường châu Phi.


Hành trình... như đi trên mặt trăng

Để lái một chiếc xe tải chở đồng ra khỏi châu Phi và đến tay người mua, Chanda Kulungika phải trải mắc kẹt 1 tuần ở một trong những nơi tắc đường dài nhất thế giới.

Người đàn ông trẻ len lỏi qua hàng xe tải dài gần 50km, đẩy nhưng chiếc xe đạp chất đầy nước ngọt, đồ ăn nhẹ và than củi. Vào ban đêm, Kulungika ngủ trong cabin xe nhưng vẫn thấp thỏm canh những tên trộm rình ăn cắp xăng hoặc các khoáng sản quý trên xe.

Những con đường từ mỏ đồng ở Congo và Zambia đến các cảng.

Đây chính là khung cảnh tại biên giới giữa Cộng hoà Dân chủ Congo và Zambia, nơi âm thanh của động cơ và mùi chua của lưu huỳnh nồng nặc trong không khí. Với cảnh tượng như vậy, nơi đây dường như khó trở thành tiền tuyến cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khu vực này cũng quan trọng không kém những trang trại điện gió hoặc nhà máy sản xuất xe điện. Bởi vì từ các cơ quan như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho đến các tỷ phú như Elon Musk đều cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt kim loại như đồng có thể cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng.

Hoạt động sản xuất ở khu vực này đang bùng nổ. Đây là nơi cung cấp 2/3 lượng coban trên thế giới và chiếm hơn 80% tăng trưởng sản lượng đồng toàn cầu trong 3 năm qua.

Nhưng kim loại của châu Phi sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai nếu các xe tải không thể chở hàng đi.

Một tài xế chuẩn bị bữa ăn ven đường chờ qua biên giới Congo – Zambia. Ảnh: Bloomberg.

Hành trình hơn 3.000km từ các mỏ ở Congo và Zambia đến các cảng tắc nghẽn đến mức có thể mất cả tháng di chuyển.

Những chuyến xe dọc theo tuyến đường ven biển cho thấy cách “cơn đói đồng” của thế giới đang định hình lại khu vực. Nhưng nó cũng nêu bật những khó khăn trong quá trình điện khí hoá thế giới. Những thách thức về logistic có thể làm hạn chế việc đưa đồng và coban ra thị trường toàn cầu.

Con đường qua Congo và Zambia giống bề mặt mặt trăng hơn là một cao tốc. Những đoạn đường thiếu nhựa và đất biến thành vũng lầy sau mưa. Chỗ còn nhựa đường thì lốp xe tải đang khoét những rãnh sâu.

Các tài xế như anh Chanda Kulungika bắt đầu đi từ đồn biên giới Kasumbalesa ở trung tâm Copperbelt ở Trung Phi, một vùng khai thác rộng lớn trải dài từ miền nam Congo đến miền bắc Zambia.

Đó là một khu vực mà nhiều công ty khai thác quốc tế đã tránh trong nhiều năm, nhưng hiện tại sản xuất đang bùng nổ khi các quốc gia khai thác chủ chốt khác đang giảm sản lượng.

Sản lượng đồng của Congo đã tăng gấp 3 lần trong thế kỷ qua và còn có thể tăng hơn nữa. Theo Darton Commodities, Congo dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 79% vào năm 2025 so với năm 2020.

Zambia cũng có những kế hoạch mở rộng đầy tham vọng. Theo nhà phân tích nguồn cung đồng Adma Khan tại CRU Group, khu vực này có thể tăng thêm gần 1 triệu tấn sản lượng đồng hàng năm trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Tài chính Zambia Situmbeko Musokotwane nói rằng: “Đồng là thứ dầu mới. Đây là cơ hội rất tốt cho chúng tôi. Không còn nghi ngờ gì, đồng là thứ cần thiết trong khu vực. Thế giới cần tăng gấp đôi nguồn cung của thứ mà S&P Global gọi là ‘kim loại điện khí hoá’ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Giám đốc Benedikt Sobotka của Eurasian Resources Group cho biết sự chuyển đổi năng lượng xanh là đơn đặt hàng lớn nhất đối với ngành hàng hoá.


Có những chuyến hàng không đến được cảng

Chắc hẳn, logistic không phải là trở ngại duy nhất. Tham nhũng và tranh chấp là những vấn đề phổ biến. Các hoạt động khác lại gặp khó khăn về kỹ thuật. Mufulira thuộc tỉnh Copperbelt của Zambia là một trong những mỏ đồng lâu đời nhất thế giới. Khu mỏ này cần hút lượng nước tương đương 47 bể bơi tiêu chuẩn Olympic mỗi ngày nếu không sẽ có nguy cơ ngập lụt.

Trên mặt đất, quặng được nghiền nhỏ, xử lý và tinh chế thành các tấm được gọi là cathode có độ tinh khiết 99,99%. Chúng sẽ được chất lên xe tải và bắt đầu hành trình gập ghềnh để đến được cảng biển và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hầm Henderson nằm 1.500m dưới mặt đất ở Mufulira là mộ trong những mỏ mới nhất. Ảnh: Bloomberg.

Những tấm đồng thành phẩm sẵn sàng chuyển đến cảng Dar es Salaam ở Tanzania. Ảnh: Bloomberg.

Dọc theo những con đường cao tốc, hai làn xe bận rộn với những xe chở kim loại đi về phía nam. Trong khi các nhà khai thác phải vận chuyển mọi thứ từ thực phẩm, dầu diesel đến những tấm thép.

Có thể mất đến 2 tuần mới có thể rời khỏi Congo và đến Zambia. Khoảng giữa năm, những đoàn xe xếp hàng dài tới gần 50km. Theo một công ty khai thác lớn, thời gian vận chuyển lý tưởng là 8 ngày. Nhưng từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, các tài xế mất 35 ngày để chở hàng từ mỏ ở miền nam Congo đến các cảng phía nam châu Phi.

Vào tháng 10, hàng hoá lại tắc nghẽn vì các tài xế yêu cầu cải thiện an ninh trên đường cao tốc Congo và từ chối nhập cảnh vào quốc gia này. Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema đã phải gọi cho người đồng cấp của ông ở Congo để cải thiện các điều kiện, giúp các tài xế đồng ý tiếp tục thực hiện công việc.

Theo số liệu thống kê tội phạm chính thức, tại Nam Phi, các vụ cướp xe tải đã tăng 1/3 trong 3 tháng đầu năm. Cảnh sát không nói rõ có bao nhiêu xe trong số đó là xe chở đồng, nhưng kim loại trở thành mục tiêu kiếm lời. Một thùng hàng kim loại có thể bán với giá 340.000 USD.

Công việc trở nên nguy hiểm đến mức hầu hết các công ty logistic chỉ cho phép tài xế của họ di chuyển khi có đoàn xe an ninh hộ tống đi qua Nam Phi. Theo một nhà sản xuất từng bị cướp 6 xe tải vào năm ngoái, coban cũng trở thành mục tiêu của những tên trộm. Những người lái xe tải cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình bạo lực thường xuyên xảy ra dọc các đường cao tốc của Nam Phi. Do đó, chi phí bảo hiểm đã tăng vọt.

Hành trình hơn 3.000km từ các mỏ ở Congo và Zambia đến các cảng bị tắc nghẽn. Ảnh: Bloomberg.

Con đường giống bề mặt mặt trăng hơn là đường cao tốc. Ảnh: Bloomberg.

Cảng Duran vẫn đang phục hồi sau trận lũ hồi tháng 4 gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Bloomberg.

Khi xe đến được cảng Duran, công việc của các tài xế kết thúc, nhưng vấn đề về logistic thì không. Cảng Duran đang phục hồi sau trận lũ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng trước đó, cảng này được xếp hạng là một trong những cảng biển kém hiệu quả nhất thế giới.

Đối với những người khai thác và buôn bán đồng, sự chậm trễ là một vấn đề nhức nhối. Nhiều đơn vị đi những tuyến đường khác như qua Namibia, Tanzania và Mozambique, để tránh tắc đường và nguy hiểm.

Chính phủ Congo và Zambia đang cố gắng giải quyết vấn đề. Vào tháng 6, họ đã đồng ý mở các đồn biên phòng 24/24 giữa hai nước, mặc dù chưa có thông tin rõ ràng về thời điểm thực hiện.

Đối với các tài xế lái xe tải, vấn đề tắc đường, nguy hiểm… gây nên căng thẳng kéo dài. Tài xế Josiphat Phiri, người lái xe tại khu vực này từ năm 2000, cho biết: “Các tài xế xe tải phải chịu đựng rất nhiều. Hiện rất khó để vận chuyển đồng. Bạn chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi hàng được dỡ xuống. Chừng nào trên xe còn có đồng, bạn biết mọi thứ không an toàn”.


Theo Bloomberg

Chia sẻ Facebook