Ban Kinh tế T.Ư: Lao động Việt ở nước ngoài gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm
Ban Kinh tế Trung ương công bố thu nhập người lao động ở nước ngoài bình quân 200 triệu đồng/năm, bình quân gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm…
Các con số thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài bình quân 200 triệu đồng/người/năm, bình quân lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm… do Ban Kinh tế Trung ương công bố khi tổng kết 10 năm “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI, Ban Kinh tế Trung ương cho biết tính đến năm 2022, Việt Nam có 451 tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Con số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tăng từ 9 thị trường năm 2013 lên 25 thị trường; đưa hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước năm 2012, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.
Thu nhập người lao động Việt làm việc ở nước ngoài bình quân 200 triệu đồng người/năm. Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị.
“Hằng năm, số ngoại tệ mà người lao động và chuyên gia gửi về nước không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước” – theo báo cáo tổng kết.
Những hạn chế được nêu ra như chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp; chất lượng lao động tuy đã tăng nhưng chưa cao và đồng đều; tỷ lệ lao động có tay nghề thấp, chưa nhiều lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài…
Lý do là công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài.
Một tồn tại khác là thị trường trong nước chưa khai thác và sử dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính của lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài khi về nước…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu.
Theo ông Dung, trong 10 năm qua, mỗi năm tạo việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động trong và ngoài nước, số lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10% số này. Từ năm 2016 đến nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng từ khoảng 40.000 cho đến năm cao nhất khoảng 120.000 vào năm 2019. Đến năm 2020-2021, do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) nên con số này giảm xuống, hiện tăng trở lại, ước tính đạt khoảng 80.000 lao động vào năm 2022.
Nhiều tỉnh thành đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương, đóng góp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Các báo cáo của truyền thông nhà nước không nêu rõ con số hoặc tỷ trọng của thu nhập do lao động ở nước ngoài gửi về trong tổng ngân sách địa phương.
Về nước thì nghèo nên l ao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp?
Trung tuần tháng 8, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho hay hiện còn 8 địa phương thuộc 4 tỉnh bị Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động, gồm: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Con số 8 huyện bị tạm dừng tiếp nhận lao động trong năm 2022 là đã giảm từ 20 huyện vào năm 2018. Vào giai đoạn 2016-2017, Việt Nam có tới 20 tỉnh bị từ chối tiếp nhận lao động (khoảng 40-50 huyện).
Tại một hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 16/8, ông Lê Đình Tùng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho hay Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đông nhất nước, hơn 32.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác.
Tại thị trường Hàn Quốc, theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), số lao động của Thanh Hóa làm việc và cư trú bất hợp pháp tính đến ngày 30/6/2022 là 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại đây, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Nói về điều này, ông Tùng giải thích do sự chênh lệch thu nhập của làm việc ở nước ngoài so với làm việc trong nước rất lớn nên nhiều lao động vì lợi ích trước mắt tìm mọi cách để ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.
Nguyễn Quân
Năng suất lao động Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia Năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan