Băn khoăn 2 chữ “trách nhiệm” trong vụ án “gây thất thoát lãng phí” ở Phú Yên
Ông Nguyễn Chí Hiến - cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Kết quả phiên tòa khiến nhiều người băn khoăn, nhất là hai chữ “trách nhiệm”.
Những điều băn khoăn
Cùng hầu tòa về tội danh trên còn có các bị cáo Nguyễn Thị Nở, 58 tuổi, cựu Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính tỉnh Phú Yên; Mai Hắc Lợi, 60 tuổi, cựu Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên; Nguyễn Ngọc Duy, 46 tuổi, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên và Ngô Quang Phú, 42 tuổi, cựu Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên.
HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Chí Hiến mức án 6 năm tù; Mai Hắc Lợi 5 năm tù; Nguyễn Ngọc Duy 4 năm tù và Nguyễn Thị Nở 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Ngô Quang Phú được miễn hình phạt tù do có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên các bị cáo phải khắc phục hậu quả thiệt hại hơn 8 tỷ đồng cho UBND tỉnh Phú Yên. Cho đến nay số tiền còn phải khắc phục là dưới 2 tỷ đồng.
Kết quả phiên tòa khiến nhiều người băn khoăn, nhất là hai chữ “trách nhiệm”. Các luật sư bào chữa cho rằng nguyên nhân khiến các bị cáo phạm tội là vì tình thế cấp thiết phải trả nợ ngân sách, dù khoản nợ này phát sinh từ trước đó hàng chục năm và chẳng liên quan gì đến các bị cáo. Vì không còn sự lựa chọn nào khác nên HĐND tỉnh đã họp và ban hành Nghị quyết chỉ đạo UBND tỉnh phải thi hành. Để chắc chắn việc thực hiện Nghị quyết của HĐND là đúng đắn, UBND tỉnh còn gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những người biết rõ món nợ với ngân sách đã họp bàn và chấp thuận chủ trương theo nội dung đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên.
Điều đó thể hiện ở các bút lục có trong hồ sơ đồng thời là văn bản pháp lý ngày 02/12/2016 của Ban Thường trực Tỉnh ủy ban hành kết luận số 75- KL/TU do Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND Huỳnh Tấn Việt ký về Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá QSDĐ khu đô thị Nam Tp.Tuy Hòa.
Đây là văn bản quan trọng, có ý nghĩa quyết định khi chấp thuận chủ trương cho phép UBND tỉnh Phú Yên thực hiện phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Nam Tp.Tuy Hòa.
Theo các luật sư, để làm rõ điều này, Cơ quan CSĐT phải triệu tập, lấy lời khai của các Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Phú Yên cũng như Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015- 2020. Việc không lấy lời khai, thu thập chứng cứ quan trọng này đã không làm rõ được sự thật khách quan của vụ án dẫn đến việc không thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết để chứng minh sự phạm tội của các bị cáo, dẫn đến việc có thể bỏ lọt tội phạm (nếu xác định có dấu hiệu tội phạm)…
Ngày 2/12/2016, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã ký văn bản kết luận đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá. Sau khi có đầy đủ thủ tục, dự án được đấu giá công khai và đã chọn được nhà đầu tư, tỉnh Phú Yên cũng có tiền trả nợ Kho bạc Trung ương.
Cũng cần nhắc lại rằng, khi dự án được nhà đầu tư triển khai, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ như: Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các cơ quan này cũng chỉ yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm điểm trách nhiệm về cách làm chưa có tiền lệ này. Nhưng chưa có cơ quan nào yêu cầu phải thu hồi khoản tiền mà khi đấu giá đã ưu đãi nhà đầu tư. Nếu có sai sót gây thất thoát ngân sách Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến thu hồi từ thời điểm năm 2019 rồi!
Cũng bởi thế, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã họp, ra kết luận số 323 ngày 23/8/2019, ghi rõ:… “thống nhất thôi xem xét xử lý trách nhiệm” vì “những khuyết điểm, vi phạm này chủ yếu xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chung, mong muốn nhanh chóng thu hút được nhiều nhà đầu tư… chưa phát hiện động cơ vụ lợi cá nhân”.
Khi vụ án bị khởi tố, trong những lá đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng, ông Nguyễn Chí Hiến khẳng định phương án đấu giá quyền sử dụng đất của dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa là kết quả của tập thể Ban chấp hành Đảng bộ Phú Yên, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên và UBND tỉnh Phú Yên chứ không phải ý chí cá nhân của ông cũng như những người liên quan.
Kết quả của việc đấu giá đã đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Là người mẫn cán, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Phú Yên giao phó nhưng ông Hiến lại bị bắt giam hơn 7 tháng trời mới được tại ngoại do sức khỏe yếu do mắc bệnh tim nặng!
Tại phiên tòa, các luật sư đã khẩn thiết đề nghị việc triệu tập những người đã ban hành các văn bản có liên quan đến để đối chất nhưng HĐXX không chấp thuận.
Hình sự hóa các vi phạm hành chính?
Một vấn đề quan trọng nữa mà HĐXX đã “bỏ qua” đó là khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận rõ: “Không kiến nghị thu hồi hỗ trợ 5% trên tổng trị giá khu đất tương ứng 8.043 tỷ đồng”.
Ngày 04/8/2021, Cơ quan Kiểm toán lại có văn bản số 490/KTNN- CNII trả lời Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên với nội dung: Kết quả kiểm toán đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, Thủ Tướng Chính phủ với nội dung khẳng định Báo cáo kiểm toán và các Công văn có liên quan gửi tới UBND tỉnh Phú Yên là có căn cứ và phù hợp quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao nhất trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chấp hành pháp luật là Kiểm toán Nhà nước đã xác định không có thiệt hại và không kiến nghị thu hồi đối với số tiền đã hỗ trợ theo phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo dõi quá trình giải quyết vụ án, các luật sư bào chữa cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên đã hình sự hóa các vi phạm hành chính của các công chức xuất phát từ trình độ nhận thức pháp luật kém, thực hiện các giải pháp trong tình thế cấp thiết trong điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên không có lựa chọn khác và khung pháp luật chưa hoàn thiện đầy đủ và có sự thay đổi pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện.
Điều đáng nói là trước đó, TAND tỉnh Phú Yên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung trong đó có nội dung yêu cầu trưng cầu giám định đối với số tiền thiệt hại 8.043 tỷ đồng nhưng không được VKS chấp nhận mà không có bất kỳ sự giải trình, giải thích phù hợp nào .
Ngay sau phiên tòa, ông Nguyễn Chí Hiến đã có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 17,18,19/10/2022 của TAND tỉnh Phú Yên.
Trong đơn, ông Hiến viết: “Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, tập kết năm 1954; Bà nội là Mẹ Việt nam Anh hùng có 5 người con Liệt sỹ, có 1 cháu là Liệt sỹ Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ; Cha ruột là Liệt sỹ. Mẹ ruột, dì ruột là người có công với Cách mạng; Ông ngoại là cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954; Cha vợ tham gia Cách mạng năm 1964, từng được thưởng nhiều Huân, Huy chương.
Trong quá trình công tác, tôi luôn tận tâm vì công việc chung và mong muốn lớn nhất là xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành một tỉnh phát triển giàu về kinh tế, vững mạnh về an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; Tận lực công việc trong cơ quan quyền lực dân cử tại địa phương, tôi muốn phát huy trí tuệ tập thể trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh.
Tôi luôn ấp ủ mong muốn thay đổi diện mạo đô thị, xây dựng để thu hút đầu tư cũng như tạo tiền đề để Tp.Tuy Hòa quê hương phát triển bền vững, hài hòa và luôn có động lực phát triển trong tương lai.
Toàn bộ việc làm của tôi và các bị cáo làm việc trong các cơ quan chuyên môn nếu có lỗi do nhận thức, trình độ thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức chứ không phải là hành vi cố ý làm thất thoát tài sản nhà nước cũng như các hình thức kỷ luật khác theo quy định của Đảng”.
Hy vọng những lời “gan ruột” của ông Nguyễn Chí Hiến sẽ được cấp phúc thẩm xem xét kỹ càng để đưa ra một phán quyết khiến ai cũng phải “tâm phục, khẩu phục”!
Xuân Ba