‘Bán hết xe lá xông, kiếm được 500.000 đồng…’
Đó là tâm sự của ông Lê Văn Hi, có hơn 30 năm bán lá xông mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình).
Ngày 3/6 (mùng 5 tháng 5 âm lịch), tất cả các chợ truyền thống tại TPHCM đều tấp nập từ sáng sớm, tiểu thương bày bán trái cây, bánh trôi nước, bánh ú tro, cơm rượu, xôi vò… để khách mua cúng tổ tiên nhân ngày Tết Đoan Ngọ.
Ông Lê Văn Hi mong bán hết xe lá xông sớm trong ngày Tết Đoan Ngọ
Tại một góc nhỏ bên hông chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), ông Lê Văn Hi (50 tuổi, ngụ xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) đẩy chiếc xe ba gác tự chế, bên trên chứa đầy các bó lá xông – mặt hàng không thể thiếu trong ngày này. “Mua lá xông đi cô Hai, 10.000 đồng/bó” – ông Hi vui vẻ chào mời.
Vừa nhanh tay bó từng bó lá xông với hơn chục loại cây khác nhau, ông Hi cho biết, tự mình đi cắt ở bờ ruộng tại nhiều nơi ở huyện Củ Chi. Sau đó đưa về chợ Phạm Văn Hai bán. “Ngày thường tôi bán lá giang, chỉ có mỗi dịp Tết Đoan Ngọ mới bán lá xông. Bán hết xe này, tôi có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng để lo cho gia đình. Chỉ cầu mong trời đừng mua để bán hết lá, chứ mưa tầm tã như hôm qua thì coi như đói” – ông Hi bộc bạch.
Ghi nhận giá cả nhiều mặt hàng trong ngày tại một số chợ truyền thống như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Hòa Bình (quận 5), Hòa Hưng (quận 10)… không nhiều biến động. Cụ thể: lá xông 10.000 đồng/bó, cơm rượu 35.000 đồng/cái, bánh ú lá tro 70.000 đồng/chục; hoa cắm bình tăng giá nhẹ khoảng 10%, như cúc vàng, lay ơn 35.000 đồng/bó, loa kèn 65.000 đồng/bó; trái cây giá ổn định với măng cụt 90.000 đồng/kg, vải thiều 70.000 đồng/kg.
Năm nay, bánh ú lá tro còn được nhiều doanh nghiệp nâng cấp thành quà tặng cao cấp như bánh ú bào ngư. Với bánh ú lá tro truyền thống, các doanh nghiệp thay lá tre bằng lá chít để được lâu hơn, có mùi thơm và vị mới lạ. “Số lượng bánh ú bán ra năm nay dự kiến tăng 16% so với năm ngoái” – đại diện Công ty Đại Phát cho biết.
Uyên Phương
Tiền Phong