Bạn có đang khó thức dậy vào mỗi sáng? Đã đến lúc thay đổi “chuông báo thức”
Đối với những người ngủ mà không thể thức dậy một cách tự nhiên, thì âm thanh báo thức nào mới có hiệu quả? Một nghiên cứu về tác động của đồng hồ báo thức đối với quán tính giấc ngủ đã đưa ra đáp án: Thay đổi tiếng chuông để ngủ dậy tỉnh táo hơn.
Rất nhiều người sẽ cho rằng, âm thanh báo thức chói tai có thể giúp chúng ta tỉnh táo nhanh chóng, nhưng từ dữ liệu nghiên cứu cho thấy, giai điệu của nhạc chuông mới đem lại kết quả tốt hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra, tiếng chuông báo thức có thể ảnh hưởng đến cường độ quán tính của giấc ngủ.
Quán tính của giấc ngủ là một thuật ngữ chỉ trạng thái chuyển tiếp giữa ngủ và thức. Lúc này con người thiếu đi khả năng nhận thức, sự tỉnh táo và năng lực vận động. Nói một cách đơn giản, đó là cảm giác hỗn loạn sau khi vừa tỉnh ngủ.
Quán tính giấc ngủ sẽ giảm dần khi người ta trở nên tỉnh táo. Nói chung, trạng thái này xảy ra tập trung trong vòng 15 đến 30 phút sau khi thức dậy, nghiêm trọng có thể kéo dài 4 đến 8 tiếng.
Nghiên cứu thống kê tiếng chuông báo thức của 50 tình nguyện viên cho thấy, so với những tiếng chuông báo thức đơn giản kiểu như “tít tít tít tít”, thì nhạc chuông có tính giai điệu có thể giúp con người tỉnh táo nhanh hơn.
Điều này có thể là do những âm báo không có tính giai điệu có thể làm gián đoạn hoạt động của não bộ và khiến cho nó càng thêm hỗn loạn hơn. Mà giai điệu nhẹ nhàng lại có thể giúp chúng ta chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức hiệu quả hơn.
Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng “tỉnh táo” sau khi thức dậy
Một số người thức dậy liền có thể nhanh chóng tỉnh táo, nhưng số khác lại rơi vào trạng thái ngây người. Thời gian và mức độ nghiêm trọng của quán tính giấc ngủ đối với từng cá nhân là khác nhau, hơn nữa còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
(1) Tình trạng giấc ngủ
Thiếu ngủ có thể làm gia tăng quán tính giấc ngủ, gây nên sự mệt mỏi. Ví dụ, nhiều người thức khuya, đến khi thức dậy vào ngày hôm sau thường cảm thấy đầu óc không tỉnh táo, phờ phạc.
(2) Nhịp điệu ngày và đêm
Cơ thể luôn mong muốn bạn tuân theo nhịp điệu ngày và đêm: ngủ khi đồng hồ sinh học cho rằng nên ngủ. Ví dụ, khi con người thức dậy vào ban đêm, họ thường cảm thấy buồn ngủ. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người cảm thấy sự chênh lệch về thời gian và mệt mỏi.
(3) Chu kỳ giấc ngủ
Nếu bạn thức dậy từ giai đoạn “giấc ngủ nông”, đó sẽ là một buổi sáng tỉnh táo. Nếu bạn bị đánh thức trong giai đoạn “giấc ngủ sâu”, nó có thể khiến bạn phải đối mặt với một buổi sáng đờ đẫn.
6 thói quen ngủ khiến bạn “dậy không nổi”
(1) Đồ ngủ quá chật
Quần áo ngủ quá chật không chỉ ảnh hưởng đến hô hấp, mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn máu. Khi ngủ tốt nhất là mặc quần áo rộng rãi thoải mái.
(2) Chùm chăn kín đầu khi ngủ
Khi nồng độ CO2 trong chăn tăng lên, nồng độ oxy giảm liên tục, thời gian dài có thể dẫn đến thiếu oxy, khiến chất lượng giấc ngủ không được tốt, sau khi thức dậy thường cảm thấy choáng váng đầu óc, không còn chút sức lực nào.
(3) Gối tay khi ngủ
Khi ngủ mà gối tay dưới đầu, sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, khiến cho cánh tay bị tê và đau nhức, cũng có thể làm tăng áp lực trong bụng, theo thời gian cũng có thể gây trào ngược dạ dày, thực quản.
(4) Hít thở bằng miệng khi ngủ
Hô hấp bằng miệng dễ dàng hấp thụ bụi bẩn, cũng khiến cho khí quản, phổi bị kích thích bởi không khí lạnh, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
(5) Ăn quá no trước khi đi ngủ
Ăn quá nhiều có thể khiến cho đại não trở nên hưng phấn, khó có thể chìm vào giấc ngủ hoặc khó ngủ sâu. Khả năng trao đổi chất của cơ thể vào ban đêm là thấp nhất, ăn uống trước khi đi ngủ cũng có thể làm tăng gánh nặng trao đổi chất, gây khó tiêu.
(6) Ngủ quay mặt vào nhau
Khi ngủ cùng người khác mà lại quay mặt vào nhau, lượng khí hít vào của người này chủ yếu là khí thải từ phía bên kia, nồng độ oxy thấp, dễ dẫn đến cung cấp oxy cho não không đủ. Các cặp vợ chồng có thói quen ôm nhau ngủ, hoặc cha mẹ ôm con ngủ đều phải chú ý.
Làm 7 điều này sẽ không còn thấy khó khăn khi thức dậy
Vậy làm thế nào chúng ta mới có thể có được một buổi sáng tràn đầy sinh lực? Từ khi ngủ đến lúc thức dậy, hãy cố gắng làm tốt một số điều sau đây.
(1) Tắm rửa bằng nước ấm
Vào mỗi buổi tối, hãy dành 10 phút để tắm rửa bằng nước ấm, có thể thúc đẩy lưu thông máu, thư giãn các cơ bắp, chào đón cơn buồn ngủ đến một cách tự nhiên và tận hưởng một đêm ngon giấc.
(2) Cải thiện môi trường ngủ
Nệm ngủ nên chọn loại tương đối vững chắc, không quá mềm và lún; chọn một chiếc gối thoải mái, cao khoảng 10cm là thích hợp; phòng ngủ cần ánh sáng tối, nên kéo rèm cửa; đối với hầu hết mọi người, 18,3 độ C là nhiệt độ lý tưởng.
Có điều kiện nên cố gắng ngủ trần, có thể giúp làm mát cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
(3) Giường chỉ là nơi để ngủ
Giường chỉ nên sử dụng cho việc ngủ, không nên đọc sách trên giường, chơi điện thoại di động, xem tv, ăn uống, v.v. Trước khi đi ngủ, bạn có thể tưởng tượng một số khung cảnh khiến bạn thoải mái và dễ chịu, chẳng hạn như bãi biển, rừng cây, v.v.
Nếu bạn không thể chìm vào giấc ngủ trong vòng 20 phút, hãy thức dậy và làm những việc khác, đợi cho đến khi thật buồn ngủ thì trở lại giường.
(4) 23 giờ là lúc chìm vào giấc ngủ sâu
Đối với người lớn, để đảm bảo thời gian ngủ mỗi đêm khoảng 7 đến 8 tiếng, từ 23 giờ đến 3 giờ sáng ngày hôm sau được coi là khoảng thời gian tốt nhất để tiến vào giấc ngủ sâu.
(5) Thức dậy xem điện thoại di động
Khi tỉnh dậy trong trạng thái rất buồn ngủ có thể nhìn vào điện thoại di động trong một thời gian ngắn để giúp tỉnh táo, thuận tiện cũng có thể kiểm tra tin nhắn hoặc lịch trình, vv, để đạt được hiệu quả tỉnh táo.
(6) Ngồi dậy chậm rãi
Từ từ ngồi dậy, ra khỏi chăn, để cho không khí lạnh bên ngoài chăn kích thích khiến tâm trí tỉnh táo. Vào mùa đông hãy nhớ mặc quần áo ấm để tránh cảm lạnh.
(7) Thức dậy và uống một ly nước ấm
Uống một ly nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sáng có thể kích thích dạ dày và ruột đang trong tình trạng nghỉ ngơi bắt đầu hoạt động, phát ra tín hiệu ăn uống, cơ thể người cũng sẽ theo đó mà tỉnh táo. Hãy cẩn thận không nên uống nước lạnh, lâu dài không tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times )