Bán, cho thuê tài khoản ngân hàng cá nhân, đi tù vì dính đường dây lừa đảo
Cơ quan công an vừa có khuyến cáo người dân bảo vệ tài khoản cá nhân. Đây là một cảnh báo cần thiết khi việc mua bán, cho thuê mướn tài khoản ngân hàng hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Chúng tôi nhận thấy bên mua, thuê, nhận thông tin tài khoản ngân hàng phần lớn là những đối tượng sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn tinh vi, đa dạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác.
Luật sư LÊ CAO lưu ý
Thực tế đã có người vướng vào lao lý, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi này.
Mở tài khoản để... bán kiếm lời
Đại tá Nguyễn Văn Tăng - phó giám đốc Công an Đà Nẵng - vừa có công văn khuyến nghị người dân không mở và mua, bán tài khoản ngân hàng. Theo Công an Đà Nẵng, quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an TP phát hiện các đối tượng hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền lừa đảo.
Đa số các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật...
Thực tế, thời gian qua cơ quan điều tra đã xử lý không ít vụ án liên quan đến hành vi tiếp tay lừa đảo từ việc mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Điển hình là vụ án Hoàng Thị Thảo (37 tuổi, trú Lạng Sơn).
Thảo quen biết người đàn ông Trung Quốc (không rõ lai lịch) và người này nói Thảo tìm, giới thiệu người mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển vào. Cứ mỗi tài khoản ngân hàng được dùng để nhận tiền, chủ tài khoản sẽ được trả 500.000 đồng và cứ mỗi 100 triệu đồng chuyển về tài khoản, chủ tài khoản được nhận thêm 1 triệu đồng.
Riêng Thảo khi đi rút tiền về chuyển cho người đàn ông Trung Quốc trên sẽ được trả 400.000 đồng/lần chuyển, cứ mỗi 100 triệu đồng đổi sang tiền nhân dân tệ thì được nhận thêm 600.000 đồng. Người này còn yêu cầu Thảo không sử dụng tài khoản cá nhân của mình mà phải tìm người khác cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Khi có bị hại chuyển tiền, người Trung Quốc nhắn tin thông báo số tiền hoặc kèm hình ảnh biên lai chuyển tiền để Thảo rút tiền đưa lại cho ông ta. Tính đến ngày bị bắt, Thảo đã sử dụng 3 tài khoản cá nhân của người khác để nhận và chiếm đoạt của 11 bị hại số tiền trên 1,7 tỉ đồng. Ngày 17-3, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Thảo 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu như Thảo đã sử dụng các tài khoản ngân hàng của người khác để tiếp tay cho đường dây lừa đảo thì mới đây, 2 người phụ nữ đã bị Công an Đà Nẵng khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Đó là Nguyễn Thị Anh (31 tuổi), Lê Thị Bình (30 tuổi) cùng trú Đắk Lắk.
Từ tháng 5-2021, Anh đã nhận lời mở các tài khoản ngân hàng để bán cho một người chưa rõ lai lịch với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/tài khoản. Ngoài ra, bên mua còn trả chi phí cho mỗi tài khoản 1 triệu đồng/tháng. Anh sử dụng thông tin cá nhân để mở tài khoản giao cho bên mua. Đồng thời, Anh còn nhờ mẹ, em ruột và bạn là Bình mở hàng loạt tài khoản và trả cho mỗi tài khoản 700.000 đồng/tháng để hưởng tiền chênh lệch.
Bình đã mở 9 tài khoản ngân hàng đứng tên mình để bàn giao cho Anh. Bình còn tiếp tục nhờ 10 người quen mở 56 tài khoản để bán và trả cho mỗi tài khoản 400.000 đồng/tháng. Cả hai đã thu lợi bất chính số tiền hàng trăm triệu đồng từ việc mua bán, cho thuê các tài khoản nói trên.
Qua công tác nghiệp vụ, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Đà Nẵng đã phát hiện hàng loạt tài khoản nói trên đã được sử dụng vào các hoạt động tội phạm nên phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự điều tra, xử lý.
Phải tỉnh táo
Ông Võ Minh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng - cho biết trong quá trình làm việc một số người dân không để ý và họ mở tài khoản ngân hàng cho người khác thuê nhưng không biết rằng những người đó có thể lợi dụng tài khoản để làm các việc phi pháp.
"Về mặt quy định không cho phép thuê, mướn tài khoản, tài khoản của ai thì người đó sử dụng. Nếu có ủy quyền cho người thân cần phải có văn bản, giấy tờ hợp pháp gửi đến ngân hàng đang mở tài khoản theo quy định, người được ủy quyền cũng phải ký chữ ký trong đó" - ông Minh cho hay.
Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), thông tin tài khoản ngân hàng là một trong những thông tin khách hàng phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định liên quan.
Thế nhưng, hiện nay đang có hiện tượng tài khoản ngân hàng được mở rồi mua bán là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật về tín dụng ngân hàng. Theo luật sư Cao, nếu hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán hoặc bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên theo quy định.
Ngoài ra, hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ ngân hàng, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự với số lượng từ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ có thể bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng, hoặc từ 50 - 100 triệu đồng với số lượng từ 10 thẻ trở lên.
Người vi phạm nêu trên còn phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp để khắc phục hậu quả.
Khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản ngân hàng nhưng lại đem đi bán, cho thuê, cho mượn, phát tán mà gây thiệt hại cho chủ tài khoản có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo Bộ luật dân sự.
Nếu có các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định tại Bộ luật hình sự thì bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Đối với các cá nhân là chủ tài khoản mà cung cấp trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của mình cho người khác có thể biến bản thân trở thành bị hại, nhưng nguy hiểm hơn là còn có thể trở thành tội phạm với vai trò giúp sức nếu biết rõ người nhận được thông tin tài khoản ngân hàng sẽ sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội...
Nguyễn Thị Anh sử dụng thông tin cá nhân để mở tài khoản giao cho bên mua. Đồng thời nhờ mẹ, em ruột và bạn là Lê Thị Bình mở hàng loạt tài khoản và trả cho mỗi tài khoản 700.000 đồng/tháng để hưởng tiền chênh lệch.