Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh: 'Không lo hiện tượng cát cứ'
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, cần nghiên cứu thực tiễn để có cơ cấu tổ chức, cơ quan tham mưu, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực, trách nhiệm công vụ… hợp lý, phát huy hiệu quả Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết và đã được 63/63 tỉnh, thành ủng hộ.
Không lo địa phương cát cứ
Theo ông Quyền, để ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, cần rút kinh nghiệm so với ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2007 để có cơ cấu tổ chức hợp lý.
Cụ thể, từ người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh đến cơ cấu, thành phần phải khác so với trước đây và cần có bộ máy tham mưu giúp việc có chuyên môn sâu về điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Bên cạnh đó, trách nhiệm công vụ từng thành viên trong ban chỉ đạo, việc kiểm soát quyền lực, phương thức chỉ đạo, m ối quan hệ phối hợp giữa Ban chỉ đạo với các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, thành cũng phải chuẩn mực...
TS Quyền góp ý khi tổ chức ban chỉ đạo cấp tỉnh không nên rập khuôn theo mô hình của trung ương, bởi địa phương có những đặc thù riêng.
TS Quyền cho rằng với địa phương cơ quan thường trực cho ban chỉ đạo cần chọn liên ngành bao gồm đại diện của thanh tra, công an, Viện kiểm sát, tòa án còn Ban nội chính có thể là cơ quan chủ trì trong cơ quan thường trực.
Ông lý giải ở trung ương, Ban nội chính là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương vì có nhiều đơn vị chuyên môn đủ khả năng tham mưu, còn với Ban Nội chính tỉnh, thành, một số nơi do nhân sự còn ít nên cần liên ngành làm cơ quan thường trực.
Còn ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, cho hay việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh không sợ làm tăng bộ máy, biên chế bởi ở đây không hình thành cơ quan mới mà hình thành tổ chức mà các thành viên tham gia đều là cán bộ, lãnh đạo địa phương kiêm nhiệm, đảm nhận.
"Chúng ta không lo các địa phương cát cứ bởi ban chỉ đạo này chính là cánh tay nối dài của trung ương và chịu sự giám sát, kiểm tra của Ban chỉ đạo trung ương, đồng thời, ở địa phương đều có sự giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận tổ quốc, tổ chức thành viên, kiểm tra của cơ quan đảng...
Do vậy, ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ không thể "tự tung, tự tác" mà phải chịu trách nhiệm trước trung ương, địa phương", ông Tiến nêu.
Theo ông Tiến, địa phương cũng nên thực hiện mô hình của trung ương, trong đó, t rưởng ban là bí thư tỉnh, thành ủy và thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất thiết cần có sự tham gia của cơ quan dân cử, mặt trận để tăng cường giám sát.
Thành phần Ban chỉ đạo nên gồm những ai?
Còn trong bài viết đăng trên trang thông tin Ban Nội chính trung ương, TS Nguyễn Xuân Trường, vụ trưởng vụ 1 cho rằng thực tế, v iệc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Kế thừa kinh nghiệm này, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương và để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban chỉ đạo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, B an chỉ đạo cấp tỉnh về nên có thành phần gồm trưởng ban là bí thư tỉnh, thành ủy.
Các phó trưởng ban là phó bí thư thường trực; trưởng Ban nội chính, trưởng Ban tổ chức, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; giám đốc công an tỉnh, thành phố. Trưởng Ban nội chính là phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo.
Các ủy viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố, gồm: trưởng Ban Tuyên giáo, chánh Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; chánh án Tòa án nhân dân, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự (Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội và TP.HCM), giám đốc Sở Tư pháp; chánh thanh tra, chủ tịch UB MTTQ, phó trưởng Ban nội chính.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ chịu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ.
Tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đã có 5 tỉnh, thành trực thuộc trung ương lập Ban chỉ đạo (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa).