Bán “cắt lỗ” không được, nhiều nhà đầu tư quay xe chờ cuối năm

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 07:14:46

Có những câu chuyện đầu tư BĐS “cười ra nước mắt”, bán không được mà giữ cũng xong, hoặc bán mãi không được “đành” giữ lại.

Nhiều nhà đầu tư nói vui rằng: Đầu tư BĐS đôi khi cũng giống canh bạc", được cũng nhiều mà mất cũng không ít.

Sau khoảng thời gian trầm lắng của thị trường BĐS, nhiều câu chuyện đầu tư mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Trong đó, việc nhà đầu tư "cắt lỗ" nhưng bán mãi không được, đành giữ lại để chờ thời, tăng giá không phải câu chuyện hiếm.

Vốn nắm trong tay nhiều BĐS, nhưng gặp khó vì thị trường không có thanh khoản, vợ chồng anh H (hiện tại sống tại Q.7, Tp.HCM) chấp nhận "bán lỗ" bớt BĐS trong danh mục đầu tư, để lấy dòng tiền "gồng" những BĐS còn lại. Thế nhưng, đúng kiểu "muốn bán cũng không dễ" khi sức mua thị trường kém.

Cách đây 2 tháng, anh H nhờ hàng chục môi giới ra hàng mảnh đất 60m2 tại P.Long Phước, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức) nhưng không có hồi âm về việc hẹn khách hay giao dịch. Sau đó, anh tiếp tục nhờ môi giới bán mảnh đất nông nghiệp tại Đồng Nai với giá thấp hơn giá mua vào 150 triệu đồng, do anh cần tiền gấp để xử lý công việc riêng. Thế nhưng, dù đã "cắt lỗ", nhưng cả tháng nay, anh cũng không nhận được hồi âm từ việc ra hàng. Được biết, ngoài gửi môi giới ngoài, thì bản thân anh H cũng có "tay nghề" môi giới, đăng tải thông tin vào các group bán hàng, đầu tư… nhưng cũng không ra được hàng.

Đến hiện tại, nhà đầu tư này chia sẻ bán không được thì đành giữ lại vào cuối năm ra hàng. Anh H kì vọng, thời điểm cuối năm thị trường ổn định lại thanh khoản, việc bán ra sẽ dễ dàng và anh cũng sẽ bán giá mới. Dĩ nhiên, cái quan trọng là ngay thời điểm này anh cần tiền góp vốn cùng bạn bè đầu tư lô đất lớn tại khu ven Tp.HCM thì lại kẹt vì không có tiền mặt.

Ảnhh minh hoạ.

Khác với trường hợp của anh H, chị M, một nhà đầu tư lâu năm hiện sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM dù không cắt lỗ nhưng bán mãi không có người mua, chị M đành giữ lại, tăng giá. Tuy nhiên, chị M cũng không rõ đến khi nào mới bán được BĐS này, trong khi bản thân không muốn bán dưới giá vốn mua vào.

Tình trạng "kẹt" tiền mặt, ai cũng có tài sản nhưng không có tiền như trường hợp của anh H không hiếm. Nhiều nhà đầu tư sở hữu khá nhiều BĐS nhưng dòng vốn liên tục xoay vòng. Khi gặp thị trường khó khăn, việc xoay vòng vốn vào BĐS bị "khựng lại" cũng là lúc nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục BĐS. Họ sẽ ưu tiên bán bớt tài sản để có dòng tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng bán được như ý muốn. Thậm chí, khá nhiều nhà đầu tư giảm kì vọng lợi nhuận, hoặc bán dưới giá vốn nhưng thị trường khó khăn nên việc ra hàng không dễ.

Không ít trường hợp nhà đầu tư dù "cắt lỗ" nhưng mãi không có người mua, đành "ngậm ngùi" giữ lại, chấp nhận chôn vốn, hoặc gồng lãi ngân hàng để chờ cơ hội khác. Đây là điều mà không nhà đầu tư nào mong muốn, bởi giữ lại có thể thêm cơ hội về giá nhưng mất đi nhiều cơ hội đang có ngay tại thời điểm nhà đầu tư cần tài chính. Điều này cũng giống như "lướt sóng thành cư dân", mà nhiều nhà đầu tư đã gặp phải trên thị trường BĐS từ trước đến nay.

Cùng với đó, trên thị trường BĐS cũng xuất hiện tình trạng nhà đầu tư đã rao bán BĐS để thu dòng tiền nhưng nhưng khi thấy thị trường ổn định lại thì "quay xe" "thu hồi" sản phẩm để tăng giá và chờ cơ hội bán ra. Dù trường hợp này không nhiều nhưng âm thầm xuất hiện trong các nhóm nhà đầu tư. Nhất là các nhóm đầu tư ôm đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM. Đa phần họ là các nhóm đầu tư "lướt sóng". Khi thị trường yếu thanh khoản, nhà đầu tư muốn bán ra để không phải gồng lãi ngân hàng, có dòng tiền tái đầu tư chỗ khác nhưng lại "tiếc" vì bán chênh không như kì vọng. Vì thế, nhóm đầu tư này sẽ quay xe để chào mặt bằng giá khác khi nhắm được thị trường rục rịch lại.

Ghi nhận cho thấy, hiện tại đa số tâm lý nhà đầu tư đã thoải mái hơn trước thông tin nới tín dụng, nhưng thị trường chưa rục rịch mua bán ngay. Vì thế, đa số tâm lý là kì vọng sự thay đổi về thanh khoản vào cuối năm, điều này cũng chỉ là nằm ở sự kì vọng là chính. Trong khi, để thị trường BĐS phục hồi còn nhiều yếu tố khác tác động.

Chia sẻ Facebook