Bản án chung thân, cái giá phải trả cho sai lầm của một cựu luật sư
Bởi những sai lầm trong quá khứ, cựu luật sư Nguyễn Trọng Quý đã phải trả cái giá vô cùng đắt là bản án chung thân cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Trong chuyến công tác tại Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) trong khuôn khổ chương trình "Hành trình của niềm tin" vừa qua, chúng tôi có dịp gặp gỡ một phạm nhân đặc biệt tại đây, có biệt danh là Quý “luật sư”.
Quý “luật sư” là cái tên mà các cán bộ và phạm nhân tại Phân trại số 4, Trại giam Xuân Lộc gọi anh Nguyễn Trọng Quý, 59 tuổi, ngụ Tp.HCM, một cựu luật sư đang thụ án chung thân tại đây. Sau hơn 20 năm tích cực cải tạo và nhận được sự ân giảm án, giờ đây, anh Quý đang trông ngóng từng ngày để được trở về bên gia đình.
Khi nhận được lời đề nghị của chúng tôi về cuộc phỏng vấn, anh Quý vui vẻ đồng ý, mặc dù theo lời anh nói: “Có lẽ không dễ dàng gì để nói ra những sai lầm mà mình đã làm, những chuyện không đúng với xã hội”.
Từ cựu luật sư đến phạm nhân chịu án chung thân
Phạm nhân Nguyễn Trọng Quý nguyên là một luật sư làm việc tại Tp.HCM. Năm 2003, Nguyễn Trọng Quý bị cơ quan điều tra xác định phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng nhiều đồng phạm, trong đó có một số đã bỏ trốn. Phạm nhân Quý sau đó bị tòa tuyên án tù chung thân về tội danh trên và được đưa về Trại giam Xuân Lộc để thụ án.
Kể lại thời điểm đó, anh Quý gọi đó là một “tai nạn nghề nghiệp” của mình.
“Tôi gọi là tai nạn nghề nghiệp nhưng có lẽ không phải là do xui rủi mà do lúc đó mình đã quá chủ quan, nghĩ đơn giản vấn đề quá nên dẫn đến việc vi phạm pháp luật. Rõ ràng tôi đã vi phạm pháp luật, tôi không bào chữa cho hành vi của mình, mặc dù trong lòng vẫn còn một chút khúc mắc do một số người trong vụ án đã bỏ trốn khiến mình không đối chứng được.
Dù vậy, tôi luôn luôn nhận thức bản thân phải chấp hành bản án, luôn luôn nghĩ rằng mình phải cải tạo để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Tôi làm rất nhiều công việc ban giám thị giao, mọi việc tôi đều hoàn thành tốt, được mọi người tin tưởng. Tôi luôn mong muốn được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước để có ngày trở về với gia đình", Quý “luật sư” chia sẻ.
Nói về những năm tháng trả giá cho hành vi của mình, anh Quý cho biết trong suốt thời gian dài trải qua ở trại giam, bản thân nghiệm ra nhiều điều. Nhưng điều thấy rõ nhất là bản thân chưa trung thực với cuộc sống, chưa có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.
“Bây giờ, việc duy nhất tôi muốn làm là sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh. Qua thời gian cải tạo, tôi nhìn nhận lại, tôi nghĩ đây là một bài học rất đắt cho chính bản thân và gia đình tôi.
Hai mươi năm qua tôi chưa có một ngày nào gần gũi con cái và nuôi dạy chúng. Bây giờ con cái đã lớn cả rồi. Tôi chỉ mong được chứng kiến con cái trưởng thành, dõi theo bước đường của con đi, đó là động lực cho cuộc sống tiếp theo của tôi", anh Quý chia sẻ.
“Không còn khái niệm về thời gian nữa”
Hơn 20 năm trả giá trong trại giam, anh Quý chia sẻ đó là một khoảng thời gian lâu đến mức bản thân “không còn cảm nhận, xác định được thời gian nữa”.
“Mỗi buổi sáng mở mắt dậy là biết mình đã sống thêm được một ngày. Không còn khái niệm về thời gian và không gian ngoài đời nữa", anh Quý ngậm ngùi.
Suốt thời gian đó, anh Quý cho biết bản thân cũng làm được một số điều mà ngoài đời không nghĩ mình sẽ làm được, như việc đắp được những bức tượng, đục đẽo được những sản phẩm được nhiều người yêu thích.
“Đó là nguồn vui, là động lực rất ghê gớm cho tôi trong quá trình cải tạo. Mình làm được một cái gì đó được người ta công nhận, dù chỉ là một nhóm nhỏ thôi nhưng được công nhận là động lực rất lớn", anh Quý nói.
Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ tại Trại giam Xuân Lộc cho biết, anh Quý là người khéo tay. Nhiều bức tượng trưng bày trong khuôn viên trại giam do chính tay anh tạc, đặc biệt là bức tượng mẹ bồng con đặt giữa sân trại giam, được rất nhiều người yêu thích.
“Trong thời gian cải tạo, anh Quý luôn chấp hành nghiêm chỉnh những nội quy của trại giam. Anh Quý là người có tinh thần cải tạo tốt, tính tình điềm tĩnh, được các phạm nhân trẻ học tập và noi gương trong quá trình cải tạo tại đây", một cán bộ trại giam cho biết.
Không phải sai lầm nào cũng dễ dàng sửa chữa
Khi nói về những phạm nhân còn rất trẻ nhưng đã vướng vào vòng lao lý, anh Quý chia sẻ: “Để nói với những bạn trẻ đã và đang cải tạo thì tôi chỉ xin nói một điều như thế này, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, hãy làm những điều gì có ích cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng, được lúc nào hay lúc đó.
Khi vào đây, cơ hội để được sửa chữa lỗi lầm là rất lâu. Có thể hôm nay mình suy nghĩ muốn sửa chữa lỗi lầm, mình muốn sửa chữa ngay ngày mai nhưng không được nữa rồi. Và cái giá của tôi là đã phải chờ đợi đến hơn 20 năm”.
“Tôi vẫn tự nhìn nhận một cách rất tích cực là mình cải tạo tốt rồi. Nhưng cuộc sống của tôi với tuổi đời đã tăng lên hơn 20 năm, thế thì tôi cũng không còn bao nhiêu thời gian nữa.
Chính vì vậy, tôi chỉ mong muốn mọi người thấy rằng đừng bước vào những con đường như thế này để rồi phải hối hận. Mà hối hận rất là nhiều, không chỉ hối hận với bản thân mà nó còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của con, của cháu mình nữa.
Đó là những suy nghĩ sâu xa nhất của tôi", anh Quý trầm ngâm nói.