Bản 13 hộ dân sống biệt lập giữa rừng quốc gia

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:30:19

Quảng Bình30 năm qua, người dân tộc Vân Kiều ở bản Đoòng sống biệt lập giữa rừng quốc gia, thiếu điện, sóng điện thoại, y tế, đường đi…

Bản Đoòng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, nhưng lại nằm trong vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giữa thung lũng rộng khoảng 10 ha, xung quanh là cây rừng nguyên sinh và núi đá vôi. Muốn vào bản Đoòng, người quen đi bộ cũng phải mất hơn một tiếng mới tới vì 3 km đường rừng nhỏ hẹp, nhiều bụi rậm.

30 năm trước, ông Nguyễn Soái Trắc, bấy giờ 41 tuổi, cùng một số người cắt rừng từ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, qua đây tìm kiếm mật ong. Thấy thung lũng Đoòng rộng lớn, đất đai màu mỡ, ông đưa vợ con đến phát cây rừng lập bản. Bản Đoòng khai sinh từ đó, dân số ban đầu khoảng 20, với bốn hộ.

Rừng sâu nước độc, cây cối rậm rạp, có nhiều thú dữ. Bà Hồ Thị Vai (nay 66 tuổi, vợ ông Trắc) kể khi đi thả lưới đánh cá "thấy dấu chân hổ như chân mèo nhưng to như tô ăn cơm". Nhiều khi vào rừng sâu hái măng, bà thấy thú rừng bẻ ngọn cây mây, vỏ cây bị cào xước. "Hay gặp nhất là lợn rừng, nhiều con có răng nanh dài rất nguy hiểm, phải tránh xa", bà Vai kể.

Bản Đoòng nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bao bọc bởi rừng nguyên sinh và núi đá vôi. Ảnh: Hoàng Táo

Sát bản có con suối chảy trên rừng Trường Sơn về, vợ chồng ông Trắc dùng tay vỡ đất thành ruộng rồi gieo trồng lúa nước. Mỗi năm hai vụ lúa, không phân tro, nhưng khí hậu thuận lợi nên gia đình đủ gạo cho cả nhà ăn quanh năm. Thức ăn thì dựa vào cá suối, rau rừng. Tuy nhiên, đến năm 2004-2005, nguồn nước bị cạn kiệt không rõ nguyên nhân. Người dân bản Đoòng phải bỏ ruộng lúa, lâm cảnh không thể chủ động gạo ăn. Nhiều hộ bỏ đi nơi khác.

Hiện bản Đoòng có 13 hộ dân (12 hộ nghèo) với 52 nhân khẩu, trong đó một hộ di cư từ bên ngoài vào, còn lại đều là con và cháu của ông Trắc bà Vai. Cuộc sống ở bản gần như tự cung tự cấp, thiếu thốn nhiều thứ như điện lưới, sóng điện thoại, trạm y tế, đường cơ giới...

Năm 2016, bản Đoòng thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, do anh Nguyễn Văn Chốc, 31 tuổi, là Bí thư. Anh Chốc nói, quanh bản có nhiều mảnh đất bằng phẳng nhưng không thể làm ruộng lúa vì thiếu nước. Trong khi trồng lúa rẫy thì "phải đất mới chứ đất cũ lúa không lên". Ngô, khoai, sắn... dân bản cũng trồng diện tích vừa phải do "trồng nhiều ăn không hết, bán lại chẳng được mấy đồng".

Theo Bí thư chi bộ, trong 13 hộ dân, 12 nhà có trâu bò, tổng đàn khoảng 55 con. Ở đây cứ một hộ mua giống, một hộ bỏ công chăn nuôi, khi trâu bò sinh sản thì chia nhau. Thi thoảng, thương lái từ đồng bằng vào bản xem và ngã giá, sau đó người dân dắt trâu lên đường Hồ Chí Minh để bán. Từ bản lên, trâu bò đi mất khoảng ba tiếng rưỡi, giá bán rẻ hơn khoảng ba triệu đồng.

Khi có tiền, người dân mới rời khỏi bản mua dầu ăn, mắm muối, nhu yếu phẩm cần thiết... Chị Hồ Thị Thư, 30 tuổi, vợ anh Chốc, nói cả tháng mới đi chợ một lần, mỗi lần hết khoảng một triệu đồng, nhưng "chỉ đi khi Chốc có lương".

Ông Nguyễn Soái Trắc, Trưởng bản Đoòng, nay đã 73 tuổi mong muốn có đường ống thủy lợi để làm ruộng lúa, chủ động gạo ăn. Ảnh: Hoàng Táo

Người làm "hộ sinh" đầu tiên của bản là bà Hồ Thị Vai, đến nay đã truyền lại cho con dâu Hồ Thị Thư. Cả bản có 26 trẻ thì 24 em sinh ra ở bản. Riêng chị Thư, trong 12 năm làm dâu, đỡ đẻ cho 10 cháu. Chị không được đào tạo ngày nào, chỉ qua chỉ dạy của mẹ chồng.

Năm 2021, Thư và một số chị em giúp một phụ nữ ở bản "mẹ tròn con vuông" sau hai ngày đêm đau đẻ. Trẻ sinh ra dùng dây tước ra từ bao đựng gạo buộc rốn trước khi cắt bằng thanh tre rừng. "Ở đây không thuốc thang gì, người mẹ chỉ uống lá cây, rễ rừng. Sau sinh ba ngày thì hết kiêng cữ, tự sinh hoạt", Thư kể.

Bản có một điểm trường, được thành lập từ năm 2010. Giáo viên cắm bản sống dựa vào dân, chịu nhiều thiếu thốn. Không có sóng điện thoại, giáo viên bị cô lập, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mỗi lần xã Tân Trạch có công văn về bản thì 4-5 ngày mới tới. Xã và nhà trường thường thông qua kiểm lâm hoặc công ty du lịch để gửi văn bản, khi cần kíp mới cho người vào thông báo.

Khu vực này có nhiều thú quý như sơn dương, lợn rừng, khỉ, voọc chà vá, chim hồng hoàng, gỗ quý như dổi, táu... nên từ năm 2019, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thành lập một tổ với hai kiểm lâm viên ăn ở tại bản Đoòng. Bản cũng có hai nhóm bảo vệ rừng với 10 thành viên, thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại.

Anh Nguyễn Văn Chốc và người cháu Nguyễn Văn Sinh đã được nhận làm bảo vệ rừng tại Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Sự hòa nhập với thế giới bên ngoài cũng bắt đầu mở ra, khi có bốn học sinh về TP Đồng Hới học trung học phổ thông.

Không có điện, chị Hồ Thị Thư tranh thủ nấu ăn lúc trời còn sáng. Ảnh: Hoàng Táo

Gần chục năm nay, bản Đoòng cũng trở thành điểm dừng chân trong tour khám phá hang Sơn Đoòng và hang Én. Nhiều du khách đi ngang qua bản, nhưng người dân không tận dụng được cơ hội để cải thiện sinh kế. Một hộ từng làm oi (giỏ đựng cá) bằng mây bán cho khách làm quà lưu niệm với giá 300.000 đồng mỗi chiếc, nhưng không kéo dài được lâu.

Dù cuộc sống thiếu thốn, dân bản không muốn rời đi vì quen tự cung tự cấp, "không biết cách làm ra tiền". "Chúng tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ 3 km đường ống dẫn nước về bản để tự làm ruộng lúa, chủ động cái ăn; và muốn có sóng điện thoại để liên lạc với bên ngoài", Trưởng bản Nguyễn Soái Trắc chia sẻ.

Ông Trần Hương Lâm, Phó bí thư thường trực xã Tân Trạch, cho hay người dân bản Đoòng nhận chính sách chung của nhà nước dành cho người thiểu số, và chính sách từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dành cho người dân vùng lõi. Xã đang nghiên cứu thủy lợi để bà con trồng lúa nước, đề xuất cấp trên trích vốn hoặc kêu gọi xã hội hóa.

Huyện Bố Trạch từng có chủ trương di dời người dân khỏi vùng lõi vườn quốc gia, nhưng chưa được dân bản Đoòng đồng thuận. Còn làm đường vào bản "gần như không thể" vì đây là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của rừng quốc gia.


Hoàng Táo

Chia sẻ Facebook