"Bám càng" bà mẹ Việt vào tiệm ĐỒ SI ở châu Âu: Ngỡ lạc vào shop đồ hiệu "chanh sả", đáp ứng đủ tiêu chí vừa rẻ vừa đẹp!

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 13:32:13

Bà mẹ Việt ở châu Âu đã chia sẻ một góc nhìn cực thú vị về cách người châu Âu xử lý đồ si.

Nhắc đến đồ si (đồ second-hand), tức đồ mặc lại, nhiều người đã xua tay nguây nguẩy không có cảm tình vì cho rằng chúng là đồ cũ, đã qua sử dụng và hỏng rồi nên người ta mới vứt đi. Tuy nhiên, sự thật không hề như vậy. Đồ si cũng có "dăm bảy loại" và tùy theo chất lượng mà người bán đưa ra mức giá hợp lý và chắc chắn là sẽ rẻ hơn đồ new (mới). Thậm chí, chất lượng còn hơn hẳn nếu mua được đồ hàng hiệu đã cũ.

Không chỉ ở châu Á mà người châu Âu cũng rất thích "săn lùng" đồ hàng thùng không chỉ vì lý do kinh tế mà còn một lý do cực kỳ quan trọng, ấy là bảo vệ môi trường. Tái sử dụng các mặt hàng như quần áo quả thực là một cách tuyệt vời để bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường sống.

Mới đây, chị Vũ Thuý Hằng, một bà mẹ 2 con người Việt - hiện đang sống ở Thụy Điển - đã có một bài viết thu hút sự chú ý của đông đảo thành viên trong một nhóm Facebook hơn 2 triệu thành viên. Đây có thể là một cách nhìn mới mẻ về "đồ si" của người châu Âu và là điều đáng để nhiều quốc gia phải học hỏi.

Một tiệm đồ si ở Thụy Điển, nơi chị Thúy Hằng sinh sống.

Xin trích lại bài viết của chị Thúy Hằng kể về hành trình đi "lùng" đồ si vừa rẻ, vừa đẹp lại thân thiện với môi trường:


"Tiệm đồ cũ - 1 cách "sống xanh" của người dân Châu Âu!!!

Trong 1 bài viết trước mình có chia sẻ về việc sống xanh ở nơi mình sống. Trong đó mình cũng có giới thiệu qua về tiệm đồ cũ. Đây là mô hình kinh doanh cực kỳ phổ biến ở các nước châu Âu. Ở mỗi thành phố sẽ có ít nhất 2 hoặc 3 tiệm đồ cũ, thành phố nào lớn thì sẽ có nhiều hơn nữa.

Tiệm đồ cũ bán rất nhiều các mặt hàng đa dạng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Hàng hoá ở đây đều còn mới khoảng 70% trở lên, không hỏng hóc. Giá thành rất phù hợp với người tiêu dùng.

"Nhìn bên ngoài cũng thấy bình thường thôi nhưng bên trong thì rộng lắm, đi mỏi cả chân luôn. Rất nhiều gian hàng và ngõ ngách. Người ra vào luôn tấp nập, nhộn nhịp. Đây là nơi bán đồ thu đông", chị Hằng chú thích ảnh.

Khu đồ của trẻ em rất nhiều mặt hàng đa dạng!

Quần áo đủ 4 mùa! Phân loại rõ ràng!

Người mua luôn yên tâm về chất lượng hàng hoá vì đã được kiểm tra kĩ lưỡng nên đảm bảo hàng dùng tốt, không bị hỏng.

Dù là tiệm bán đồ cũ nhưng việc kinh doanh lại rất phát triển, hơn cả những tiệm bán đồ mới. Bởi nó giải quyết được nhu cầu của cả người mua và người bán. Khi món đồ không còn phù hợp thay vì đem vứt bỏ thì người dân "tăng tuổi đời sử dụng" cho chúng bằng cách đem đến tiệm đồ cũ. Sẽ có những chủ nhân mới tìm đến và sử dụng chúng 1 cách hữu ích hơn.

Khi muốn kí gửi hàng bán ở tiệm đồ cũ thì người bán phải đăng ký và có thẻ thành viên của cửa hàng. Hàng hoá mang đến phải được kiểm tra kĩ lưỡng, đủ tiêu chuẩn mới được nhận. Sau đó các nhân viên sẽ làm mã sản phẩm, dán giá.

Khi hàng được bán thì tiền thu về sẽ trả theo % cho người bán. Người bán có thể nhận tiền bằng cách cửa hàng chuyển thẳng vào tài khoản của mình hoặc chuyển ủng hộ cho các hội từ thiện nếu bạn muốn. Cũng có tiệm đồ cũ không thanh toán tiền mà sẽ giữ lại để người bán trao đổi sang món đồ khác. Đây cũng là hoạt động mang rất nhiều ý nghĩa tích cực.

Nhân 1 ngày rảnh rỗi mình có đi dạo qua 1 tiệm đồ cũ. Mời mọi người cùng theo chân mình tham quan mô hình kinh doanh này nhé!".

Cơ man nào là đồ chơi!

Đồ trẻ em phù hợp với từng lứa tuổi!

Có cả khu sách truyện thiếu nhi.

"Anh cả nhà mình vào đây là chỉ thích lao thẳng vào khu bán sách. Tha hồ chọn mua vì giá cực rẻ và có nhiều cuốn sách hay mà tiệm sách mới không còn bán", chị Hằng cho biết.

1 phòng chuyên về túi xách và giày dép. Nhìn có khác gì cửa hàng đồ mới xịn đâu nhỉ?

Chia sẻ cùng bài viết, chị Thúy Hằng đăng tải rất nhiều hình ảnh về cửa hàng đồ si đẹp và "sang chảnh" chẳng kém gì các shop đồ hiệu nổi tiếng. Bước vào đó, người mua tha hồ lựa chọn các sản phẩm tùy theo mục đích sử dụng. Quan trọng là giá cả cũng không đến nỗi "quá chát".

Nhìn thế này ai mà ngờ được rằng đó là tiệm bán... đồ si.

"Trước kia khi mới biết đến tiệm đồ cũ mình cũng hơi lăn tăn một chút về chất lượng đồ dùng và có chút tâm lý e ngại vì là “đồ cũ”. Thế nhưng khi đã trải nghiệm cả mua và bán ở đây thì mình nhận ra rằng: Đồ có thể cũ nhưng tình cảm của người bán và nhân viên luôn mới.

Mỗi mặt hàng ở đây đều được làm sạch và giữ vệ sinh cẩn thận. Nhân viên luôn tận tụy phục vụ, nâng niu những món đồ đã qua sử dụng để trao tới tay chủ nhân mới. Những món đồ ấy đôi khi không chỉ mang giá trị về sử dụng mà còn là tình cảm, sự trao gửi yêu thương".


Nguồn: Facebook


Theo L.T

Pháp Luật và Bạn đọc

Chia sẻ Facebook