Baidu thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ứng dụng AI

Chia sẻ Facebook
03/06/2023 23:29:35

VietTimes – Ngày 31/5, công ty công nghệ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc tuyên bố có kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm 1 tỉ nhân dân tệ (145 triệu USD) hỗ trợ các công ty khởi nghiệp phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Khách giao dịch tương tác với robot AI của Baidu gần logo công ty tại trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/4/2021. Reuters

Theo Reuters, Baidu sẽ khởi động một cuộc thi dành cho các nhà phát triển, xây dựng những ứng dụng AI trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ERNIE hoặc tích hợp mô hình vào những sản phẩm mà các công ty khởi nghiệp đã phát triển.

Baidu dường như đang lặp lại kịch bản của OpenAI, công ty AI Mỹ đang gây bão với ChatGPT trên toàn thế giới, lần đầu tiên đã dành 100 triệu USD cho Quỹ khởi nghiệp OpenAI năm 2021. Theo một hồ sơ báo cáo tài chính gần đây, quỹ khởi nghiệp OpenAI sau đó đã tăng lên 175 triệu USD.

Nhưng 2 công ty này không đơn độc trong xu hướng tài trợ cho những công ty khởi nghiệp mà doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng hoặc thậm chí đặt mục tiêu mua lại những công ty khởi nghiệp này. Ví dụ, Google hiện đang tham gia vào vòng tài trợ mới nhất cho Runway AI, phần mềm có thể tạo ra hình ảnh và video chỉ dựa trên một số từ. Theo The Information, Google đang đầu tư ngoài bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp chứ không thông qua một quỹ chuyên dụng.

Tại Trung Quốc, cũng như ở Mỹ, những công ty công nghệ hàng đầu đang chạy đua để giành vị trí thống trị trong một thế giới, đang nhanh chóng bị tràn ngập những ứng dụng AI sáng tạo.

Vài ngày trước, tỉ phú sáng lập Baidu Robin Li cho biết công ty sẽ sớm tung ra một phiên bản mới mô hình ngôn ngữ lớn Ernie Bot, phiên bản cung cấp khả năng đàm thoại với người dùng cho dịch vụ tìm kiếm tương tự như ChatGPT, được công bố lần đầu tiên vào tháng 3/2023.

Tháng 5/2023, tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc, Alibaba cho biết, mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi Qianwen của công ty sẽ được tích hợp trên các dịch vụ của Alibaba để tăng cường trải nghiệm thuận lợi và hiệu quả cho người dùng.

Tencent cũng đang làm việc trên một mô hình nền tảng GPT, được gọi là HunyuanAide.

Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đều đang thúc đẩy phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn theo đà phát triển của chatbot ChatGPT của OpenAI. Mặc dù tháng 2/2023, Trung Quốc đã cấm sử dụng ChatGPT của OpenAI, những các doanh nghiệp công nghệ số của quốc gia này tiếp tục phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn nhằm đuổi kịp sự phát triển của AI trên thế giới, đồng thời tuân thủ những quy định pháp lý địa phương.


Theo Reuters

Chia sẻ Facebook