Bài vè thủy trình từ Huế vô Saigon
Mục đích của bài vè thủy trình là sắp đặt các địa điểm, để các lái ghe bầu, vừa đi ghe, vừa hát cho nhớ tới tỉnh nào hoặc tới nơi nào có...
Nước Việt Nam ta có trên hai ngàn cây số dài duyên hải. Trước khi người Âu châu đến xứ ta, sự giao thông giữa hai miền Nam và Bắc có hai lối.
Một lối là do đường bộ. Đường này thường gọi là “quan lộ” , bề ngang nhỏ và hẹp, chỉ vừa để đi kiệu, hoặc đi ngựa, triều đình thường dùng để đem tin tức giữa các quan lại hàng tỉnh và nhà vua. Đường quan lộ chia ra từng trạm, mỗi trạm đều có kỵ mã, tiếp sức với nhau để nối liền các trạm. Sau khi người Lang-sa (Pháp) chiếm xứ ta, thì họ cho mở rộng ra, thay đổi chút ít lộ trình (itinéraire), để các thứ xe chạy; họ gọi là con đường thuộc địa số 1, nay ta đổi lại là quốc lộ số 1. Lẽ dĩ nhiên, đường quan lộ nầy khi xưa không thể dùng để chuyên tải hàng hóa được.
Bao nhiêu sự chuyển vận nặng nề để trao đổi sản phẩm giữa hai miền Nam, Bắc, thứ nhất là để cung cấp thực phẩm cho vùng Thuận Hóa là kinh đô của nhà Nguyễn, đều do đường thủy. Ấy là lối thứ nhì. Lối thủy trình nầy đã có từ lâu, dân ta thường dùng thứ ghe đi biển đặc biệt của ta là “ghe bầu” do các giới ngạn phủ (riverains) biển Đại Thanh đảm nhận. Sau này, mặc dù người Lang-sa đặt đường xe lửa xuyên Việt (Transindochinois) và dùng tàu thủy có động cơ để nối liền các thủ đô và hải cảng toàn xứ Việt Nam, sự giao thông bằng ghe bầu không lúc nào đoạn tuyệt. Tại Huế bến Bảo Vinh là “cái ụ” trong sông mà các ghe bầu thường lai vãng trong hành trình chuyển vận giữa hai miền Bắc và Nam.
Trong khi tôi đi khảo cứu về sanh hoạt, cổ tục, ngôn ngữ… của người Việt dài theo miền duyên hải, tôi có thâu chép bài vè thủy trình từ Huế vô Gia Định và từ Huế ra Nam Định. Như chúng ta biết, người Việt thường dùng lối vè dễ đọc, dễ nhớ, thay thế sách vở hiếm hoi, để phổ biến những nhận thức cần thiết. Mục đích của bài vè thủy trình là sắp đặt các địa điểm thành câu, để các lái ghe bầu, vừa đi ghe, vừa hát cho nhớ tới tỉnh nào hoặc tới nơi nào có những hòn rạn nguy hiểm mà tránh. Bài vè nầy rất dài, tôi xin cắt đôi, đăng trước phần từ Huế vô Gia Định, phần kia sẽ đăng sau. Về mặt khảo cứu, bài vè thủy trình nầy đáng để ý về mặt địa lý trước hết: những địa điểm đã kể cần phải minh xác (identifier) rõ rệt. Ông Lê văn Tho, nhà hàm hộ có tiếng tăm tại Phan Thiết và lại là người có tánh hiếu kỳ, đã giúp tôi để minh xác một phần lớn các địa danh trong bài. Tuy vậy, còn nhiều địa danh chưa minh xác rõ rệt, mong các bạn độc giả tiếp sức để giúp chúng tôi về phần ấy và đánh giá luôn thể bài vè nầy về mọi mặt địa lý, dân tộc, ngôn ngữ, v.v… Nếu được như vậy, thì không chi bằng!
Bài vè nầy được thâu chép và ghi âm tại Huế, Đà Nẵng và Phan Thiết trong các giới “các lái” cũ do ba ông Nguyễn xuân Đồng, quyền giám đốc Viện Bảo tàng cổ vật chàm Đà Nẵng, ông Lê văn Tho tại Phan Thiết và ông Nguyễn Khiêm tại Huế giới thiệu. Xin trân trọng cám ơn quí ông kể trên và các nhà “lái” đã đọc lại bài vè nầy để tôi giữ làm tài liệu. (1)
Về Thuỷ Trình Từ Huế Vào Nam Đến Saigon
Ngồi buồn nói chuyện đi buôn,
2. Nói cho giãi buồn là sự ngâm nga,
Bắt từ GIA ĐỊNH kể ra
4. Cho chí THUẬN HÓA ngoài HUẾ kể vô,
Trên thời khôi phục thành đô,
6. Dưới sông buôn bán ra vô dập dìu,
Trên thời vua THUẤN đức NGHIÊU,
8. Dưới sông lập trị, lập điều sửa sang,
Trên thời ngói lợp tòa vàng,
10. Dưới sông thủy cát nghênh ngang chật hồ,
Nầy đoạn các lái trở vô,
12. THUẬN AN là chốn thuyền đô ra vào,
Vát (2) ra một đỗi khơi cao,
14. Ta sẽ lần vào thì tới cửa ÔNG (3)
Nay đà giáp phủ THUẬN PHONG,
16. Hòn AM (4), cửa KIỂN nằm trong thay là,
Nới lèo ráng bánh trở ra,
18. Khỏi mũi CHÂU MỚI (5) thì ta lần vào,
Ngó lên núi ẢI (6) rất cao,
20. Ta sẽ lần vào bãi CHUỐI, hang DƠI (7)
Anh em nước củi thảnh thơi,
22. Hòn Hành nằm đó là nơi cửa HÀN (8)
Cửa HÀN còn ở trong xa,
24. Trước mũi SƠN TRÀ sau có con NGHÊ (9)
Vũng NỒM, bãi BẮC dựa kề,
26. MỸ KHÊ làng mới làm nghề lưới đăng.
Ngó về NON NƯỚC thẳng băng,
28. Có chùa thờ PHẬT, PHẬT bằng linh thiêng.
LAO XANH (10) nay đã gần miền,
30. Hòn LA, hòn LỤI nằm liền hòn TAI,
Năm hòn nằm đó không sai,
32. Hòn KHÔ, hòn DÀI láo nháo nên vui.
Ngó về cửa ĐỢI (11) thương ôi!
34. Hòn NỒM nằm dưới mồ côi một mình.
TAM ẤP HÀ BỨA có rạn (12) trời sinh,
36. BÀN THANG (13) cửa LƠ (14) luôn kinh AN HÒA,
SA CẦN, CHÂU Ổ bao xa,
38. Trước mũi CÂY QUÝT thiệt là TỔNG BINH (15)
Lâm châm, cỏ ngựa (16) trời sinh
40. LẢNG GẢNH, MỸ GIẢNG ăn quanh VŨNG TÀU (17)
Nới lèo ráng lái mau mau,
42. CHÂU ME, LÒ RƯỢU sóng xao hòn NHÀN (18)
Vác mặt xem thấy (19) BÀN THANG,
44. Ngoài thời lao RÉ nằm ngang SA KỲ (20)
QUẢNG NGÃI, TRÀ KHÚC núi Chi (21)
46. Có hòn THIÊN ẨN dấu ghi để đời.
Hòn SỤP (22) ta sẽ buông khơi,
48. Trong vịnh, ngoài vời núi đất mênh mang.
Buồm giương ba cạnh sẵn sàng,
50. Anh em chúng bạn nhiêu đàng tư lương,
MỸ Á, CỬA CẠN, hàng thương (23)
52. Dinh HIẾU, bãi TRƯỜNG (24) xích thố ban ban,
Vát ra thấy mũi SA HOÀNG (25)
54. Kìa kìa đã thấy TAM QUAN nhiều dừa.
Hèn chi lời thốt thuở xưa,
56. Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi.
Gặp nhau chưa nói đã cười,
58. Kìa mũi TÀI PHÚ (26) là nơi nhiều ghè.
Non xanh nước bích chỉnh ghê,
60. Bãi HƯỜNG, gành TRỌC dựa kề làng GIAO.
Vát ra thấy lố KHÔ CAO, (27)
62. Vác mặt xem vào thấy bãi HÀ RA,
Nhắm chừng gành MẮC buông qua,
64. DY RỒNG (28), Phường Mới, xinh đà nên xinh.
VŨNG BẦU, NƯỚC NGỌT lố kinh,
66. Vũng Tô, suối BÚNG thiệt tình nên vui.
Thương cha nhớ mẹ ngùi ngùi,
68. Hòn núi KẺ THỬ (29) có người bồng con.
Lời thề dưới nước trên non,
70. Mình khô như đá sơn son để đời.
Vũng NỒM, bãi BẮC xem chơi,
72. Trong kinh HÒN THẸO, ngoài thời CỎ CÂN (30)
Nam lò, eo DƯỢT rần rần, (31)
74. Răng hô (32), mũi YẾN, đã gần làng MAI. (33)
Cửa GIẢ (34) có hòn án ngoài,
76. Các lái chạy ngoài kêu hòn LAO XANH.
Vũng MỦ trong vịnh ngoài gành (35)
78. CÙ MÔNG, vũng TRÍCH ăn quanh bãi Liền.
Gành BA, ai khéo đặt tên,
80. SƠN DƯƠNG (36) gành MÓM nối liền vũng LA (37)
Nhắm chừng vũng LẮM buông qua,
82. XUÂN ĐÀI, mũi YẾN chạy qua hố TRẦU (38)
Mái nhà gác xối (39) liền nhau
84. Sơn thủy rất màu tợ gấm kim quy.
Hòn CHÙA (40) ghe đậu một khi, (41)
86. Chín từng mây nức vậy thì BA LIÊN. (42)
Ngó lên thấy mả CAO BIỀN,
88. Kìa kìa lại thấy BA LIÊN chớp chài
DINH BÀ có tháp xây ngoài, (43)
90. Chạy hết bãi dài tới cửa TRÀ NÔNG.
Ngoài thời KHÔ (44) chất chập chồng
92. Ở trong có bãi, giữa thời có KINH,
Mũi NẬY có Đá Bia xinh
94. Tạc để lưu truyền nối nghiệp HÙNG VƯƠNG.
Ô RÔ (45) núi tấn bốn phương,
96. Mịt mù sơn thủy như gương tựa đồ,
Bịt bùng chừa một đường vô,
98. Dầu nồm, dầu bắc không xô phía nào,
Hòn NỬA (46) không thấp, không cao,
100. Vác mặt trong vào bãi VÕ (47) sóng ngang.
Hòn GẦM sóng bổ chuyển vang,
102. Chạy hết cát THẮM lại sang ĐỒI MỒI (48)
Anh em lời thốt thương ôi (49)
104. Chạy khỏi ĐỒI MỒI tới đầm BÀ GIA,
Trong thời bãi cát Trường Sa,
106. Có đôi lưới bũa, có nhà thôn dân.
XA CỪ (50) nay đã hầu gần,
108. Ai vào cửa BÉ lánh thân TRÂU NẰM (51)
Bến đò HÒN KHÓI tăm tăm,
110. Chạy khỏi TRÂU NẰM tới cửa CÂY SUNG (52)
Chà là (53), hòn ĐỤN chóp vung,
112. Ngó xuống ĐẢ ĐẠC luôn kinh BÌNH HÒA (54)
NHA TRANG xuống CHỤT bao xa,
114. Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng, (55)
Anh em mừng rỡ lăng xăng,
116. Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra,
Anh em chè rượu hỉ ha,
18. Xùng xình bãi MIỄU thì ta lướt vào,
Ngó ra NỘI NGOẠI (56) xóng xao
120. Vác mặt xem vào bãi DÀI, con NGHÊ (57)
CHỤT đèn ngó xuống chỉnh ghê (58)
122. Ngó về hòn TỶ dựa kề CAM LINH (59)
MÒ O (60), GIỎ TÓ rất xinh,
124. Lại thêm ĐÁ VÁCH dựa kề vũng GIĂNG (61)
Vũng GIĂNG, ĐÁ VÁCH như thành,
126. Hai bên núi TẤN xung quanh như buồng (62)
Mặc dầu thuyền đậu bán buôn,
128. Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng.
Túi thơ chè rượu xem chơi,
130. Buồm giương ba cạnh nhắm vời chạy ra.
Nam mù mù hòn CHÔNG (63) bãi LỬA,
132. Khỏi MAI DẰNG (64) mới tới PHAN RANG
Vũng TRÒN lai láng nghinh ngang,
134. Trong xa thâm thẫm là ngàn MŨI DINH (65)
Qua MŨI DINH cho liền chín VẠI (66)
136. Tắt mặt trời xách lái ra đi.
Nhắm chừng bãi LƯỚI (67) đã qua,
138. Tây phương chỉ mũi lái đà gác đông.
AN HÒA lẵng lặng muôn phần,
140. Bãi TIÊN đã khỏi khu ÔNG lại gần. (68)
LAO CAO (69), CÀ NÁ là đây,
142. LÒNG SONG, MŨI CHỌ (70) thẳng ngay LA GÀN.
Ngó vô thuyền đậu nghinh ngang,
144. Gành SON, TRẠI LƯỚI vinh vang làm nghề (71)
Cửa DƯỜNG (72) nay đã gần kề
146. Lạch kia PHAN RÍ ghe nghề xôn xao. (73)
Nhắm chừng MŨI NHỎ buông qua,
148. Vũng MÔN, ĐÁ DỰNG đã xa hòn HƯỜNG,
Hòn NGHỀ, QUẢNG THÍ dựa nương,
150. Ở trong có vũng như ao thăng bằng,
BÃI RẠNG, gành TRỌC trong xa,
152. Hòn RƠM, MŨI NÉ là đường vô ra.
Trông xa mua dặm bán chừng,
154. PHÚ HẢI, PHAN THIẾT ấy là trạm trung,
Ai mà đốn củi gành THÔNG (74)
156. Sơn lâm một gánh chất chồng hai vai.
KHE GÀ nay đã đến nơi,
158. Anh em làm lễ một hồi ta qua,
Nới lèo xây lái trở ra,
160. Hòn LANG, cửa CẠN ấy là TAM TÂN,
Sóng ào ào buồm dương ba cạnh,
162. Chạy một hồi tỏ rạn LA GÌ (75)
Hòn BÀ, rạn GÕ một khi (76)
164. Ngoài khơi rạn ĐẬP, trong ni rạn HỒ.
Buồm giương ba cạnh chạy vô,
166. Mũi BÀ (77), hóc KIỂM (78) quanh co hồ CHÀM.
Kim ngân lễ vật cúng dường, (79)
168. Lâm râm khẩn nguyện lòng thường chớ quên,
Bãi GIỐNG chạy thẳng XÍCH RAM,
170. LƯỚI RẾ qua khỏi, rạn CAM nằm ngoài.
Ngoài Ba lũy sóng rền CỬA CẠN,
172. Vát một hồi tỏ rạn THỦY VÂN (80)
Ngoài KỲ VÂN trong liền giếng BỘNG
174. Vát một hồi lồng lộng cao khơi
Ba non chót vót cao vời,
176. Muốn cho khỏi rạn phải lơi ra ngoài,
Sang lèo, trở lái qua TAI (81)
178. VŨNG TÀU đã tróng lại lòi VŨNG MAY,
CẦN GIỜ nay đã đến nơi.
180. Trình đôn rồi lại thẳng ngay SÀI GÒN,
SÀIGÒN nước chảy phân hai,
182. AI về GIA ĐỊNH, ĐỒNG NAI thì về.
Bùi Quang Tung
Paris, Mai 1962
Tập san Sử Địa 17&18
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Phụ chú :
1/ Phần đầu tài liệu nầy do các ông: Lê văn Phát, 73 tuổi, quán Nại Hiên Tây ở Đà-nẵng, ông Hồ Huyền, 82 tuổi, quán Hòa Phụng (Khuê Đông) Quảng-nam đọc lại vào khoảng tháng bảy d.l, năm I960. Phần thủy trình từ Cà Ná tới Saigon thì nhờ ông Võ Tại, 65 tuổi, và ông Lê văn Tho, 56 tuổi, cả hai quán ở Đức Thắng (Phan Thiết), bổ túc vào khoảng tháng 4 d.l, năm I962.Ông Nguyễn Khiêm ở Huế cũng có chép cho tôi một bản khác do các lái ghe tại cửa Tư Hiền đọc lại. Những chú thích dị bản là dựa theo bài chót này.
2/ Ghe chạy vát, louvoyer, faire des bordées.
3/ Cửa TƯ HIỀN.
4/ Dị bản: hòn Om.
5/ Dị bản: chú Mới.
6/ Là đèo Hải Vân giữa Huế và Đà Nẵng.
7/ Hai nơi nầy ở dưới chơn núi đèo Hải Vân.
8/ Cửa Hàn là cửa Đà Nẵng.
9/ Bãi biển Hà Thân ngó ra thấy một cái hòn lúp nhúp như con NGHÊ.
10/ Tức là lao Chàm ở Quảng Nam.
11/ Cửa Đợi tức là cửa Đại ở Hội An.
12/ Rạn tức là những hòn đá ngầm (écueil) hoặc nổi cần phải tránh.
13/ Dị bản: Hòn Thang.
14/ Dị bản: cửa Xể.
15/ Mũi Tổng Binh.
16/ Cây lâm châm và cây cỏ ngựa. Dị bản: Tổng Binh có vũng ăn quanh.
17/ Vũng Tàu ở Sa Kỳ.
18/ Nhàn là chim én biển. Tại hòn nầy có nhiều én nên có câu hát thổ dao như sau: Chim nhàn bắt cá lượng khơi, Thấy anh chân chẩu nhiều nơi em buồn.
19/ Dị bản: Khỏi Thập là tới Bàn Thang.
20/ Đây là vô tới Quảng Ngãi, cù lao Ré nằm trước Sa Kỳ.
21/ Tại đây có hòn Nghiên, hòn Bút đều ở Quảng Ngãi.
22/ Hòn Sụp nằm dưới cửa Quảng Ngãi.
23/ Cửa con ở quận Mộ Đức.
24/ Bãi Trường là bãi dài.
25/ Tức là mũi Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi.
26/ Hoặc: Từ Phú là chỗ sản xuất đồ gốm bằng đất.
27/ Hòn Khô Cao ở Bình Định.
28/ Mũi Dy Rồng.
29/ Tức là núi Vọng Phu ở Phù Cát tỉnh Bình Định.
30/ Tức là hòn Cõ, hòn Cân ở Bình Định.
31/ Đến đây ngọn gió Nam nó lòn qua cái eo Dượt tiếng gió kêu rần rần.
32/ Hoặc Sơn hô.
33/ Làng Mai ở Bình Định.
34/ Cửa Giả cũng ở Bình Định.
35/ Đến đây là vô gần tới Cù Mông.
36/ Hoặc Cảnh Dương.
37/ Vũng La ở Phú Yên.
38/ Hoặc sông Cầu.
39/ Xối tức là máng xối (gouttière).
40/ Dị bản: Hòn Chùa, Ba Trại nằm xiên ra ngoài.
41/ Đây là trên cửa Tuy Hòa, nơi đây có nhiều rạn. Dị bản: Vào lao.
42/ Dị bản: Xem lên mái Lách vậy thì Mái Liên.
43/ Cửa Dinh ở Tuy Hòa.
44/ Hòn Khô ở ngoài mũi Trà Nông.
45/ Đầm Ô RÔ ở cuối đèo Cả, đầm nầy được yên sóng, gió nồm, gió bắc không lai chuyển
46/ Hoặc hòn Nưa.
47/ Tức là bãi biển Đại Lãnh, là một thắng cảnh có tiếng.
48/ Hết bãi các Thắm thì đến Kinh ĐỒI MỒI.
49/ Dị bản: Anh em chịu khó một hồi.
50/ Hòn núi Xa Cừ có nhiều mầu sắc như ốc Xa Cừ (nacre).
51/ Cửa Bé ở ngoài mũi Bãi giếng tức là Vạn giả (Khánh Hòa) có hòn giống như trâu lội dưới nước.
52/ Dị bản: Xuống khỏi Trâu Nằm tới mũi Kỳ Thung.
53/ Hòn Chà Là.
54/ Đây là tới đèo Ruột Tượng, đèo Rù Rì phía ngoài Nha Trang.
55/ Đệm buôm, cây song bắt chằng (chầm).
56/ Tức là hòn Nội và hòn Ngoại ở Nha Trang.
57/ Ở mũi Bà Hin của Bé Nha Trang.
58/ Tại đây có nhiều cây mun, dùng làm đũa ăn cơm.
59/ Cam Linh tức là Cam Ranh ở Bình Ba.
60/ Cửa Mò O.
61/ Dị bản: vũng Lăng.
62/ Nghĩa là đá xây kín như cái buồng.
63/ DỊ BẢN: Hòn Rơm.
64/ Mũi Mai Dằng ở phía ngoài Phan Rang.
65/ Tại Mũi Dinh nước chảy mạnh có tiếng.
66/ Vại cũng như chum, lu. Đây không rõ nghĩa, có lẽ là địa điểm.
67/ Có người gọi là bãi Tiên.
68/ Dị bản: Bãi Chông đã đến bãi Trần nào hay.
69/ Tức là cù lao Cao. Dị bản: Khu Ông, Cà Ná là đây…
70/ Hoặc dị bản: cù lao Cao đó thẳng ngay La Gàn.
71/ DỊ BẢN: Nam vào chốn đây đã an, Hòng Song, Trại Lưới xinh xang làm nghề.
72/ Cửa Dường ở phía ngoài của Phan Rí.
73/ Dị bản: Hòn Lang đàng trước bốn bề sóng xao (hòn Lang ở Phan Rí).
74/ Gành Thông ở dưới Sẫm tại Hòn Một, Phan Thiết.
75/ La Gì nay là tỉnh Bình Tuy.
76/ Hòn Bà nằm trước cửa La Gì, tại đó có rạn cây Gõ.
77/ Mũi Bà nằm dưới La Gì.
78/ Hóc tức là bờ biển có đá dựng thẳng xuống nước (falaise rocheuse).
79/ Tức là lễ cúng Phật tại chùa sở tại.
80/ Thủy Vân tức là mũi Kỳ Vân ở Phước Hải.
81/ Hòn Tai nằm dưới mũi Kỳ Vân.