Bài toán kinh tế: Vì sao doanh nghiệp sở hữu lượng lớn tiền mặt nhưng vẫn đi vay ngân hàng?
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang là một ví dụ. Với kết quả kinh doanh hiệu quả, vài năm nay, Dược Hậu Giang luôn có số dư tiền gửi lớn, trên dưới 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn đi vay ngân hàng.
Dư nợ của Dược Hậu Giang chủ yếu nằm ở các khoản vay ngắn hạn. Theo nguyên tắc tài chính, vay nợ ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động, như khoản phải thu, hàng tồn kho,..
Một vấn đề đặt ra là tại sao DHG sở hữu lượng tiền gửi lớn nhưng lại phải vay ngắn hạn ngân hàng?
Báo cáo tài chính các năm của DHG đều phản ánh một khoản tiền gửi có kỳ hạn (kỳ hạn còn lại trên 3 tháng và dưới 12 tháng) lớn, trên dưới 2.000 tỷ đồng.
Đồng thời với tiền gửi, tại các thời điểm, công ty cũng có dư nợ ngắn hạn ở mức trên dưới 200 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất năm 2021 thể hiện, DHG quan hệ tín dụng với VCB Cần Thơ, hạn mức 660 tỷ đồng. Các khoản này được bảo đảm bằng các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Thời hạn cho vay của các khoản nợ tối đa 6 tháng.
Năm 2020, lãi suất các khoản cho vay dao động từ 0,28% - 0,47%/tháng, tương đương 3,36% - 5,64%/năm.
Còn theo BCTC quý III/2022, các khoản vay ngân hàng đang chịu lãi suất 0,27% - 0,4%/tháng, tương đương 3,24% đến 4,8%/năm. Đây là mức lãi suất rất tốt trong thị trường hiện nay, mặc dù đã tăng so với lãi suất công ty nhận nợ năm ngoái là 0,18% - 0,33%/tháng, tương đương 2,16% đến 3,96%.
Với việc được hưởng mức lãi suất ưu đãi như vậy, DHG sẽ có cơ hội sử dụng đồng vốn một cách linh hoạt (giải ngân ra khi cần nhập hàng và trả nợ vào khi thu được tiền) trong khi tiền gửi cố định kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất tốt nhất.
Đó chính là tối ưu hóa bài toán tài chính mà một số doanh nghiệp "có điều kiện" cũng thường sử dụng.
Lũy kế 9 tháng, chi phí lãi vay của công ty là 12 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tăng về mặt tương đối có vẻ lớn (20%), nhưng số tuyệt đối tăng thêm chỉ là 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi tiền gửi 9 tháng đầu năm của DHG là 91,4 tỷ đồng, tăng 4% (hơn 3 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Tuy vậy, mới đây khi lãi suất thị trường có xu hướng tăng, dư nợ ngắn hạn đến cuối quý III của DHG cũng đã giảm mạnh, từ 207 tỷ đồng đầu năm còn 38 tỷ đồng vào cuối quý III.
Điều đáng nói, khoản phải thu khách hàng và tồn kho của công ty tại 30/09 không có nhiều biến động. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không phải thu hẹp quy mô vốn lưu động cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm dư nợ vay.
Tổng tài sản ngắn hạn của DHG đến cuối quý III tăng 3% so với đầu năm, trong khi đó, tổng nợ ngắn hạn giảm tới 16%, chủ yếu do sự sụt giảm của nợ vay ngắn hạn (vay ngân hàng).
Nợ vay ngắn hạn giảm được bù đắp bởi sự tăng lên của vốn chủ sở hữu, từ 3.793 tỷ đồng hồi đầu năm lên 4.058 tỷ đồng thời điểm 30/09, tương đương tăng 7%.