Bài toán khó giải của Fed
Người tiêu dùng Mỹ lạc quan hơn về nền kinh tế và tin rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao. Điều này có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương, khiến bài toán của Fed nan giải hơn.
Bài toán khó giải của Fed
Người tiêu dùng Mỹ lạc quan hơn về nền kinh tế và tin rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao. Điều này có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương, khiến bài toán của Fed nan giải hơn.
Các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp hạ nhiệt lạm phát. Nhưng ông Jerome Powell và ngân hàng trung ương Mỹ đang đối mặt với bài toán nan giải hơn.
Theo CNN , tâm lý người tiêu dùng Mỹ đang cải thiện nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Điều này có thể đẩy lạm phát - do cầu kéo - lên cao trở lại.
Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số đo lường tâm lý của người tiêu dùng đã tăng từ 64,9 trong tháng 1 lên 66,4 vào tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2021.
Con số này vượt dự đoán trước đó của giới quan sát là 65.
"Tâm lý của người tiêu dùng được củng cố nhờ lạm phát hạ nhiệt và các dữ liệu tốt về nền kinh tế, nhất là thị trường việc làm", CNN dẫn lời bà Joanna Hsu, Giám đốc phụ trách khảo sát.
Hơn nữa, theo cuộc khảo sát, người tiêu dùng Mỹ tin rằng lạm phát sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Bà Hsu chỉ ra việc giá xăng bật tăng trong những tuần qua là một yếu tố thúc đẩy lạm phát.
Kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát là dữ liệu quan trọng với Fed. Bởi nếu người tiêu dùng tin rằng giá cả vẫn cao, họ sẽ muốn được tăng lương. Điều này có thể dẫn tới vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát là dữ liệu quan trọng với Fed. Bởi nếu người tiêu dùng tin rằng giá cả vẫn cao, họ sẽ muốn được tăng lương. Điều này có thể dẫn tới vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm
Vòng xoáy lạm phát - tiền lương xảy ra khi người lao động muốn một mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời kỳ lạm phát. Các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Do đó, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/2, Mỹ có thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, tăng mạnh từ mức 223.000 việc làm hồi tháng 12/2022 và bỏ xa con số được các nhà đầu tư dự báo là 187.000 việc làm.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Mới đây, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn dự kiến sau báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ. "Nếu nền kinh tế chống chịu tốt hơn dự báo, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm", vị quan chức nói với Bloomberg.
"Thực tế là chúng tôi sẽ hành động dựa trên các dữ liệu. Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá", Chủ tịch Fed chia sẻ trong một bài phát biểu mới đây.
Hơn nữa, theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động, sau khi điều chỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 tại Mỹ đã tăng so với tháng trước, thay vì giảm như ước tính trước đó.
Cụ thể, CPI sau khi sửa đổi đã tăng 0,1% trong tháng cuối năm 2022, chứ không giảm 0,1% như ước tính.
Thảo My
Zing.vn