Bài phân tích dài của Tuần san Le Point báo động tình hình Đài Loan

Chia sẻ Facebook
24/10/2022 10:42:39

Tờ tuần san Le Point của Pháp xuất bản ngày 20/10 đã dành một bài dài 20 trang phân tích tình hình eo biển Đài Loan.

Tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo Tập Cận Bình nhắc lại vấn đề không loại trừ dùng vũ lực đối với Đài Loan. Về vấn đề này, tuần san Le Point của Pháp vào ngày 20/10 đã lấy trang bìa là hình ảnh Đài Loan với tiêu đề “Thêm một lần đe dọa… Đài Loan hãy cảnh giác”, và dành 20 trang để phân tích tình hình.

Quân đội Đài Loan đã sẵn sàng cho việc chống trả một cuộc xâm lược bất ngờ từ Bắc Kinh khi bà Pelosi ghé thăm. (Ảnh minh họa: JENG BO YUAN/Shutterstock)


Phần đầu bài viết là “Đài Loan cảnh giác: Ký sự xâm lược được công bố” phân tích các mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan trong 70 năm qua. Bài viết cũng liệt kê các cảnh báo về khả năng ĐCSTQ xâm lược Đài Loan của các học giả, chuyên gia và của người Đài Loan, qua đó nhấn mạnh “đây là ‘xâm lược’ chứ không phải ‘thống nhất’”.


Phần thứ hai là “Cao Hùng: Cảng Đài Loan mà ĐCSTQ thèm muốn”, phân tích vị trí quan trọng của cảng Cao Hùng như một cảng lớn, một thành phố công nghiệp và một pháo đài ở Đài Loan.


Phần thứ ba phỏng vấn nhà sử học nổi tiếng người Anh và là tác giả Peter Frankopan của “Con đường tơ lụa”, từ quan hệ Trung – Nga đánh giá tình hình eo biển Đài Loan.


Bài viết chia sẻ nhiều ý kiến ​​khác nhau về khả năng và thời điểm ĐCSTQ xâm lược Đài Loan. Nhiều người vẫn hoài nghi về cuộc tấn công vào Đài Loan này, có thể thấy ĐCSTQ đe dọa suốt 70 năm qua với 3 lần “nguy cơ cận kề” đã khiến người Đài Loan quen với tình hình. Nhưng nhiều người vẫn lo lắng về tâm thái thờ ơ không nhận thức đầy đủ về thực tế này.


Cựu chủ tịch của Tập đoàn Vi điện tử Thống nhất UMC Đài Loan là Robert Tsao cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Hầu hết người dân Đài Loan không tin ĐCSTQ sẽ xâm lược quân sự… Chúng ta không nên quá dựa vào Chính phủ. Tôi không chống lại Chính phủ mà là tôi phải cảnh giác với nguy cơ”.


Một cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ là Elbridge Colby đã kêu gọi lập liên minh ngăn chặn nguy cơ ĐCSTQ trước khi quá muộn. Ông nói với tờ tuần báo Le Point, “ĐCSTQ biết rằng họ có lợi thế so sánh về hành động trong 10 năm này… Điều tôi thực sự lo lắng là tâm thái chủ quan của không ít người Đài Loan… Nếu nổ ra cuộc chiến vào năm 2027 thì ngay bây giờ cần bắt đầu chuẩn bị”. Ông Colby cũng lo ngại về việc ĐCSTQ che giấu sức mạnh quân sự khi cho sử dụng dân quân trên biển.

Trong phần nói về cảng Cao Hùng, bài viết nhắc lại việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Cao Hùng vào tháng 9 và chia sẻ Đài Loan là một hình mẫu cho kinh tế và thương mại, và Mỹ nên xích lại gần Đài Loan hơn. Bài báo chỉ ra rằng Cao Hùng là cảng lớn nhất ở Đài Loan và là cảng lớn thứ 17 trên thế giới, Cao Hùng cũng là một thành phố công nghiệp quan trọng ở Đài Loan, nhiều sản phẩm công nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào xuất nhập khẩu tại cảng biển.

Năm ngoái, một báo cáo từ một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington là “Viện Dự án 2049” (Project 2049 Institute) đã chỉ ra các mục tiêu quan trọng nhất mà ĐCSTQ thèm muốn là các cảng biển, là vùng có thể nhanh chóng vận chuyển xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác vào hòn đảo.

Chuyên gia: Dã tâm của ĐCSTQ khi có cổ phần tại 96 cảng trên toàn cầu


Thị trưởng Chen Chi-Mai của thành phố Cao Hùng cũng nói: “Nhìn từ chiến lược quân sự cho thấy Cao Hùng là trung tâm của Đài Loan với các cảng, tàu ngầm và căn cứ không quân. Sẽ rất nguy hiểm nếu Cao Hùng trở nên thân cộng”. Ủy viên Lin YuKai của Hội đồng thành phố Cao Hùng cũng cho hay việc ĐCSTQ đầu tư vào cảng Cao Hùng “gây rủi ro về an ninh quốc gia”. Kể từ năm 2012, COSCO Trung Quốc đã sở hữu cổ phần trong một khu vực cảng và thậm chí còn mua một đối tác để tăng cổ phần vào năm 2018.

Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng người Đài Loan đang dần thức tỉnh trước nguy cơ, đặc biệt là sau chiến tranh Nga – Ukraine thì Đài Loan không chỉ tăng cường mua vũ khí quân sự của Mỹ mà còn khởi động chương trình tự chế tạo vũ khí, xây dựng chiến lược con nhím để tác chiến trong bối cảnh phi đối xứng. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng nối lại quy chế nghĩa vụ quân sự bắt buộc 1 năm từ năm 2024.


Nhiều quan chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về an ninh của Đài Loan. Theo tờ SCMP , ngày 19/10 tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ Michael Martin Gilday đã được hỏi ông nghĩ gì về lời cảnh báo của ông Tập Cận Bình đối với Đài Loan tại Đại hội 20, ông Gilday nói: “Tôi nghĩ họ có thể trong 2022 hoặc 2023, tôi không thể loại trừ điều đó”.


Vị tướng Mỹ này tin rằng trước những mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga, điều quan trọng hơn là giữ cho Hải quân Mỹ luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, vấn đề “chuẩn bị cho cuộc chiến tối nay” còn quan trọng hơn đối với mở rộng quy mô hạm đội.


Dân biểu Cộng hòa Mỹ Mike Gallagher (R-WI) cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào ngày 18/10, rằng ông tin sau khi ông Tập Cận Bình củng cố được quyền lực và bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba thì ông ta sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề Đài Loan. “Tôi thực sự lo ngại rằng họ sẽ đẩy nhanh thời gian biểu (tấn công Đài Loan), có thể đến vài năm tới trước dự tính khoảng năm 2027 của chúng tôi”, ông Gallagher nói.

Ông đánh giá rằng thời điểm nguy hiểm nhất có thể là sau cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan vào năm 2024, vì năm đó Mỹ cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống nên sẽ bị phân tâm hơn.


Ngày 19/10, Ngoại trưởng Mỹ Blinken một lần nữa cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của ABC News rằng vì muốn đẩy nhanh quá trình thống nhất Đài Loan nên ĐCSTQ có thể sử dụng mọi thủ đoạn có thể, bao gồm ép buộc, gây áp lực và thậm chí tấn công quân sự nếu cần thiết. Ông nhắc lại rằng Mỹ sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo phòng thủ cho Đài Loan. Trước đó không lâu, ông Blinken cũng nêu lên những lo ngại tương tự khi nói trong một cuộc trò chuyện tại Đại học Stanford, cho hay hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan đã được duy trì trong nhiều thập kỷ, nhưng bây giờ ĐCSTQ đã thay đổi chiến lược.


Giai Kỳ, Vision Times

Đài Loan mở rộng định nghĩa về “cuộc tấn công đầu tiên” nhằm đối phó với Trung Quốc

Đài Loan mở rộng định nghĩa về "cuộc tấn công đầu tiên" nhằm mục đích xác định xem đâu là điều kiện đủ để đáp trả quân sự chống lại sự xâm lược của Trung…

Chia sẻ Facebook