Bài học về 'quyền tự do ngôn luận' từ vụ án Nguyễn Phương Hằng
Công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định trong các Hiến pháp và pháp luật
Vừa qua, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh vừa tuyên án bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân 30 tháng tù và ba bị cáo còn lại bị tuyên 1 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017... Điều này để lại một bài học đắt giá cho những người sử dụng không gian mạng để nhục mạ người khác, bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử và thuần phong mỹ tục.
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định rõ: 'Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định'.
Bà Nguyễn Phương Hằng và Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân trong một buổi livestream cuối năm 2021
Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: 'Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm'.
Tại Khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định rất rõ khái niệm, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh đó các luật, văn bản dưới luật có liên quan khác thì công dân sử dụng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận trên mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyền tự do ngôn luận cũng là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR) năm 1948 của Liên Hợp Quốc. Bên cạn đó, theo Công ước quốc tế về quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR) năm 1966 của Liên Hợp Quốc cũng chỉ rõ : “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tham gia tích cực trong việc hiện thực hóa những văn bản trên của Liên Hợp Quốc…
Liên quan đến vấn đề này, trong một lần trả lời báo điện tử VOV.VN, Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty Luật An Ninh cho biết: “Theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Việc tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội; … Như vậy, mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình”.
Bà Nguyễn Phương Hằng khi bị tạm giữ
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, quyền tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối. Nên việc áp dụng quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân không phải là muốn nói gì thì nói, mà phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành.
Bài học “nhãn tiền” từ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm
Kết luận điều tra vụ án cho thấy, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, cùng với sự giúp sức của các đồng phạm (Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân) đã có những phát ngôn với nhiều lời lẽ dung tục trên 'livestream' (truyền trực tiếp lên mạng xã hội) để nhục mạ người khác bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử lẫn thuần phong mỹ tục. Trong đó có nhiều chủ đề, nội dung chưa được kiểm chứng về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.
Khai báo với cơ quan điều tra và tại phiên tòa, đa số những thông tin được bà Hằng sử dụng là do đọc thông tin trên mạng Internet, đọc báo và nằm mơ, chứ chưa kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh sự thật
Với hàng loạt phát ngôn tại các buổi livestream và đăng trên mạng xã hội về các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh (Nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (Ca sĩ Vi Oanh), Đặng Thị Hàn Ni (Luật sư - Nhà báo Hàn Ni), Nguyễn Đức Hiển (Nhà báo), Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà là trái quy định của pháp luật.
Những hành vi nêu trên của bà Hằng và các đồng phạm đã vi phạm khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và điểm a, b khoản 3 Điều 16; điểm d Khoản 1, Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018. Bên cạnh đó còn vi phạm điểm d, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại tòa án ngày 21/9.
Ngoài ra, một số hành vi khác của bị cáo Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu phạm vào tội 'Vu khống', 'Làm nhục người khác',…theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Với những tội danh trên, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù giam; ông Đặng Anh Quân (45 tuổi, Giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) 2 năm 6 tháng tù; 3 bị cáo còn lại Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân bị 1 năm 6 tháng tù.
Tại phiên tòa ngày 21/9, bà Nguyễn Phương Hằng trình bày nói rất ân hận vì lỗi lầm gây ra, và xin lỗi các cấp chính quyền, những người mà mình đã xúc phạm và cũng xin được giảm nhẹ án để sớm trở về với cuộc sống.
'Bị cáo biết bị cáo sai, bị cáo xin lỗi tất cả các cấp chính quyền, xin lỗi tất cả những người bị cáo đã vô tình hay cố ý đụng chạm...' - bà Nguyễn Phương Hằng nói.
Qua vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc quản lý, xử phạt nghiêm khắc những hoạt động văn hóa, ứng xử, phát ngôn, bình luận, nhận xét… bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử lẫn thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Đây cũng là bài học nhãn tiền cho những người, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng xã hội, học vấn cao khi sử dụng quyền tự do ngôn luận bất chấp pháp luật để thông tin không đúng sự thật, vô tư phán xét người khác một cách không kiểm soát gây dư luận xấu trong xã hội, gây tác hại vô cùng xấu đến môi trường không gian mạng.