Bài học từ những vụ trở thành đối tượng lừa đảo sau khi mất tiền từ đầu tư trên mạng ảo

Chia sẻ Facebook
24/11/2023 06:58:28

Sau khi bị mất tiền bởi các hình thức đầu tư tài chính trên mạng, một số “nạn nhân” đã quay ra lừa đảo ngoài thực tế dẫn đến vi phạm pháp luật.


Từ bị hại trở thành đối tượng lừa đảo

Cuối tháng 8/2023, Võ Thị Tuyết (SN 1990), trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bắt đầu tham gia thực hiện “nhiệm vụ” đầu tư bán hàng online.

Đối tượng Võ Thị Tuyết tại cơ quan công an.

Thời gian đầu, Tuyết cũng cẩn thận, dè chừng khi chỉ bỏ ít triệu tiền đặc cọc để nhận hàng. Trong tháng đầu tiên, Tuyết bỏ ra 5 triệu, nhưng chưa đầy 1 tháng đã có hơn 15 triệu đồng.

Thấy lợi nhuận cao, cùng với suy nghĩ bản thân có kiến thức về kinh tế, nên người phụ nữ này đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào thực hiện “nhiệm vụ” trên mạng để mong thu lợi nhuận lớn hơn.

Tuy nhiên, sau khi Võ Thị Tuyết chuyển tiền thì hệ thống bị sập, các cách thức liên lạc với các đối tượng đã bị chặn. Lúc này, Tuyết mới tỉnh ngộ và biết mình chỉ là “con mồi” chứ không phải là “thợ săn”.

Điều đáng nói, để có số tiền hơn 3 tỷ đồng “đầu tư” trên mạng, lợi dụng vị trí công việc đang làm, sự tin tưởng của người dân, Võ Thị Tuyết đã lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng của nạn nhân trên địa bàn.

Tuyết lừa đảo để kiếm tiền kinh doanh bán hàng online.

Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 30/10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An bắt giữ Võ Thị Tuyết về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan điều tra, trong các ngày 29, 30/8/2023, Võ Thị Tuyết đã nói dối với bị hại rằng có nhiều người cần vay tiền để “đảo khế” do khoản vay của họ sắp đến thời hạn phải tất toán, sau khi giải ngân sẽ trả lại tiền.

Sau khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, Tuyết sử dụng khế vay của gia đình làm thủ tục đảo khế nhiều lần trong vòng 2 ngày. Sau khi ngân hàng giải ngân Tuyết sử dụng tiền vào việc trả nợ, tiếp tục đầu tư bán hàng trên mạng và chi tiêu cá nhân mà không trả lại cho nạn nhân như cam kết.

Trần Thị Soa chơi chứng khoán thua lỗ nên đi lừa đảo.

Tương tự như trường hợp trên, Trần Thị Soa (SN 1985), trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành vốn chỉ làm công việc liên quan đến “tâm linh”.

Tháng 5/2023 Soa bắt đầu “lấn sân” sang đầu tư chứng khoán. Tháng 5/2023, do đầu tư chứng khoán thua lỗ nên Soa đã nảy sinh ý định lợi dụng một người phụ nữ để lừa đảo chiếm đoạt 1,63 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt của nạn nhân được Soa đầu tư vào chứng khoán sau đó thua lỗ, mất trắng.

Sau thời gian áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 30/10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) bắt giữ Trần Thị Soa về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.


Cần nâng cao cảnh giác

Chỉ trong vòng ít ngày đầu tháng 11/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã liên tiếp bắt giữ 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất cả các vụ án trên, trước khi phạm tội các đối tượng đều là nạn nhân mất trắng tiền tỷ do đầu tư kinh doanh trên mạng xã hội.

Đủ chiêu trò mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận trên mạng hòng lừa đảo người dùng. Ảnh minh hoạ.

Theo Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, lôi kéo người chơi kinh doanh trên mạng internet, mạng xã hội nhưng vì hám lợi nhiều người vẫn mù quáng đầu tư. Thậm chí để có tiền tiếp tục kinh doanh trên mạng một số người đã biến mình tự bị hại trở thành các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để rồi khi nhìn lại thì mọi chuyện đã quá muộn.

“Điểm chung của các vụ án trên đó là bị can chính là nạn nhân của các trò lừa đảo trên mạng xã hội. Sau khi bị lừa đảo số tiền lớn, họ bí bách về tiền bạc, để có tiền chuyển cho các đối tượng lừa đảo cho nên các bị can này quay ra lừa đảo ngoài thực tế. Từ bị hại, họ tự biến mình trở thành đối tượng vào vòng lao lý”, Trung tá Hà Huy Đức nói.

Về việc này, Thượng tá Trần Đức Thân, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo, người dân phải hết sức thận trong đối với các hoạt động đầu tư, đầu tư chứng khoáng, đầu tư tiền ảo và các loại đầu tư trên mạng xã hội. Bởi, nếu không nâng cao cảnh giác sẽ dễ bị các đối tượng qua mạng xã hội thao túng tâm lý, bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau, chúng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chỉ khi bị mất trắng tài sản thì khi ấy mới tỉnh ngộ, hối hận, song đã quá muộn màng.


Phạm Thủy – Văn Hậ u

Chia sẻ Facebook