Bài học sau khi vay nợ để mua sắm: Tài chính cạn kiệt, không dám nghỉ làm

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 11:59:17

Tiền trong túi cứ thế cạn dần vì những lần mua sắm không kiểm soát!


“Kể từ khi ra trường đi làm, kiếm được tiền, tài chính bắt đầu ổn thì mình càng mua sắm nhiều hơn. Khoảng thời gian giãn cách vì dịch bệnh, mình lôi đống đồ được chất trong phòng để dọn dẹp lại. Mình thật sự hơi sốc sau khi nhìn đống mỹ phẩm, quần áo: Có đến hàng trăm thỏi son, nhiều thỏi đã hết hạn dù chưa dùng lần nào, gần chục loại kem nền và phấn mắt, những bộ cọ trải dài trên bàn, rồi những bộ quần áo theo xu hướng,... Khi đó, mình có ngay câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao kiếm bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ?” Dù vậy, mình chỉ thực sự ý thức được bản thân đang mua sắm quá đà khi có những món nợ đầu tiên.” Minh Phương (1997, nhân viên văn phòng) nhận ra rằng bản thân cô nàng có biểu hiện nghiện mua sắm.

Chẳng hạn như Phương sẽ giấu đồ đi nếu bị người thân cằn nhằn sao mua nhiều thế, hay cảm giác tiếc nuối nếu không mua món đồ đang được giảm giá. Và kết quả cho những lần mua sắm đó, cứ nhận lương là hết tiền, chẳng có khoản tiết kiệm nào, thậm chí còn có những khoản nợ ngoài kế hoạch!


Vay nợ để mua sắm: Tiêu tiền giúp giảm bớt áp lực

Mình nghiện cảm giác thỏa mãn sau mỗi lần mua được món đồ gì đó. Hay cứ mỗi lần gặp áp lực trong cuộc sống, công việc, gặp chuyện gì đó không vui là mình lại giải tỏa bằng cách lướt các quảng cáo trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để đặt mua rất nhiều món đồ linh tinh. Thêm nữa, công việc hiện tại của mình khá rảnh rỗi, nên lại có thêm nhiều thời gian bàn bạc cùng hội chị em xem hôm nay có món đồ nào đang hot, quần áo nào đang nổi,... dạo 1 vòng các chương trình giảm giá là lại mua. Quả thực là như bị thao túng tâm lý, tay không thể ngừng mua hàng!

Ảnh minh họa - Pinterest


Phần nữa, mình bị ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội, bạn bè khá nhiều, khiến mình cảm thấy bản thân cần nhiều hơn những gì mình đang có. Trước đây, mình luôn nghĩ rằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền sẽ tự tin hơn. Chính những suy nghĩ đó, khiến mình tốn không ít tiền cho việc mua sắm hàng tuần, hay sau mỗi kỳ nhận lương là lại lượn lờ vào các trung tâm thương mại, sàn mua bán trực tuyến.

Từng có khoảng thời gian sau khi đi làm, mình nhận lời mở thẻ tín dụng từ bạn bè giới thiệu, với hạn mức 30 triệu/tháng. Ban đầu cũng chần chừ chẳng mở vì sợ nợ xấu. Nhưng những ưu đãi từ thẻ tín dụng khiến mình cứ thế lao vào con đường mua trước trả sau. Khi đó, lãi suất thẻ mình mở khá cao, vào khoảng 30-50%/năm. Tuy vậy, việc sở hữu thẻ, khiến mình có thể mua những món đồ mình thích ngay lập tức, cũng không có cảm giác tiếc nuối vì đó chẳng phải tiền lương. Chính vì sự mê hoặc của những khoản tiền tiêu trước, thu nhập hàng tháng của mình ngày càng bị ăn mòn hơn, vì suy nghĩ tự phụ rằng bản thân có thể trả bằng thu nhập trong tương lai. Nhưng vì chi tiêu quá đà, mình bắt đầu có những con số nợ tín dụng. Những thông báo chi tiêu quá hạn mức thẻ, không trả tiền kịp kỳ hạn nên lãi càng cao hơn. Điều này khiến cuộc sống của mình chậm trễ hơn so với các kế hoạch đã lên sẵn, không dám nghỉ việc và không dám thử những điều mới.


Ngừng vung tay quá trán để nhận lại ví tiền dày hơn

Khi có nợ, mình cảm thấy bất an hơn, vì tiền lương cuối tháng dành hơn phân nửa để trả tín dụng. Khoản tiền để chi tiêu ngày càng hạn hẹp, và nhu cầu mua sắm không còn được thỏa mãn như trước. Khi này, dù xuống tiền mua bất cứ thứ gì, điều đầu tiên mình nghĩ đến là khoản nợ đang treo lơ lửng, dù có mua được cũng không còn cảm giác thích thú như trước đây. Vậy nên, mình đã phải cấp tốc trả hết số nợ đang có, nếu càng để lâu thì tiền lãi sẽ ngày 1 tăng và mình có nguy cơ dính vào nợ xấu. Vì không thể trả hết 1 lần, nên mình chỉ cố gắng trả được nhiều nhất có thể để giảm số lãi phải chịu. Mình chỉ giữ lại thu nhập đủ để chi tiêu cơ bản hàng tháng. Mong muốn của mình khi đó là dứt điểm với thẻ tín dụng, và phải có kế hoạch mua sắm thông minh hơn.

Ảnh minh họa - Pinterest


Đầu tiên, mình lên kế hoạch kiểm soát dòng tiền của bản thân. Mình chặn hết quảng cáo của các hãng mỹ phẩm, quần áo trên các trang mạng xã hội. Sau đó, là lập ngay 1 tài khoản tiết kiệm riêng, mỗi khi có lương về là sẽ chuyển tiền vào đó để đề phòng việc vung tay quá trán. Tiếp theo, mình hủy thẻ tín dụng và chuyển về sử dụng thẻ ATM thường, tránh việc vay trước trả sau dẫn đến những món nợ mới phát sinh vì mua sắm.


Thứ hai, nhận biết cái nào cần thiết, cái nào không. Mình tổng kết lại tất cả những món đồ hiện tại đang sở hữu lại thành 1 danh sách thật sự chi tiết. Khi đã có danh sách cụ thể, mình ngồi lại và xem xét từng món đồ, xem cái nào cần thiết (nếu không có thì không thể sống được) - và những món đồ không quá quan trọng thì đem tặng bạn bè, người thân. Số còn lại không xử lý được hết, mình đăng bán thanh lý để kiếm lại chút tiền. Việc nhận biết bản thân mình cần gì cực kỳ quan trọng. Nó giúp não bộ mình đưa ra phán đoán chính xác hơn trước mỗi quyết định mua hàng.


Thứ ba, lập danh sách mua sắm. Mình phát hiện rằng thói quen mua đồ phát sinh từ việc không biết mình cần gì. Vậy nên, sau khi xác định được những món đồ thực sự cần thiết, mình lập tức ghi lại và đánh dấu cho những lần mua sắm tiếp theo. Khi cố định 1 danh sách mua sắm, đầu óc sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn và không còn nhiều sự phân vân trước khi xuống tiền.

Ví dụ như trước đây, hồi mới tập tành trang điểm, mình đã mua tất cả những món đồ được bạn bè giới thiệu, hay các chuyên gia trang điểm gợi ý, tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhưng trải qua thời gian dài, mình chợt nhận ra rằng có những món đồ chẳng bao giờ dùng đến, vì không hợp hoặc không cần thiết, đơn giản chỉ là mua để thỏa mãn bản thân. Vậy nên, sau này mình chỉ mua những món đồ thực sự phù hợp, dành thời gian suy nghĩ và xem lại danh sách sản phẩm của chính mình đã lọc ra.

Ảnh minh họa - Pinterest


Thứ tư, kỷ luật với bản thân. Mình đặt ra những quy tắc như: Nếu mua 1 món đồ mới, mình phải lựa chọn 1 món đồ cũ để vứt bỏ hoặc cho đi, nhằm tăng sự tiếc nuối để bản thân từ bỏ món đồ mới định mua. Ngoài ra, mình cố gắng lấp đầy thời gian rảnh bằng những việc có ích hơn như đọc sách, học nấu ăn, pha chế đồ uống gì đó. Và giải tỏa áp lực bằng cách lành mạnh hơn như đi bơi, tập thể dục.

Mình bắt đầu thực hiện các bước trên cuối năm 2020, và đến thời điểm hiện tại mình đã có cuộc sống đơn giản hơn, nhà cửa không còn bừa bãi vì những món đồ vứt lung tung, tiền tiết kiệm thì ngày một dày hơn, quan trọng hơn là không có khoản nợ nào. Lúc đầu, việc thực hiện cũng rất khó, có những đêm day dứt vì không mua được món đồ mình thích. Cũng có những lần lấy lý do tự thưởng bản thân rồi chốt đơn lúc 2h sáng, nhưng đến sáng hôm sau thấy hối hận lại đi hủy đơn. Vài lần như thế cũng khiến mình kiểm điểm bản thân hơn. Khi đã dần cai được cơn nghiện mua sắm, mình thấy không chỉ sức khỏe thể chất và tinh thần được tăng lên, mà tình hình tài chính cũng được cải thiện rất nhiều. Không còn lo lắng cho ví tiền mỗi khi cuối tháng.

Chia sẻ Facebook