Bài học đắt giá cho Hàn Quốc trong cạnh tranh thị trường công nghệ với Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
18/07/2023 08:24:52

Dưới tình trạng đánh cắp công nghệ điên cuồng của ĐCSTQ, Hàn Quốc đã mất vị trí dẫn đầu toàn cầu về màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD).

Dưới tình trạng đánh cắp công nghệ điên cuồng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Hàn Quốc đã mất vị trí dẫn đầu toàn cầu về màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD). Một lượng lớn nhân tài Hàn Quốc từng được Trung Quốc săn đón gần đây đã bị loại bỏ sau khi bị phía Trung Quốc khai thác hết các tiềm năng, thậm chí họ còn không nhận được tiền bồi thường khi thôi việc. Có cảnh báo những gì Hàn Quốc đang phải đối mặt với Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh công nghệ lành mạnh, đó là chính phủ lưu manh cần nghiêm ngặt đề phòng.

Buồng sóng điện từ mạng internet tại trụ sở của Samsung Electronics ở Suwon dùng cho các cuộc kiểm tra và thử thiết bị vô tuyến 5G. (Nguồn ảnh: JUNG YEON-JE/AFP qua Getty Images)


Hàn Quốc là một trong những mục tiêu chính của ĐCSTQ trong hành vi trộm cắp công nghệ, công nghệ của Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp mạnh như chất bán dẫn và màn hình hiển thị đang ngày càng được ĐCSTQ thèm muốn. Các thủ đoạn thường được phía Trung Quốc dùng để đánh cắp công nghệ của Hàn Quốc bao gồm đãi ngộ người tài với mức lương cao và mua chuộc người trong cuộc, giúp Trung Quốc nhanh chóng làm chủ công nghệ cốt lõi. Trong thị trường màn hình hiển thị thế giới gồm màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD) và diode phát sáng hữu cơ (OLED), từ năm 2021 Trung Quốc đã thay vị trí dẫn đầu thế giới của Hàn Quốc về LCD – lĩnh vực mà trước đó Hàn Quốc đã dẫn đầu thế giới 17 năm liền.


Theo dữ liệu do Hiệp hội Công nghiệp Màn hình Hàn Quốc công bố năm nay, năm ngoái Trung Quốc đứng đầu thế giới trong thị trường LCD với thị phần 42,5% và Hàn Quốc đứng thứ hai với 36,9%.


Hàn Quốc mất lợi thế trước Trung Quốc trên thị trường màn hình LCD đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh lợi nhuận thấp này, thay vào là tập trung lĩnh vực OLED. Năm ngoái, thị phần OLED toàn cầu là 81,3% ở Hàn Quốc và 17,9% ở Trung Quốc.


Nhưng theo đuổi của Trung Quốc cũng đang tăng tốc trong thị trường OLED.


Thị phần của Trung Quốc trên thị trường OLED vừa và nhỏ đã tăng từ 1,5% trong năm 2017 lên 20% vào năm ngoái.


Theo truyền thông JoongAng Ilbo Hàn Quốc ngày 14/7, những người trong ngành màn hình tiết lộ rằng các nhà sản xuất màn hình lớn của Trung Quốc như BOE, China Star Optoelectronics (CSOT) và Huike (HKC)… từ năm 2022 đã liên tục sa thải các nhân viên Hàn Quốc, số lượng đến nay lên ít nhất 100 người. Hầu hết những người này từng phụ trách thiết kế và sản xuất tấm nền LCD tại Samsung Display và LG Display. Nguồn tin cũng tiết lộ nhiều công ty Trung Quốc đã trực tiếp đưa ra “ lệnh cho thôi việc ” khi sa thải nhân viên Hàn Quốc mà không trả tiền bồi thường thôi việc. Cũng có nhiều công ty Trung Quốc hứa ký hợp đồng 3 năm khi thuê nhân viên Hàn Quốc, nhưng nhiều trường hợp bị sa thải chỉ trong vòng 1 năm sau khi chuyển đến Trung Quốc.


Để đánh cắp công nghệ LCD, các công ty Trung Quốc đã dùng mồi nhử thu nhập cao để dụ dỗ các tài năng kỹ thuật Hàn Quốc, hứa sẽ cung cấp cho nhân viên kỹ thuật Hàn Quốc mức lương hàng năm cao gấp 3 lần so với công việc hiện tại của họ, đảm bảo hợp đồng 3 năm; đảm bảo 3 ưu đãi lớn khác gồm ô tô, nhà ở, học phí cho con cái.


Sau khi sa thải các chuyên gia LCD của Hàn Quốc, phía Trung Quốc hiện đang chuyển sự chú ý sang các các chuyên gia OLED của Hàn Quốc.


Mặc dù Hàn Quốc hiện có lợi thế trên thị trường OLED toàn cầu, nhưng Hàn Quốc lo ngại rằng ĐCSTQ có thể theo thủ đoạn tương tự để một lần nữa lấn chiếm được thị trường OLED của Hàn Quốc.


Ngoài ra trong bối cảnh ngày nay khi Mỹ tăng cường ngăn chặn ĐCSTQ trong lĩnh vực chất bán dẫn, âm mưu của ĐCSTQ nhằm thu hút nhân tài Hàn Quốc trong lĩnh vực này cũng càng trở nên cấp bách.


Tờ Hankook Ilbo của Hàn Quốc đã có bài cảnh báo ngày càng nhiều trường hợp các công ty Trung Quốc thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hàn Quốc, đánh cắp công nghệ bằng cách thuê các nhà nghiên cứu Hàn Quốc hoặc mua cổ phần của các công ty Hàn Quốc để tăng cường quyền kiểm soát. Vì nếu các nhà nghiên cứu Hàn Quốc trực tiếp đến các công ty địa phương của Trung Quốc, họ có thể trở thành mục tiêu điều tra của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc hoặc các công tố viên. Việc ĐCSTQ thành lập các viện nghiên cứu hay mua cổ phần ở Hàn Quốc không những có thể thoát khỏi mạng lưới điều tra của Chính phủ Hàn Quốc mà còn dễ dàng thu hút những nhân tài giỏi hơn.


Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, từ năm 2017 – 2022 đã có 93 trường hợp nhân viên kỹ thuật Hàn Quốc làm rò rỉ bằng sáng chế công nghiệp ra nước ngoài, mức độ rò rỉ công nghệ trong lĩnh vực màn hình chỉ đứng sau chất bán dẫn và hơn 60% vụ rò rỉ công nghệ có liên quan đến ĐCSTQ, tổng thiệt hại vượt quá 25.000 tỷ won (~ 19,6 tỷ USD).


Nói với Epoch Times hôm 15/7, chuyên gia vấn đề Trung Quốc Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), từng là giảng viên lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Trung Quốc, cho rằng những người Hàn Quốc bị dẫn dụ vì chưa hiểu hết bản chất tà ác của phía Trung Quốc, không nghĩ rằng họ sẽ bị loại bỏ sau khi bị lợi dụng để có được công nghệ, đây là điều mà Hàn Quốc nên coi như là lời cảnh báo.


Ông nhấn mạnh bài học mà Hàn Quốc nên rút ra là “ Những gì họ đang phải đối mặt không phải là đối thủ cạnh tranh công nghệ bình thường mà là một chính phủ lưu manh, chúng bằng mọi cách đánh cắp thành quả của bạn, vì vậy Hàn Quốc nên nghiêm ngặt đề phòng”.


Ông nhắc nhở rằng Hàn Quốc cần có luật nghiêm khắc đối với vấn đề bán lợi ích cốt lõi cho nước ngoài, đặc biệt là cho một chính quyền lưu manh như ĐCSTQ, phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Để đảm bảo lợi ích quốc gia thì không thể không đề phòng ngăn chặn Trung Quốc. Ngoài ra, ĐCSTQ đã sử dụng Bắc Triều Tiên như con cờ trong cuộc đấu với phương Tây, còn Bắc Triều Tiên cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Hàn Quốc, vì vậy từ góc độ an ninh quốc gia Hàn Quốc cũng nên đề phòng ĐCSTQ trong vấn đề này.

Vụ kiện bản quyền của Samsung đối với BOE Trung Quốc


Gần đây Hàn Quốc đã chấn động trong một vụ đánh cắp công nghệ quy mô lớn từ Trung Quốc.


Giữa tháng 6, Văn phòng Công tố thành phố Suwon – Hàn Quốc đã truy cứu một cựu chuyên gia họ Choi (65 tuổi) của Samsung Electronics, người này nhận 460 tỷ won (~ 360 triệu USD) từ chính quyền Thành Đô Trung Quốc để thành lập công ty sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc, chiêu mộ được hơn 200 nhân sự cốt lõi từ Samsung Electronics và SK Hynix. Ông Choi bị nghi ngờ lấy dữ liệu thiết kế của nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics, qua đó xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc bắt chước nhà máy của Samsung Electronics.


Các công tố viên Hàn Quốc tuyên bố: “Đây là dữ liệu mà Samsung Electronics có được sau hơn 30 năm nghiên cứu và phát triển, trị giá từ 300 tỷ đến hàng ngàn tỷ won (~ 200 triệu đến hàng tỷ USD), không chỉ là bí mật kinh doanh của một công ty mà còn cũng là một công nghệ cốt lõi cấp quốc gia”.


Đi cùng tình trạng hành vi trộm cắp công nghệ Hàn Quốc của ĐCSTQ ngày càng kinh khủng hơn, các công ty Hàn Quốc phải thực hiện các biện pháp phòng vệ. Tại Tòa án Quận phía Đông bang Texas của Mỹ vào tháng 6, Samsung đã đệ đơn kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại công ty màn hình lớn nhất Trung Quốc BOE, cáo buộc rằng BOE đã chiếm đoạt 5 bằng sáng chế màn hình OLED do công ty phát triển cho iPhone 12. Đây là vụ kiện bằng sáng chế đầu tiên của Samsung chống lại BOE.


Theo Ngô Tâm, Epoch Times

7 nhân viên cũ của Samsung bị bỏ tù vì tiết lộ công nghệ chip cho Trung Quốc 7 cựu nhân viên của một công ty con thuộc tập đoàn Samsung Electronics đã bị kết án tội trộm cắp công nghệ chất bán dẫn.

Chia sẻ Facebook