Bái đường: Nghi thức quan trọng nhất trong hôn lễ xưa

Chia sẻ Facebook
05/10/2022 19:22:01

Thời cổ đại, người xưa dùng nghi thức bái đường để hình dung về đám cưới. Đây cũng là nghi thức quan trọng nhất phải thực hiện sau khi chú rể rước cô dâu về nhà. Chỉ có trải qua nghi thức này, cô dâu chú rể mới được xã hội công nhận là vợ chồng, hôn nhân mới được thành lập.

(Tranh minh họa: Trích từ “Cô Tô phồn hoa đồ”, Họa sĩ Từ Dương, Wikipedia, Public Domain)

Bái đường cũng được gọi là Bái Thiên địa, Bái hoa đường hay Bái đường thành thân. Nội dung của Bái đường không chỉ là bái Thiên địa mà còn bao gồm cả bái bài vị tổ tông, bái cha mẹ và vợ chồng bái nhau. Sở dĩ có tên gọi Bái đường là bởi vì lễ bái này được tổ chức ở đường thất (phòng chính, phòng khách).


Theo sách “Thế thuyết tân ngữ” , nghi thức Bái đường có nguồn gốc từ thời nhà Tấn. Theo “Tùy thư. Lễ nghi chí” ghi lại, Hoàng đế Bắc Tề khi cử hành hôn lễ, vợ chồng cũng tiến hành bái nhau. Nhưng là người vợ bái trước đứng dậy sau, người chồng bái đáp sau và đứng dậy trước.


Bái đường thịnh hành nhất là vào thời nhà Đường. Trong bài “Thất sai oán” của Vương Kiến nhà Đường viết: “H ai chén rượu sáu người thân, cô dâu nên đến bái đường” . Trong “Ôn công thư nghi” , tác giả Tư Mã Quang viết: “Thời cổ, người phụ nữ và người đàn ông làm lễ bái. Tập tục quê nhà gọi là nam nữ tương bái” . Trước thời nhà Đường, dân gian gọi tập tục này là Lễ giao bái. Đến thời nhà Đường, “bái đường” mới trở thành tên gọi chính thức .

Vào thời Bắc Tống, trước ngày cử hành hôn lễ, cô dâu chú rể tiến hành bái từ đường, sau là vợ chồng bái nhau. Đến thời Nam Tống, nghi thức bái đường được tiến hành vào ngày tân hôn. Về sau, vào ngày cưới, cô dâu chú rể bái Thiên địa trước, sau là bái đường. Đến thời nhà Thanh, bái Thiên địa và bái tổ tiên được gọi chung là bái đường.

Nghi thức bái đường gồm có thứ nhất là bái Thiên địa, thứ hai là bái cao đường, thứ ba là vợ chồng giao bái.

Bái Thiên địa


Trong quan niệm truyền thống của người cổ đại, hôn nhân có ý nghĩa vô cùng thần thánh. Hôn nhân vợ chồng là phản ánh sự kết hợp âm dương của Trời đất. Trong “Hậu Hán Thư” viết: “Đạo vợ chồng là âm dương kết hợp, thông đạt Thần linh, là nghĩa của Trời đất, là đại lễ của nhân luân” . Trong “Xuân thu kinh giải” cũng viết: “ Chỉ mình dương thì không tồn tại, chỉ mình âm thì không thể, cho nên có trời thì có đất, có mặt trời thì có mặt trăng, nghĩa nam nữ, lễ hôn nhân, đạo Trời đất, cái gốc của nhân luân” .


Có thể thấy, hôn nhân là cái gốc của nhân luân, là sự kiện trọng đại của đời người. Việc bái Thiên địa có mục đích chính là để thỉnh Trời đất chứng giám cho hôn nhân của hai vợ chồng. Hai người từ nay thành vợ thành chồng, thề nguyền với Trời đất sẽ suốt đời có trách nhiệm với nhau, mong Trời đất chứng giám cho hành vi của mình. Nếu người chồng hay người vợ có vi phạm sẽ bị Thần linh trừng phạt.


Trời và đất có một ý nghĩa là hoàn cảnh sinh tồn tự nhiên. Nó có ý nghĩa quyết định đối với sự sinh tồn, sinh sản và phát triển xã hội của con người. Con người sống trong Trời đất, dựa vào vạn vật mà Trời đất hóa sinh để sinh tồn. Hoàn cảnh tự nhiên tốt là mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu màu mỡ, sản vật phong phú, không khí tươi mát trong lành, nước sông tinh khiết, không có tạp nhiễm. Con người sinh sống trong hoàn cảnh tự nhiên tốt như vậy chính là được thiên nhiên ban ơn cho rất nhiều. Nhờ đó, con người có được sức khỏe, nâng cao được chất lượng cuộc sống, việc gây dựng sự nghiệp cũng dễ dàng thành công hơn, sinh con trai con gái cũng tự nhiên được khỏe mạnh. Vì thế, con người phải có lòng biết ơn Trời đất, cảm tạ Trời đất đã cho con người hết thảy.


Một ý nghĩa khác của Trời đất là ý rằng Trời đất không phải là một thứ gì đó mơ hồ mông lung, không có ý thức. Người xưa giảng “Trên đầu ba thước có Thần linh” , Trời đất là tồn tại cao hơn người, là Thần linh cao hơn người, là từ bi và bảo hộ người, đồng thời cũng chiểu theo Pháp lý, Đạo lý mà duy hộ hoàn cảnh sống của người. Bởi vậy người thuận với Đạo lý của Trời đất thì nhận được phúc báo, người đi ngược lại với Đạo lý của Trời đất thì sẽ bị trừng phạt theo lý nhân quả. Đạo của Trời đất phản ánh vào cõi người chính là Đức, thường được gọi là đạo đức. Ân nghĩa vợ chồng, sự thần thánh của hôn nhân vợ chồng chính là ở chỗ có Trời đất chứng giám.

Đây chính là nguyên nhân vì sao cô dâu chú rể phải bái Thiên địa trước tiên trong nghi thức Bái đường.

Bái cao đường


Cao đường ở đây là chỉ tổ tông, người lớn trong nhà. Trong hôn lễ, cô dâu chú rể phải bái lạy bài vị tổ tông. Ngày xưa gia tộc thường có gia miếu và cô dâu chú rể phải đến gia miếu để bái liệt tổ liệt tông, đây là nghi thức rất quan trọng. Bởi vì cô dâu là người ngoài tộc được gả về trở thành thành viên của gia tộc nhà chú rể nên phải bái lạy tổ tông, cầu mong tổ tông thừa nhận. Lễ bái này là sự khởi đầu thể hiện cụ thể hàm nghĩa “hoà hợp hai họ, trên để thờ phụng tông miếu, dưới để nối tiếp dòng họ” của hôn nhân.

Sau khi bái tổ tông là bái phụ mẫu, cầu mong phụ mẫu thừa nhận. Có thể nói kết hôn là đánh dấu sự trưởng thành thực sự của nam nữ đôi bên mà cha mẹ có ơn sinh thành dưỡng dục. Trong văn hóa truyền thống, hiếu thảo với ông bà cha mẹ là một mỹ đức vô cùng tốt đẹp và rất được coi trọng. Cho nên trong hôn lễ, cô dâu chú rể phải bái cha mẹ.

Thời thượng cổ, cô dâu khi bái đường chỉ bái cha mẹ chồng và các bậc trưởng bối của nhà trai. Bắt đầu từ thời Đường lại thêm nội dung bái bạn bè và tân khách tham gia hôn lễ.

Vợ chồng đối bái


Cổ nhân cho rằng có hôn nhân nam nữ mới có cha con, quân thần, tức là lễ nghĩa luân thường, tổ chức xã hội đều dựa vào hôn nhân mà được thành lập. Trong quá trình hôn nhân, yêu cầu nam nữ phải trung trinh. Vô luận là bần cùng, bệnh tật, tai họa, sống chết cũng không được phản bội và rời bỏ. Hai người đã là vợ chồng thì phải hết lòng tuân thủ lời thề với Thần linh. Vợ chồng bái nhau là biểu thị từ nay thành vợ thành chồng, phải luôn luôn kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau nắm tay nhau sống đến đầu bạc răng long.

Ngày nay trong lễ kết hôn của nam nữ đã không còn nghi thức bái đường, nhưng vẫn bảo lưu việc cô dâu chú rể thắp hương khấn bái tổ tiên, vợ chồng giao bái và tục khom người chào trưởng bối cũng như tân khách đến tham dự.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Vì sao trà là vật không thể thiếu trong hôn lễ xưa?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook