Bậc trí giả xưa xem nhẹ danh lợi và được mất
Con người sống nơi thế gian, khi tâm luôn bị danh lợi chi phối thì sẽ vì lợi mà vui, cũng vì lợi mà buồn phiền, đau khổ. Nhưng đời người...
Con người sống nơi thế gian, khi tâm luôn bị danh lợi chi phối thì sẽ vì lợi mà vui, cũng vì lợi mà buồn phiền, đau khổ. Nhưng đời người “có được tất có mất”, đó là chân lý bất biến ở thế gian, vì thế cùng với vui vẻ khi được con người ta cũng cần học cách chấp nhận khi mất đi. Một người khi làm việc mà có thể xem vinh nhục như đóa hoa kia sớm nở tối tàn thì mới có thể giữ cho nội tâm bình thản không kinh động, xem chức vị đến rồi đi thất thường tựa như mây tụ mây tan thì mới có thể giữ được tâm thanh tịnh. Đây là cảnh giới của bậc trí giả.
Danh lợi không mờ mắt
Thời kỳ Xuân Thu, Phạm Lãi và Văn Chủng phụ tá Việt Vương Câu Tiễn hai mươi năm, giúp Câu Tiễn thành tựu bá nghiệp. Về sau, Phạm Lãi được phong làm Thượng tướng quân, danh tiếng nổi khắp thiên hạ, nhưng ông rất tỉnh tảo trước danh vọng, cho rằng Câu Tiễn là người đa nghi nên đã chuẩn bị im lặng mà ra đi. Phạm Lãi cũng viết một lá thư khuyên Văn Chủng rời đi nhưng Văn Chủng không tin, cuối cùng Văn Chủng bị Câu Tiễn ban cho cái chết.
Phạm Lãi sau khi rời khỏi nước Việt đã đến nước Tề. Ông cải tên đổi họ, đi khai hoang, buôn bán, gia sản ngày càng tăng lên. Tề Vương nghe nói Phạm Lãi là hiền nhân nên đã cho vời ông. Nhưng Phạm Lãi từ chối, không màng công danh.
Phạm Lãi rời khỏi nước Tề đến sống ở đất Đào và lấy tên là Đào Chu Công. Ở đây, ông lại tiếp tục buôn bán, tích lũy được một khối gia sản rất lớn. Nhưng Phạm Lãi vốn hiểu “Vật cực tất phản” , nên cứ có được gia sản lớn, ông lại tiêu tán bằng cách trợ giúp những người nghèo khó.
Người xưa cho rằng danh lợi tiền tài, quan to lộc hậu đều từ đức mà sinh ra. Phạm Lãi chính là người có đức lớn. Nhưng ông cũng là người rất có hạn độ. Cũng bởi vì có hạn độ, không dính mắc vào danh lợi mà ông lưu lại tiếng thơm muôn thuở.
Được mất không động tâm
Trong “Lưu tân khách gia thoại lục” có kể một câu chuyện về việc đánh giá quan lại thời nhà Đường như vậy.
Thời Đường Thái Tông, Lô Thừa Khánh bởi vì xử sự công chính ngay thẳng nên được phong làm Khảo công viên ngoại lang, quản lý việc đánh giá thành tích của quan lại. Có một lần, một vị quan quản thủy vận đã sơ suất để thuyền chở lương thực bị chìm. Lô Thừa Khánh viết một câu đánh giá rằng: “Làm chìm thuyền, xem xét giáng hạ”.
Tuy nhiên khi giao lại kết quả, Lô Thừa Khánh đã rất ngạc nhiên trước thái độ của vị quan viên này. Ông ta không giải thích một lời nào, không một chút tức giận hay lo sợ, rất thản nhiên tiếp nhận.
Lô Thừa Khánh ngẫm nghĩ lại, cho rằng thuyền chở lương bị chìm không phải là trách nhiệm của cá nhân vị quan mà vị quan này cũng không thể cứu vớt được nên đã sửa lời đánh giá thành: “Giữ nguyên chức”. Nhưng vị quan kia vẫn không tỏ ý kiến, cũng không thể hiện một nét mặt kích động nào.
Lô Thừa Khánh thực sự tán thưởng thái độ ấy, ông nói: “Sủng nhục bất kinh! Khó được, khó được!” Cuối cùng, Lô Thừa Khánh sửa lời nhận xét thành: “Được mất không động tâm. Xem xét thăng chức.”
Con người thông thường khi được thì vui mừng phấn khởi, khi mất đi thì bi thương buồn phiền, như thế tâm sẽ bị những vật bên ngoài làm nhiễu loạn. Nhân sinh một đời, cỏ cây một mùa, được mất vinh nhục như mây khói thoảng qua.
Thời Bắc Tống, khi Phạm Trọng Yêm từ địa vị gần như Tể tướng bị giáng chức, phải chuyển đến Đặng Châu sinh sống, thì giống như là từ trên cao rơi xuống đáy vực vậy. Ông từng nổi tiếng với câu nói “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” , nhưng khi không thể làm vậy nữa thì ông cũng không cưỡng cầu, mà lại có thể “vui vẻ thoải mái, sủng nhục đều không nhớ” . Được dửng dưng, mất ung dung, nhưng trong mọi việc đều tận trách, phong thái này đáng giá để người đời sau suy ngẫm.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Cảnh giới không màng danh lợi của người xưa
Mời xem video :