Bậc trí giả “được” không cao hứng, “mất” không sầu bi
Con người sống nơi thế gian quan trọng ở cái tâm. Khi tâm luôn bị danh lợi chi phối người ta sẽ vì có lợi mới vui, mất lợi sẽ buồn phiền, đau khổ. Nhưng đời người “có được tất có mất”, đó là chân lý bất biến ở thế gian, vì thế cùng với vui vẻ khi được con người ta cũng cần học cách chấp nhận khi mất đi.
Thông thường, người ta ai cũng đều vui mừng khi đạt được và thống khổ khi mất đi lợi ích. Nhưng bậc trí giả, người có đạo đức cao thượng, khi chiếm được thứ gì bản thân kỳ vọng, họ cũng sẽ không quá cao hứng, khi mất đi thứ mà trong lòng ngưỡng mộ họ cũng sẽ không đau đớn bi thương. Bất luận là đối mặt với thành công hay thất bại họ đều bảo trì được tâm thái thản nhiên, bất động. Họ không bởi vì thành công nhất thời mà tự mãn hay thất bại nhất thời mà tự coi nhẹ bản thân mình.
Danh thần Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống từ nhỏ đã khổ học, học tập các kinh sách Nho gia, rồi về sau ông lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật gia, kính Thần, tín Phật.
Phạm Trọng Yêm làm quan hơn mười năm, cuộc sống phi thường giản dị, mộc mạc. Cho dù đến tận lúc làm tể tướng, dưới Vua trên vạn người, nhưng ông vẫn sống trong ngôi nhà đơn sơ, không xây dinh thự cho mình. Có người từng muốn xây cho ông một căn nhà, nhưng ông nói: “Điều con người theo đuổi chính là đạo nghĩa. Một người nếu trong lòng có đạo nghĩa thì vô luận là ở đâu đi nữa, trong lòng cũng luôn cao hứng. Chuyện xây dinh thự các vị không nên nhắc lại nữa”.
Phạm Trọng Yêm cũng không mua sắm ruộng đất và nhà cửa gì cho con cháu, thậm chí ông còn dùng tài sản mà cả đời ông tích góp được để mở trường dạy học, chấn hương giáo dục, mua ruộng vườn cấp cho người nghèo làm ăn. Cả đời ông vì lên tiếng cho điều chính nghĩa mà mấy lần bị giáng chức. Nhưng ông lại không vì điều đó mà cảm thấy bi thương, oán thán. Ông từng ba lần bị giáng chức, điều về ngoại thành làm quan.
Năm Thiên Thánh thứ 7, đời vua Nhân Tông, Phạm Trọng Yêm vừa mới vào kinh thành nhậm chức Bí các giáo lý, vì dâng sớ phản đối Hoàng Thái hậu phô trương lãng phí nên ông bị Hoàng Thái hậu giáng chức đuổi ra khỏi kinh thành.
Năm Minh Đạo thứ 2, đời vua Nhân Tông, Phạm Trọng Yêm nhậm chức Hữu ti gián, bởi vì kiên trì đòi lại công bằng cho người khác mà ông đã bị Hoàng đế giáng chức xuống làm quan ở Mục Châu. Đây là lần thứ hai ông bị giáng chức, đuổi ra ngoài kinh thành.
Năm Cảnh Hữu thứ 2, đời vua Nhân Tông, Phạm Trọng Yêm được thăng chức làm Lễ bộ viên ngoại. Tể tướng triều đình lúc ấy là Lữ Di. Vì đề phòng việc ông hay can ngăn và nói lời chính trực, có thể làm ảnh hưởng đến sự chuyên quyền của mình, Lữ Di bèn tâu xin Hoàng đế đưa Phạm Trọng Yêm đi làm quan tri phủ Khai Phong. Đồng thời, ông ta còn sai người tới nói với Phạm Trọng Yêm rằng: “Không làm ngôn quan, không nên nhiều lời bàn luận việc nước”. Nhưng trong lòng Phạm Trọng Yêm vẫn quan tâm tới triều đình, không sợ uy quyền, vẫn làm việc vì dân, đúng như những gì ông viết trong bản sớ dâng vua: “Kiên định một tấm lòng, ba lần bị giáng chức nhưng không hề hối hận”.
Những gì Phạm Trọng Yêm trải qua, có lẽ không nhiều người chịu đựng được, nhưng ông vẫn một lòng kiên định, không lay động. Trong tác phẩm “Nhạc Dương Lâu ký”, nói về phương châm sống của mình, ông viết: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” (Tạm dịch: Không vì lợi ích vật chất mà hài lòng, cũng không vì số phận không may mà buồn phiền).
Không lo được mất, dùng tâm bình thản đối đãi với những nhấp nhô, lên xuống trong cuộc đời là một loại cảnh giới không dễ dàng đạt được. Trong “Đạo Đức Kinh” , Lão Tử viết về thực trạng xã hội: “Hi hi nhương nhương giai vi lợi vãng” (Tạm dịch: Thiên hạ nhốn nháo, đều là vì lợi mà đến). Quả thực là trong cuộc sống, đại đa số người ta đều vì lợi ích của bản thân mà bận rộn. Đạo đức nhân nghĩa được xem là một loại lý tưởng, nhưng ở thời khắc mấu chốt, có bao nhiêu người có thể buông bỏ lợi ích của chính bản thân mình, vì người khác mà suy nghĩ?
Trong lịch sử, không phải chỉ Phạm Trọng Yêm mà còn có rất nhiều trung thần nghĩa sĩ như Tô Đông Pha, Nhạc Phi, Lâm Tắc Từ… cho dù bị hãm hại mà bị giáng chức nhiều lần nhưng không ai trong họ bất mãn, trầm uất, sống cuộc đời đau buồn. Trái lại, các bậc trí giả đó vẫn có thể thản nhiên, thủy chung giữ được tâm linh cao quý của mình. Người quân tử thản thản đãng đãng, dù ở hoàn cảnh nào cũng thản nhiên đối mặt. Người có thể sống được như vậy thì cho dù thân không tu đạo nhưng tâm đã ở trong đạo rồi.
Lợi ích vật chất trong cuộc đời rồi cũng qua đi như mây khói, giành được cũng không đáng để vui, không cần phải đắc chí, mất đi cũng không cần quá xót xa khiến tinh thần sa sút, thất vọng. Bậc trí giả có tấm lòng độ lượng, quên mình sẽ luôn được tạc đá ghi vàng, phẩm đức cao thượng và tinh thần kiên trung bất khuất sẽ được lưu danh muôn đời, người người ngưỡng mộ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :